MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 5 năm, HMD Global vẫn sống nhờ cái bóng trong quá khứ của Nokia

07-12-2021 - 15:21 PM | Thị trường

Sau 5 năm, HMD Global vẫn sống nhờ cái bóng trong quá khứ của Nokia

Đây không phải màn "comeback" mà các fan Nokia mong đợi.

Hồi ức là một thứ mạnh mẽ. Nó có thể gợi lên cảm xúc, cảm giác tin cậy và sự đồng cảm.

Rất ít thương hiệu vượt qua được chủ nghĩa tiêu dùng lạnh lùng nhưng nếu phải kể tên một công ty làm được điều này thì đó phải là Nokia. Bộ phận mobile của gã khổng lồ Phần Lan là thương hiệu di động chiếm được cảm tình lớn bậc nhất thế giới trước khi được bán cho Microsoft vào năm 2013. Microsoft "không mất nhiều thời gian" để làm "bốc hơi" thương hiệu này vào đầu năm 2016.

Những tưởng cái tên Nokia sẽ chỉ còn trong hồi ức của người tiêu dùng thì đến cuối năm 2016, HMD Global – công ty của các cựu nhân viên Nokia đã khiến cho các tín đồ di động phấn khích trở lại khi công bố kế hoạch sở hữu thương hiệu Nokia và trở thành một hãng di động toàn cầu. Công ty đưa ra những tuyên bố táo bạo về việc tạo ra chương tiếp theo của Nokia với "những chiếc điện thoại Nokia đáng tin cậy, được chế tạo đẹp mắt và vui nhộn".

Sau 5 năm, HMD Global vẫn sống nhờ cái bóng trong quá khứ của Nokia - Ảnh 1.
Sau 5 năm, HMD Global vẫn sống nhờ cái bóng trong quá khứ của Nokia - Ảnh 2.

Nokia 3310 và Nokia 8110 4G là những mẫu di động phổ thông hoài cổ, mang đến sự thích thú cho người tiêu dùng.

Vào một buổi sáng mưa lạnh tại triển lãm MWC 2017 ở Barcelona, HMD Global đã giới thiệu 4 chiếc điện thoại đầu tiên của thương hiệu mới mang tên Nokia 3310, Nokia 3,5 và 6. Họ hy vọng sẽ đánh chiếm phân khúc điện thoại phổ thông cũng như phân khúc tầm trung. Những chiếc điện thoại này mang đến cảm giác tối giản của thương hiệu Phần Lan, kết hợp với hệ điều hành Android gốc và các bản cập nhật phần mềm nhanh nhất đến tay người dùng.

Nên nhớ vào thời điểm năm 2017, ngành công nghiệp điện thoại thông minh vẫn đang vật lộn với các phần mềm cồng kềnh, khả năng cập nhật yếu kém. Lời hứa của HMD Global về khả năng cập nhật nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người hâm mộ cũng như các chuyên gia trong ngành.

Nhưng 5 năm trôi qua, Nokia trở thành một nỗi thất vọng lớn. HMD Global là một ví dụ khác về việc hứa hẹn quá nhiều trong khi thực hiện quá ít. Các sản phẩm không nổi bật về phần cứng, hỗ trợ phần mềm ngày càng tệ khiến cho sản phẩm của họ thiếu tính cạnh tranh. Đây là viễn cảnh tồi tệ cho những gì lẽ ra là sự trở lại của vinh quang.

Hứa và thất hứa

Một yếu tố giúp HMD Global tạo ra sự phấn khích là họ tham gia chương trình Android One. Về cơ bản, chương trình này đảm bảo một hệ điều hành sạch sẽ, không dính phần mềm rác và được cập nhật nhanh chóng. Công bằng mà nói, HMD đã cố gắng tung ra các bản vá bảo mật hàng tháng cũng như nâng cấp phần mềm cho sản phẩm.

HMD xếp hàng đầu tiên trên trình theo dõi cập nhật Android 9 Pie. Tuy nhiên, đến bản cập nhật Android 10, họ tụt xuống vị trí thứ 4. Vào thời điểm Android 11 ra mắt, họ tụt xuống vị trí thứ 10. Hiện tại, họ chưa đưa ra lịch trình cập nhật chính thức cho Android 12.

Vấn đề xảy ra với HMD và các bản cập nhật khi số lượng các mẫu máy bắt đầu tăng lên. Điều này cho thấy sự thiếu hụt trong nguồn lực phát triển. Không chỉ chậm trễ khi cập nhật, các bản cập nhật mà họ phát hành lại thường xuyên gặp lỗi. Chẳng hạn với mẫu Nokia 8.3, bản cập nhật được cho đã làm tê liệt ứng dụng camera, thậm chí mất kết nối mạng với một số người dùng. Trong khi đó, người dùng Nokia 5.3 liên tục phàn nàn về khả năng cuộn trang và phản hồi bàn phím kém sau bản cập nhật Android 11.

Mọi chuyện trở nên tệ hơn nữa khi với chiếc Nokia 9 PureView, công ty yêu cầu người dùng mua một chiếc smartphone mới, thay vì nâng cấp phần mềm cho họ.

Điện thoại cao cấp ở đâu?

Điện thoại tầm trung chính là "nồi cơm" của mọi hãng di động (trừ Apple) nhưng di động cao cấp đóng vai trò quan trọng trong việc định hình vị thế của thương hiệu. Một chiếc smartphone sáng tạo là chiêu marketing không thể tuyệt vời hơn cho một thương hiệu mới muốn thu hút sự chú ý. Đáng tiếc, HMD mất vài năm để cho ra mắt một chiếc di động được xem là cao cấp nhưng vẫn "ăn bám" vào quá khứ với mẫu Nokia 8 Sirocco.

Vào năm 2006, Nokia 8800 Sirocco có lẽ là chiếc di động cao cấp sáng giá nhất. Chiếc Nokia 8 Sirocco còn lâu mới đạt được tiêu chuẩn đó. Smartphone này có chất lượng phần cứng tốt nhưng một chiếc smartphone được xem là "cao cấp" cần rất nhiều yếu tố . Nokia 8 Sirocco chưa thể đạt đến tiêu chuẩn của các mẫu di động như Galaxy S9 Plus hay LG V30.

Sau 5 năm, HMD Global vẫn sống nhờ cái bóng trong quá khứ của Nokia - Ảnh 3.

Nhưng các mẫu di động cao cấp như Nokia 9 PureView thì lại không được quan tâm nhiều như vậy.

Khả năng chụp ảnh mờ nhạt, hiệu chỉnh màn hình kém, không có loa stereo hay giắc cắm tai nghe cùng với mức giá "trên trời" khiến chiếc điện thoại này không thể thu hút người tiêu dùng.

Nỗ lực thứ 2 của HMD để phát triển một chiếc di động cao cấp lại càng là một thất bại lớn hơn. Nokia 9 PureView được thiết kế để thúc đẩy nhiếp ảnh di động. Công ty sử dụng công nghệ của Lytro với 5 máy ảnh khác nhau để tạo ra thứ gọi là khả năng điều chỉnh tiêu cự sau khi chụp. Tuy nhiên, nó không hoàn thành tốt một nhiệm vụ quan trọng – chụp ảnh tĩnh.

Nokia 9 PureView gần như không thể cạnh tranh với Galaxy S10 hay Huawei P30 nếu so về camera. Hệ thống camera của máy cũng thiếu đi ống kính siêu rộng hay ống tele, chưa kể nó sử dụng chipset cũ và khả năng tối ưu phần mềm tệ hại.

2 năm kể từ ngày ra mắt Nokia 9 PureView, HMD Global vẫn chưa tung ra một mẫu di động cao cấp nào khác. Thay vào đó, công ty dường như tăng gấp đôi tốc độ "hồi sinh" các mẫu điện thoại cổ điển. Màn ra mắt Nokia 3310 mang đến sự hoài niệm. Tuy nhiên, nếu nó là cái tên duy nhất được người ta nhớ đến trong danh mục của hãng 5 năm qua thì đó là vấn đề lớn. Nokia đã xuất xưởng 11 triệu điện thoại phổ thông trong quý I/2021 nhưng việc xây dựng một doanh nghiệp xung quanh một danh mục đang chết dần là điều nguy hiểm.

Tham khảo: Android Authority

Đức Nam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên