Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng: Trên 900 hộ dân nuôi bò vẫn lao đao vì chưa bán được sữa
Đúng 100 ngày kể từ khi Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng về làm việc với UBND huyện Củ Chi, trong đó có đề cập đến những khó khăn của người dân khi nuôi bò, bán sữa, chúng tôi đã trở lại Củ Chi để ghi nhận tình hình.
- 05-03-2016Quảng Ninh cấp phép dự án nuôi bò nghìn tỷ đồng ở vùng biên
- 20-02-2016Nỗi lo của nông dân nuôi bò
- 26-11-2015Doanh nghiệp nuôi bò: Chưa ngại TPP
Dù chỉ đạo của Bí thư Thăng là quyết liệt, nhưng đời sống của hàng trăm hộ dân nuôi bò, bán sữa vẫn còn gặp nhiều khó khăn và nếu không có biện pháp mạnh, đồng bộ, thì những chỉ đạo đó cũng vẫn chỉ dừng lại ở mức… chỉ đạo.
Bán bò vì giá sữa thấp
Tân Thạnh Đông là xã có số hộ dân nuôi bò và đàn bò lớn nhất huyện Củ Chi và có thể nói là lớn nhất cả nước. Thống kê đến cuối tháng 3.2016, toàn xã có 1.483 hộ dân đang nuôi 22.395 con bò. Trong đó 19.766 bò cái, và trong số này có 9.467 bò đang cho sữa, 6.676 bò cái hậu bị, còn lại là bê. Tổng lượng sữa hằng ngày đàn bò của Tân Thạnh Đông cung cấp là gần 118 tấn.
Gần trưa, trong không khí oi nồng, chúng tôi đến thăm gia đình chị Trần Thị Thu Trang ở ấp 3B, xã Tân Thạnh Đông, một hộ đang nuôi 33 bò sữa và cũng là một đại lý thu mua sữa cho Cty Friesland Campina (thương hiệu sữa Cô gái Hà Lan).
Chị Trang và một người em đang cho bò ăn và làm vệ sinh chuồng trại. Ngay sát nhà chị Trang và gia đình cha mẹ chị và các anh em cũng là những hộ chăn nuôi bò sữa với tổng đàn lên đến trên 200 con. Chị Trang cho biết, trong số 33 con của gia đình chị, hiện có 11 con đang cho sữa với bình quân khoảng 15kg sữa/con/ngày. Tính ra, với giá bình quân từ 11.000 - 12.000 đồng/kg, trừ chi phí khoảng 600.000 đồng/ cho cả đàn, mỗi ngày gia đình chị cũng có lãi khoảng 1,2 triệu đồng.
Thế nhưng, không phải gia đình nào nuôi bò ở Củ Chi cũng có được niềm vui như nhà chị Trang. Cách nhà chị Trang chưa đầy 200m, gia đình ông Nguyễn Hữu Đức - Trưởng ấp 4A, xã Tân Thạnh Đông - thì vẫn còn rầu rĩ vì phải bán bò do tiền bán sữa không đủ chi phí, dù ông đã có thâm niên 14 năm nuôi bò.
Đưa chúng tôi đi thăm khu chuồng trại giờ đã trở thành nơi chứa những vật dụng như nhà kho, giọng buồn buồn, ông Đức kể: Mấy năm trước, giá sữa khá ổn định, từ 12.000 đồng đến cao nhất là 14.000 đồng/kg, nên trừ chi phí, bà con cũng có lời vài ngàn đồng/kg. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao, từ giữa năm ngoái, giá sữa liên tục bị giảm, có khi chỉ còn 8.000 đồng/kg.
“Nhà tôi có 8 con bò, trong đó có 3 con cho sữa, tiền bán sữa không đủ chi phí. Đứa con tôi đi làm điện lực, bình thường tháng dư mấy triệu. Nhưng khi giá sữa thấp, cứ phải lấy tiền dư đó đắp vào chi phí nuôi bò, 6-7 tháng, chịu không thấu, oải quá, cuối năm ngoái tôi đã bán hết bò, cả 8 con bán được có 130 triệu đồng” - ông Đức chia sẻ.
Mà theo ông Đức, không phải chỉ riêng gia đình ông, trong ấp cũng có nhiều nhà như thế. Để chứng minh cho nhận xét của mình, ông Đức đưa chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Thật, người đã có trên 20 năm nuôi bò sữa, trước đây, vào lúc cao điểm, nhà ông có đến trên 40 con bò, giờ chỉ giữ lại 20 con, còn bán bớt, cũng chỉ vì giá sữa xuống thấp.
“Người dân chỉ biết sáng đưa sữa đến các đại lý, họ lấy mẫu, xong trút tất cả vào bồn, cả tuần sau mới đưa trả kết quả phân tích mẫu, dựa trên chỉ số nhiễm vi sinh, chất béo, chất khô… rồi đưa ra giá. Sữa tốt thì được 13.000 - 14.000 đồng; sữa xấu, nhất là chỉ số nhiễm vi sinh cao, thì chỉ được 8.000 đồng/kg. Mấy năm trước họ xét còn thoáng, nên giá sữa còn cao. Gần đây, chắc tại giá sữa nước ngoài nhập rẻ, họ xét gắt gao, đánh giá xuống, dân chịu không nổi, phải bán bò. Mà trước đây, một con bò mua khoảng 45 triệu đồng, giờ bán chỉ được 20 triệu đồng, người dân thiệt đơn, thiệt kép, nhưng bán bớt còn đỡ khổ” - ông Thật tâm sự.
