MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Phổ cập hơn 7 triệu tài khoản, khẳng định vị thế của kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế

Sau 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Phổ cập hơn 7 triệu tài khoản, khẳng định vị thế của kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế

Trải qua hơn 2 thập kỷ hoạt động, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng tỏ được sức hút mạnh mẽ, thể hiện qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia vào giao dịch trên thị trường với chất lượng ngày càng được nâng cao.

Ngày 28/7/2023 đánh dấu chặng đường 23 năm giao dịch của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Hơn 2 thập kỷ vận hành, từ một thị trường non trẻ, TTCK Việt Nam đến nay đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Sau 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Phổ cập hơn 7 triệu tài khoản, khẳng định vị thế của kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế - Ảnh 1.

Nhìn lại thời điểm ban đầu, Trung tâm Chứng khoán TP.HCM (tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM – HoSE) chính thức khai trương hoạt động vào 20/7/2000 và trở thành đơn vị tổ chức giao dịch chứng khoán tập trung đầu tiên của Việt Nam. Phiên giao dịch đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/7/2000 với 2 cổ phiếu niêm yết là REE (CTCP Cơ điện lạnh) và SAM (CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông), tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng.

Từ khởi đầu sơ khai, số lượng doanh nghiệp niêm yết trên TTCK Việt Nam ngày càng gia tăng, hiện lên tới hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM. Tính riêng sàn HoSE, số lượng doanh nghiệp niêm yết đạt 409, tương ứng hơn 141 tỷ cổ phiếu lưu hành.

Nhóm các Công ty chứng khoán (CTCK) cũng tăng trưởng đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu như thời điểm mới thành lập năm 2000, thị trường chỉ có sự tham gia của 6 CTCK thành viên thì đến nay, số lượng CTCK đã lên tới trên 70, trong đó bao gồm nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài, thậm chí không ít CTCK có quy mô tương đương các ngân hàng tầm trung.

Về mặt điểm số, VN-Index ghi nhận xu hướng tăng trưởng bền vững trong 23 năm qua, thậm chí có thời điểm vượt mốc 1.500 điểm. Hiện chỉ số chính đang giao dịch quanh ngưỡng 1.200, nhưng với triển vọng tích cực về môi trường vĩ mô cũng như sự ổn định của các yếu tố nội tại, VN-Index được tin tưởng sẽ sớm trở lại đỉnh cao cũ, thậm chí tiến xa hơn trong những năm tới.

photo-1690472987146

 

Cùng sự phát triển của thị trường, thanh khoản giao dịch ngày càng sôi động. Những phiên giao dịch tỷ đô không còn quá xa lạ với nhà đầu tư, đặc biệt trong giai đoạn thăng hoa 3 năm trở lại đây. Lượng tiền ồ ạt chảy vào đưa quy mô vốn hóa thị trường đạt khoảng 6 triệu tỷ đồng, gấp hàng nghìn lần so với con số khiêm tốn gần 1.000 tỷ đồng của năm 2000, trong đó vốn hoá HoSE đạt 4,8 triệu tỷ đồng.

Danh sách doanh nghiệp vốn hóa tỷ đô trên sàn chứng khoán dần được nối dài, hiện thị trường ghi nhận 47 doanh nghiệp có vốn hóa lớn hơn 1 tỷ USD (trên 24.000 tỷ đồng). Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (mã: VCB) là doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất với mức vốn hóa vượt ngưỡng 18 tỷ USD.

photo-1690473005580

 

Sau 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Phổ cập hơn 7 triệu tài khoản, khẳng định vị thế của kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế - Ảnh 4.

Giai đoạn đầu vận hành, chứng khoán còn khá xa lạ với người dân Việt Nam. Nhưng trong những năm gần đây đã có sự thay đổi đáng kể, chứng khoán đang ngày càng phổ cập và trở thành kênh đầu tư thuận lợi, hấp dẫn với người dân, bên cạnh các kênh truyền thống như bất động sản, vàng hay gửi tiết kiệm.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD), từ vỏn vẹn 3.000 tài khoản hồi cuối năm 2000, tổng số tài khoản chứng khoán hiện đã lên mức 7,3 triệu, tương đương khoảng 7,3% dân số Việt Nam. Xu hướng người dân đầu tư chứng khoán được dự báo sẽ ngày càng gia tăng khi được hỗ trợ thêm nhờ các yếu tố công nghệ như giao dịch online, mở tài khoản eKyc hay được “giúp sức” từ các Fintech. Chiến lược lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Chính phủ, Bộ Tài chính đặt mục tiêu số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 8% dân số vào năm 2025 và 10% dân số vào năm 2030.

Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng nhà đầu tư chứng khoán không chỉ giúp thanh khoản thị trường cải thiện đáng kể mà còn đóng vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp có thể huy động thêm nguồn vốn.

photo-1690473020190

 Lượng nhà đầu tư tham gia thị trường càng lớn sẽ kéo theo nhu cầu đa dạng về các sản phẩm mới. Nếu như khởi đầu, TTCK Việt Nam chỉ có giao dịch cổ phiếu tại sàn HoSE thì những năm sau đã phát triển thêm các sàn giao dịch mới như HNX, Upcom với những điều kiện niêm yết và giao dịch khác nhau, giúp cho các doanh nghiệp có thể dễ dàng đáp ứng hơn với các tiêu chuẩn lên sàn chứng khoán.

Sự ra đời Quyết định 51/2014/QĐ-CP là một bước ngoặt lớn khi bắt buộc DNNN sau cổ phần hóa phải lên sàn chứng khoán. Nhờ đó, một làn sóng mới đã đổ bộ sàn chứng khoán với nhiều “tên tuổi” đáng chú ý như Cảng Hàng không (ACV), VEAM (VEA), Vietnam Airlines (HVN), Tập đoàn Cao su (GVR), Becamex IDC (BCM), EVNGENCO 3 (PGV), Sabeco (SAB), Habeco (BHN)… Nhà đầu tư không chỉ có thêm lựa chọn hàng hóa, mà hoạt động này còn giúp mang lại ngân sách quốc gia, ổn định tỷ giá thông qua các thương vụ bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước. Thống kê giai đoạn từ 2005 tới hiện tại, tổng giá trị cổ phần bán được thông qua đấu giá cổ phần đạt 240.000 tỷ đồng.

Đồng thời, chứng khoán tiếp tục khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế khi giúp doanh nghiệp huy động được vốn thông qua phát hành thêm cổ phần, phần nào giảm gánh nặng phụ thuộc vào ngân hàng. Lượng vốn các doanh nghiệp niêm yết huy động về mỗi năm thông qua chào bán thêm cổ phiếu đạt mức hàng chục nghìn tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE huy động được hơn 57.000 tỷ đồng qua phát hành mới cổ phiếu, tăng 15% so với năm trước.

photo-1690473058980

 Không chỉ phát triển về số lượng doanh nghiệp niêm yết, TTCK 23 năm qua còn ra mắt nhiều sản phẩm mới, mang lại các công cụ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài cổ phiếu đơn thuần, các sản phẩm như chứng chỉ quỹ hoán đổi ETF, chứng quyền bảo đảm (CW) hay thị trường chứng khoán phái sinh đã được ra mắt và giao dịch sôi động, thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Gần nhất, sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ đã đi vào vận hành, được kỳ vọng sẽ cởi bỏ được nhiều nút thắt trong giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc liên tục rút ngắn thời gian giao dịch, gần nhất xuống T+2,5 đã giúp vòng quay vốn nhanh hơn, tăng thanh khoản thị trường, qua đó phù hợp hơn với các tiêu chuẩn quốc tế.

Với những cải tiến mang tính đột phá, thị trường chứng khoán Việt Nam đang trở nên hấp dẫn hơn và thu hút ngày càng lớn sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài. Theo thống kê, hàng chục nghìn tỷ đồng đã được nhà đầu tư nước ngoài rót vào mua cổ phiếu Việt Nam trong hơn 2 thập kỷ qua. Chỉ riêng trong năm 2022, khối ngoại mua ròng khớp lệnh kỷ lục gần 32.000 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,3 tỷ USD cho thấy sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

photo-1690473077285

 

Sau 23 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam: Phổ cập hơn 7 triệu tài khoản, khẳng định vị thế của kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế - Ảnh 8.

Quãng thời gian hơn hai thập kỷ đã qua của TTCK Việt Nam cũng ghi nhận nhiều biến động mạnh. Sự tăng trưởng nhanh chóng cũng đã khiến phát sinh một số vấn đề cần phải giải quyết như hiện tượng làm giá, thao túng giá cổ phiếu. Mặt khác, ảnh hưởng còn tới từ những diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới, lạm phát hay chính sách lãi suất cũng ít nhiều tác động tới dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài.

Dù vậy, những động thái mạnh mẽ và quyết liệt của các cơ quan Nhà nước trong thời gian qua được kỳ vọng giúp thị trường chứng khoán ngày càng minh bạch, hiệu quả, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Việc siết chặt kỷ cương trên thị trường được ví như một liều vaccine cho thị trường, có thể sẽ có những phản ứng phụ, nhưng sau đó thị trường sẽ có thêm kháng thể để chống chọi với những va đập bên ngoài cũng như thanh lọc nhà đầu tư.

Sau một nhịp tích lũy lấy đà, thị trường được kỳ vọng sẽ trở lại chu kỳ tăng trưởng và khẳng định rõ ràng hơn vai trò huy động vốn cho nền kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu đầu tư. Chính phủ cũng tỏ rõ quan điểm kiên định về khuyến khích phát triển và duy trì thị trường chứng khoán hoạt động ổn định minh bạch và bền vững, trong đó cốt lõi là tiến trình nâng hạng thị trường.

Trong báo cáo Phân loại thị trường mới nhất của FTSE Russell, Việt Nam tiếp tục là thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong d anh sách theo dõi khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). Về cơ bản, Việt Nam đã đáp ứng được phần lớn các tiêu chí đối với xếp hạng thị trường mới nổi sơ cấp sau khi triển khai hàng loạt thay đổi quan trọng. Luật Chứng khoán 2019 và các văn bản hướng dẫn, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020 đã từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường. Quá trình tái cấu trúc mô hình tổ chức TTCK Việt Nam cũng dần được hoàn thiện với sự ra đời của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX) và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC). Bên cạnh đó, việc rút ngắn thời gian thanh toán, bù trừ chứng khoán đánh dấu một bước đột phá trong lộ trình nâng hạng.

Đặc biệt, việc vận hành hệ thống KRX trong thời gian tới sẽ giúp thị trường trở nên ổn định hơn và là điều kiện để ra mắt các sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường chứng khoán như giao dịch T+0, bán khống, hợp đồng quyền chọn… Ngoài ra, hệ thống KRX vận hành sẽ tạo tiền đề giải quyết các nút thắt trong việc nâng hạng như thanh toán bù trừ trung tâm, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nâng hạng thị trường mới nổi chỉ còn là vấn đề thời gian và có thể hoàn tất trong giai đoạn 2024 – 2025. Đây sẽ là tiền đề đưa chứng khoán Việt Nam lên tầm cao mới.

Thái Hoà - Thiết kế: Hải An

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên