Sau 'bão' COVID-19 ở TPHCM, nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt
Sau đại dịch COVID-19, hàng loạt nhân viên y tế tại các bệnh viện công lập ở TPHCM tiếp tục xin nghỉ việc. Sở Y tế TPHCM nhận định, ngoài những yếu tố cá nhân, áp lực công việc và thu nhập không được như kỳ vọng là nguyên nhân chính khiến nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc.
- 20-01-2022Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính hỗ trợ 10,2 tỷ để trả lương cho nhân viên BV Tuệ Tĩnh
- 08-12-2021Giám đốc Sở Y tế TPHCM giải bày về 1.000 nhân viên y tế xin nghỉ việc
- 18-11-2021Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị tố nợ lương 160 bác sĩ, nhân viên y tế 6 tháng: Bộ Y tế lên tiếng
Áp lực lớn, thu nhập thấp
Sau hơn 4 năm công tác tại một trạm y tế xã ở huyện Bình Chánh, đầu năm 2022, điều dưỡng N.T.T xin nghỉ việc . Hiện chị đang làm cho một cơ sở thẩm mỹ.
“Giờ nghĩ lại những chuỗi ngày căng mình chống dịch quần quật suốt ngày đêm, tôi vẫn còn sợ. Nhân viên y tế quá ít, khi dịch bùng phát không đủ đáp ứng tôi cùng các đồng nghiệp gần như kiệt sức. Gia đình tôi không khó khăn, tôi nghỉ việc là vì áp lực công việc, không phải vì thu nhập”, chị nói.
Quá tải trong cuộc chiến chống dịch khiến nhiều nhân viên y tế nghỉ việc. Ảnh: Phạm Nguyễn
BS Nguyễn Văn M., từng công tác tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức, chia sẻ: “Trong lúc dịch bùng phát, áp lực công việc rất khủng khiếp, nhiều người đã nghỉ việc nhưng tôi vẫn cố gắng động viên bản thân mình phải cống hiến và vượt qua vì sự bình an của cộng đồng và bởi trách nhiệm của người thầy thuốc. Đến nay, khi dịch đã được kiểm soát, tôi quyết định xin nghỉ việc để cho bản thân được nghỉ ngơi. Tôi dự định sẽ chuyển sang lĩnh vực khác vì thấy công việc của ngành y quá nhiều rủi ro nhưng thu nhập không tương xứng”.
Chiến lược nâng cao hệ thống y tế tại TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo sẽ tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng y tế thông minh.
Thời gian qua, Bệnh viện thành phố Thủ Đức xảy ra những sự cố liên quan công tác quản lý và điều hành khiến lãnh đạo bệnh viện vướng vòng lao lý.
Không chỉ tâm lý của cán bộ, công nhân viên bị ảnh hưởng mà thu nhập cũng giảm sâu, có bác sĩ tổng thu nhập chỉ hơn 8 triệu đồng, nhiều người đã quyết định nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác.
Hiện chưa có số liệu thống kê chính thức về số nhân viên y tế đã nghỉ việc nhưng một lãnh đạo bệnh viện cho biết “thời gian qua có khá nhiều người xin thôi việc”. Hai khoa phòng có số lượng nhân viên y tế nghỉ đông nhất là khoa Cấp cứu và khoa Huyết học.
Bác sĩ V.K.H, từng giữ vị trí trưởng khoa tại một bệnh viện lớn, tâm sự: “Tôi muốn gắn bó với hệ thống bệnh viện công phục vụ người bệnh được tốt hơn. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách có nhiều bó buộc, đặc biệt hiện nay sau khi lãnh đạo nhiều bệnh viện bị bắt, thì hầu hết các bệnh viện đều không dám mua sắm trang thiết bị, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu phát triển tay nghề của bác sĩ. Tôi đã quyết định chuyển sang bệnh viện tư nhân để có cơ hội phát triển chuyên môn tốt hơn”.
Giải pháp giữ chân
Theo thống kê của Sở Y tế TPHCM, trong 11 tháng đầu năm 2021, có 968 nhân viên y tế nghỉ việc, phần lớn là điều dưỡng và bác sĩ ở trạm y tế phường, xã. Ba tháng đầu năm 2022, có 400 nhân viên y tế xin nghỉ việc.
Dự báo, số người xin nghỉ việc trong ngành y vẫn chưa dừng lại. Bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó chánh văn phòng Sở Y tế, cho biết: “Hằng năm, các cơ sở y tế công lập đều có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, với rất nhiều lý do khác nhau. Có người nghỉ do nhà xa, môi trường làm việc không phù hợp, trong đó có nguyên nhân thu nhập chưa như mong đợi”.
Chiều 7/4, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TPHCM khoá X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thông qua nhiều quyết sách quan trọng, trong đó đáng chú ý là chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đến năm 2025.
Theo đó, bác sĩ đang trong thời gian tham gia chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế sẽ được hỗ trợ 60 triệu đồng trong 18 tháng. Các điều dưỡng, hộ sinh đang trong thời gian tham gia thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế được hỗ trợ 30 triệu đồng trong 9 tháng.
Ngoài ra, người lao động cao tuổi có chuyên môn bác sĩ sẽ được ký hợp đồng với mức lương 9 triệu đồng/người/tháng. Người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế khác, có trình độ từ cao đẳng trở lên hoặc trung cấp y sĩ được ký hợp đồng với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại trạm y tế nhưng không thuộc đối tượng chi trả lương từ nguồn quỹ tiền lương của đơn vị được hỗ trợ 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Chính sách đặc thù nói trên sẽ được thực hiện đến ngày 31/12/2025. Theo tính toán của UBND TPHCM, kinh phí hỗ trợ hàng năm cho những đối tượng trên khoảng 138,5 tỷ đồng được trích từ ngân sách.
Tiền phong