Người dân chăn nuôi bò đang cần hỗ trợ từ các cơ quan chức năng để bán được sữa. Ảnh: NAM DƯƠNG
Phải giám sát quá trình phân tích sữa
Trao đổi với chung tôi, ông Nguyễn Văn Cảm - Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi - cho biết, hiện toàn huyện có 6.559 hộ dân nuôi bò với tổng đàn 66.704 con, trong đó số bò đang cho sữa là 32.053 con (40,08%) với sản lượng 403 tấn/ngày. Hiện có 3 Cty (Vinamilk, Friesland Campina, Vixumilk) và Hợp tác xã Tân Thông Hội thu mua sữa của dân. Số lượng sữa bán cho 4 đơn vị nói trên hằng ngày là 335 tấn (còn lại bán lẻ ra thị trường), trong đó Vinamilk thu mua khoảng 168 tấn/ngày cho 2.193 hộ dân.
Do Vinamilk là đơn vị thu mua sữa lớn nhất, nên sau buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với UBND huyện (ngày 18.2 - PV), huyện Củ Chi đã phối hợp với Vinamlik tiến hành khảo sát và kết quả cho thấy có 908 hộ dân đang nuôi 9.154 con bò (trong đó có 3.700 con đang cho 48,45 tấn sữa) chưa ký được hợp đồng với 4 doanh nghiệp nói trên. Kết quả khảo sát theo những tiêu chí kỹ thuật do Vinamlik đưa ra đã được chuyển cho Cty này từ 7.4 và đang chờ rà soát, phân tích, trả lời.
Cũng theo ông Cảm, huyện cũng đưa ra một số biện pháp và khuyến cáo với bà con nông dân để nâng cao hiệu quả chăn nuôi như: Chọn lọc con giống có năng suất cao, sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh TMR, cơ cấu lại đàn bò…
“Điều chúng tôi băn khoăn nhất là đã đến lúc, huyện Củ Chi cần tính đến mô hình tổ chức giám sát việc phân tích, kiểm tra chất lượng sữa của các đơn vị thu mua. Bởi lẽ, như người dân phản ánh, giá sữa dựa trên kết quả phân tích của các đơn vị thu mua. Mà việc lấy mẫu, đưa mẫu đi phân tích lại do đơn vị thu mua đảm nhận toàn bộ, người dân không được tham gia vào quá trình này. Ở đây, chúng tôi không đặt vấn đề có sự gian lận khi phân tích mẫu sữa, nhưng nếu có sự giám sát thì sẽ hạn chế được hệ quả của tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Ngoài ra, với số lượng sữa khoảng 403 tấn/ngày, nếu chỉ tính giá bình quân 10.000 đồng/kg, thì một năm huyện Củ Chi đã thu về 1.471 tỉ đồng. Nhưng con số này chiếm bao nhiêu phần trăm GDP của huyện thì lại chưa được tính đến. Việc tính tỉ lệ này sẽ góp phần định hướng xem sẽ phát triển đàn bò như thế nào trong cơ cấu kinh tế của huyện.
Ngày 1.6, đại diện Cty Vinamilk cho biết, vừa qua, huyện Củ Chi đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Vinamilk để tìm các giải pháp giải quyết các khó khăn cho các hộ chăn nuôi bò sữa chưa ký được hợp đồng bán sữa với các công ty. Hai bên thống nhất là Phòng Kinh tế huyện Củ Chi tiến hành điều tra thống kê các hộ có khó khăn tiêu thụ sữa theo các tiêu chí thu mua của Vinamilk (chất lượng, chuồng trại, môi trường, sức khỏe đàn bò..). Các hộ đạt yêu cầu, Vinamilk sẽ tiến hành đào tạo, tập huấn các yêu cầu về kỹ thuật nuôi dưỡng chăm sóc để tiến hành ký hợp đồng thu mua sữa. Đối với các hộ chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp với công ty Vinamilk tổ chức tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật để hộ đạt yêu cầu. Hiện tại, Vinamilk đã ký hợp đồng mua mới cho 32 hộ hoàn tất thủ tục, điều kiện bán sữa và 188 hộ đang được khảo sát, hoàn thiện để tiến hành ký hợp đồng trong tháng 6.2016.
Vinamilk cũng khuyến cáo, các hộ chăn nuôi bò sữa cũng phải quyết liệt việc sàng lọc, lựa chọn đàn bò, loại thải ngay những con bò năng suất thấp, tăng quy mô chăn nuôi, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, tổ chức thành các tổ, nhóm chăn nuôi bò sữa hoặc HTX để hướng tới phát triển bền vững, sẵn sàng ứng phó với khả năng giảm giá mua bán sữa để cạnh tranh với sữa các nước khác khi hội nhập trong tương lai gần.
Lao động