MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao?

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao?

Từng có chung xuất phát điểm với quy mô khá tương đồng, song đến thời điểm hiện tại hai doanh nghiệp này đã có những ngã rẽ riêng và khoảng cách khá lớn.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 22 năm hình thành và phát triển. Song hành cùng sự lớn mạnh của thị trường là SAM, REE, 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam. Từng có chung xuất phát điểm với quy mô khá tương đồng, đến thời điểm hiện tại SAM và REE đã có những ngã rẽ riêng và khoảng cách lớn.

Xét về quy mô, vốn điều lệ của REE đạt 3.100 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ SAM là đã đạt 3.654 tỷ đồng. Ở phía SAM, sau 13 đợt mạnh tay tăng vốn, vốn điều lệ của SAM đã vượt qua REE và tăng gấp 20 lần so với thời điểm mới lên sàn. Sắp tới, SAM dự kiến tiếp tục tăng thêm vốn lên mức 3.800 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm gần 15 triệu cổ phiếu.

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao? - Ảnh 1.

Đối với REE, mức vốn điều lệ 3.100 tỷ đồng đã duy trì từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp cũng đang có động thái tăng vốn lên hơn 3.564 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 46,4 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021.

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao? - Ảnh 2.

Tuy tăng vốn thần tốc, song nếu so về tổng tài sản SAM lại tụt xa REE. Trải qua 22 năm, tổng tài sản SAM tăng từ 165 tỷ đồng lên xấp xỉ 7.700 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản của REE vượt trội hơn hẳn khi chạm mốc hơn 32.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với 250 tỷ đồng thời điểm mới lên sàn.

Hai lối rẽ riêng biệt trong chiến lược kinh doanh

Công ty Cổ phần SAM Holdings tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển SACOM. Lĩnh vực hoạt động ban đầu của SAM là sản xuất và phân phối các loại cáp cho ngành bưu chính - viễn thông. Đây là mảng kinh doanh chủ lực mang đến khoản lãi đều đặn cho SAM trong thời điểm đó.

Tuy nhiên, không bằng lòng với mảng kinh doanh truyền thống, SAM thể hiện rõ tham vọng mở rộng kinh doanh đa ngành sang nhiều lĩnh vực khác như đầu tư tài chính, kinh doanh bất động từ năm 2009. Đặc biệt, trong ba mảng bất động sản, công nghiệp và đầu tư tài chính, SAM đặt mảng đầu tư tài chính là trụ cột chính.

Tuy vậy, việc đầu tư dàn trải nhiều lĩnh vực cũng chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Điều này thể hiện rõ trong kết quả kinh doanh của SAM không có quá nhiều bứt phá, dù quy mô vốn đã tăng lên đáng kể.

Khác với SAM, Cơ điện lạnh REE lại chọn cho mình lối đi riêng khi tập trung vào mảng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Với định hướng rõ ràng, REE trở thành doanh nghiệp lớn đáng gờm trong 3 lĩnh vực là năng lượng, bất động sản và cơ điện. Đặc biệt, việc tập trung vào lĩnh vực hạ tầng điện, nước sẽ giúp REE hưởng lợi thế lâu dài bởi đây là những nhóm ngành thiết yếu trong cuộc sống.

Trong lĩnh vực năng lượng, REE Energy đang đầu tư vào các nhà máy, dự án thuỷ điện, nhiệt điện, điện gió, điện năng lượng mặt trời với tổng công suất lắp đặt 3.951 MW (tổng công suất điện tương ứng tỷ lệ REE đang sở hữu là 1.000 MW).

Trong lĩnh vực nước sạch, REE Water đầu tư vào lĩnh vực phân phối với tổng công suất sản xuất 1,2 triệu m3/ngày. Trong đó, tổng công suất sản xuất tương ứng tỷ lệ REE đang sở hữu là 450.000 m3/ngày.

Trong lĩnh vực văn phòng cho thuê và bất động sản, REE đang vận hành các toà nhà văn phòng cho thuê với tổng diện tích 150.000m2 và sẽ tăng lên 200.000m2 khi E.Town6 chính thức đi vào hoạt động. REE Land hiện đang là đơn vị phát triển các dự án bất động sản của tập đoàn. Đồng thời, doanh nghiệp hiện vẫn đang là nhà thầu cơ điện, nhà thầu EPC cho các dự án năng lượng, đồng thời là nhà phân phối máy điều hoà không khí nhãn hiệu Reetech và Fujitsu.

REE bứt phá với lợi nhuận nghìn tỷ - SAM chật vật với bức tranh kinh doanh ảm đạm

Vào năm 2000 khi mới niêm yết, doanh thu REE và SAM lần lượt đạt 225 tỷ đồng và 117 tỷ đồng. Giai đoạn 2004 - 2007 là thời kỳ SAM "vượt mặt" REE về doanh thu. Tuy nhiên, những bước đi sai lầm trong chiến lược kinh doanh đã khiến tình hình kinh doanh của SAM lao dốc, thậm chí năm 2008 và năm 2011 còn thua lỗ xấp xỉ hàng trăm tỷ đồng.

Sau gần 10 năm thay đổi chiến lược, hoạt động kinh doanh của SAM có phần ổn định hơn giai đoạn trước đó, dù chưa thực sự tạo ra dấu ấn. Đặc biệt, lợi nhuận SAM cũng chưa xứng tầm với doanh thu khi chỉ dao động quanh ngưỡng 100 tỷ đồng. Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh liên tục âm nặng trong 2 năm gần đây (năm 2020 âm 545 tỷ đồng và năm 2021 âm 1.044 tỷ đồng).

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao? - Ảnh 3.

Chiến lược kinh doanh hiệu quả giúp lợi nhuận của REE liên tục bứt phá mạnh mẽ qua từng năm. Từ năm 2016 trở lại đây, lợi nhuận của doanh nghiệp luôn duy trì trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng. Trong năm 2019 - 2020, dù lợi nhuận có phần chững lại nhưng vẫn duy trì trên ngưỡng 1.700 tỷ đồng. Trong năm 2022, REE đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế cao kỷ lục, lần lượt là 9.249 tỷ đồng và và lợi nhuận sau thuế là 2.061 tỷ đồng.

Sau 22 năm niêm yết, hai doanh nghiệp đầu tiên trên sàn chứng khoán giờ ra sao? - Ảnh 4.

Vốn hóa REE gấp gần 7 lần SAM sau 22 năm lên sàn

Đồng thuận kết quả kinh doanh kém sắc, giá cổ phiếu SAM có nhiều giai đoạn chỉ ngang bằng "cốc trà đá". Cùng với đà thăng hoa của thị trường chứng khoán trong 2 năm trở lại đây, cổ phiếu này đã trở về mệnh, thậm chí tăng vọt lên gần 25.000 đồng/cp vào đầu năm nay. Tuy nhiên, hiện cổ phiếu SAM chỉ còn quanh mốc 11.500 đồng/cp (chốt phiên 25/7), tương đương với 4.200 tỷ đồng vốn hóa.

Trái chiều với SAM, từ khi niêm yết tới nay, cổ phiếu REE liên tục bứt phá và chinh phục đỉnh cao mới. Kết thúc phiên 25/7, thị giá đạt 80.300 đồng/cp, tương ứng vốn hóa thị trường hơn 28.500 tỷ đồng, gấp ~116 lần vốn hóa khi chào sàn năm 2000. Với đà tăng ngoạn mục, REE "vững chân" trong danh sách doanh nghiệp có vốn hóa tỷ USD, trong khi vốn hóa của SAM vẫn chưa thể bứt phá. Như vậy, sau gần 22 năm lên sàn, vốn hóa của REE đã gấp gần 7 lần so với SAM.

Bên cạnh đó, REE cũng là một trong những cổ phiếu có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với việc thường xuyên kín room ngoại, nhà đầu tư nước ngoài thậm chí phải chấp nhận bỏ chi phí lớn hơn so với thị giá trên sàn để sở hữu được cổ phiếu này. Ngoài ra, cổ phiếu này còn là cái tên quen thuộc trong các rổ chỉ số quan trọng như VN-30 hay VN Diamond.

https://cafef.vn/sau-22-nam-niem-yet-hai-doanh-nghiep-dau-tien-tren-san-chung-khoan-gio-ra-sao-20220722112808986.chn

Hạ Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên