MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 3 lần định vào Việt Nam nhưng bất thành, AirAsia quyết định đổi cách tiếp cận bằng thương vụ với Gojek

Sau 3 lần định vào Việt Nam nhưng bất thành, AirAsia quyết định đổi cách tiếp cận bằng thương vụ với Gojek

Sau nhiều lần nỗ lực để thành lập hãng bay tại Việt Nam nhưng thất bại (lần gần nhất là hồi tháng 4/2019 khi huỷ bỏ liên doanh với Thiên Minh Group), AirAsia mới đây lại có động thái mới liên quan đến việc kinh doanh tại Việt Nam.

Nikkei Asia vừa đưa tin, AirAsia sẽ mua lại hoạt động kinh doanh của Gojek tại Thái Lan. Xác nhận thông tin trên Nikkei Asia, Gojek và AirAsia đã công bố một thỏa thuận vào hôm nay. Tập đoàn công nghệ của Indonesia sẽ nắm giữ một lượng cổ phần không xác định trong mảng dịch vụ số của AirAsia. Các công ty cho biết AirAsia Digital có giá trị thị trường khoảng 1 tỷ USD. 

Thỏa thuận cho thấy AirAsia đang cố gắng gia nhập hàng ngũ các siêu ứng dụng của Đông Nam Á cùng với Gojek và Grab, với hoạt động kinh doanh bao gồm dịch vụ gọi xe, giao hàng và thanh toán trực tuyến.

Tony Fernandes, Giám đốc điều hành của AirAsia cho biết: "Bằng cách tiếp nhận hoạt động kinh doanh tại Thái Lan của Gojek, chúng tôi sẽ có thể thúc đẩy tham vọng của mình trong lĩnh vực này để trở thành một siêu ứng dụng hàng đầu ASEAN".

Thỏa thuận này cũng cho thấy cách Gojek đang định hình lại hoạt động kinh doanh trong khu vực, sau khi thông báo vào tháng 5 rằng họ sẽ hợp nhất với Tokopedia - một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Indonesia. Thỏa thuận này sẽ cho phép Gojek tăng cường đầu tư vào Việt Nam và Singapore, các công ty cho biết.

"AirAsia Digital ... sẽ trở thành đối tác được đánh giá cao đối với chúng tôi, vì chúng tôi có cùng mục tiêu cung cấp cho người dùng những dịch vụ tốt hơn, đồng thời nâng cao sinh kế của tài xế và tiểu thương", Giám đốc điều hành Gojek Kevin Aluwi cho biết. "Đồng thời, thỏa thuận sẽ cho phép chúng tôi tập trung vào các thị trường quốc tế, hướng tới Việt Nam và Singapore - những thị trường mang lại cho chúng tôi lợi tức đầu tư tốt nhất và các cơ hội tăng trưởng chiến lược".

AirAsia Digital, bao gồm các hoạt động kinh doanh phi hàng không của công ty, đã kinh doanh mảng giao đồ ăn và thực phẩm tươi sống, dịch vụ chuyển phát nhanh, nền tảng thương mại điện tử và cổng thanh toán. Nhưng công ty này vẫn thiếu dịch vụ gọi xe so với các đối thủ lớn khác trên thị trường.

Vào tháng 5, GoTo cho biết họ vẫn "cam kết ở tất cả các thị trường bên ngoài Indonesia". Nhưng GoTo lại thua xa các đối thủ của mình trong việc mở rộng ra quốc tế. Tokopedia chỉ hoạt động ở Indonesia, trong khi Gojek có hoạt động ở ba quốc gia bên ngoài thị trường nội địa - Việt Nam, Thái Lan và Singapore. Trong khi Grab hoạt động tại 8 quốc gia Đông Nam Á. 

Thị trường siêu ứng dụng Thái Lan được coi là đặc biệt cạnh tranh. Central Group đã đầu tư 200 triệu USD vào công ty con tại Thái Lan của Grab vào năm 2019, trong khi tập đoàn lớn nhất Thái Lan, Charoen Pokphand Group, đang nỗ lực để phát triển ứng dụng nội dung TrueID.

Theo nghiên cứu của công ty tư vấn Momentum Works của Singapore, dịch vụ của Gojek có thị phần nhỏ hơn nhiều tại thị trường Thái Lan và Việt Nam so với Grab và Sea vào năm 2020. Gojek sẽ tập trung vào việc tăng cường đầu tư vào Việt Nam và Singapore sau khi thương vụ hoàn tất, thông cáo báo chí của họ cho biết.

Nhã Mi

Nikkei Asia

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên