MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau cú ‘bổ nhào’ lịch sử, Bluechips của 10 năm cũ bây giờ ra sao?

Sau 10 năm, những cái tên cũ của 10 năm trước như VNM, REE, KDC vẫn cho thấy sức sống và mãnh liệt thì một số Blue chip khác cùng thời đã gần như mất hút.

‘Tơi tả’ sau đợt bán tháo lịch sử

Khởi đầu từ tháng 10/2007, hàng loạt cổ phiếu trên sàn bắt đầu đi vào một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử. Hầu hết cổ phiếu trên thị trường bất chấp lớn nhỏ, tốt xấu đều cùng nhau lao dốc không phanh.

Trong vòng 1 năm rưỡi, nhiều cổ phiếu Blue chips như VNM, REE, CII, KDC, PVD, ACB, STB… đã ‘bốc hơi’ từ 50-90% giá trị trước khi có đợt phục hồi trở lại từ khoảng tháng 3/2009 sau những can thiệp của chính phủ thông qua 3 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, để các NH bơm tiền ra cứu thị trường. Dù vậy, sự phục hồi trong năm 2009 đã không thể kéo dài theo đúng bản chất của nền kinh tế. Đặc biệt khi lạm phát tăng mạnh năm 2007 – 2008, bằng lãi suất cho vay tăng vọt trong những năm sau đó khiến nhiều DN lâm vào thế cực kỳ khó khăn. Cho đến nay, một số cổ phiếu Blue chip của 10 năm về trước như SAM, SJS, thậm chí như ITA hay STB đã mất đi vị thế cổ phiếu lớn năm xưa.

Thống kê trong số 15 cổ phiếu Blue chips, cho đến nay cũng chỉ có 1/3 cổ phiếu đã phục hồi và tăng vượt đỉnh cũ gồm VNM, KDC, REE, CII và BMP. Trong đó, cổ phiếu VNM đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhất sau đợt giảm, so với mức đỉnh cũ năm 2007, VNM đã tăng hơn 7 lần. Trong khi đó, 2/3 cổ phiếu Blue chip cho đến nay vẫn còn cách xa vùng đỉnh cũ cách đây 10 năm như SAM, STB, ITA, SJS, PVD, GMD, ACB,…

Mạnh mẽ hơn qua bão tố

Sau cuộc khủng hoảng, bên cạnh một số DN bị vẫn đang loay hoay trong vùng giảm giá là những DN trở nên mạnh mẽ hơn qua thời gian. Dẫn đầu trong nhóm này, không ai khác là Vinamilk - ông trùm vốn hóa thị của trường chứng khoán Việt Nam. VNM là cổ phiếu hiếm hoi khi phục hồi nhanh chóng và mức giá hiện nay đã cao hơn gấp 7 lần so với đỉnh cũ của 10 năm trước.

Tính theo mức giá đã điều chỉnh, cổ phiếu VNM vẫn đang dẫn đầu về lợi nhuận cho nhà đầu tư trong rổ chứng khoán lớn nhất với tốc độ tăng trưởng kép bình quân hàng năm đạt mức 34,4%. VNM cũng chính là cổ phiếu chủ chốt trong danh mục của các quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam hiện nay.

Để có được vị thế trên, hoạt động kinh doanh của VNM đã liên tục tăng trưởng đều đặn trong 10 năm qua với mức tăng trưởng bình quân (CARG) doanh số và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ lần lượt là 21,6% và 29% mỗi năm.


VNM, KDC, REE, BMP, SJS là những Blue chip đã vượt đỉnh cũ cách đây 10 năm

VNM, KDC, REE, BMP, SJS là những Blue chip đã vượt đỉnh cũ cách đây 10 năm

Xếp sau VNM là cổ phiếu BMP của Nhựa Bình Minh với mức phục hồi 175% so với mức đỉnh cũ thiết lập 10 năm trước. Cổ phiếu BMP cũng có tăng giá bình quân 24,5%/năm kể từ ngày lên sàn đến nay. BMP cũng là doanh nghiệp có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân lần lượt ở mức 22,3% và 22,1%/năm. Dù vậy, cổ phiếu này cũng vừa có đợt sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử khi mất hơn 30% giá trị kể từ quý II/2017. Nguyên nhân đến từ việc hiệu quả hoạt động kinh doanh đang sụt giảm do nguyên liệu đầu vào tăng và cạnh tranh khốc liệt hơn.

Trong khi đó, REE đang trở thành một đại diện ưu tú trong nhóm Blue chip kể từ đầu năm nay với mức tăng khoảng 50%. ‘Nước lên thuyền lên’ có thể rất đúng với REE. Bởi DN này đang hưởng lợi rất lớn từ những DN thủy điện. Quyết định rót vốn đầu tư vào những DN ngành điện trong những năm giá cổ phiếu của các DN ngành này sụt giảm mạnh giờ đây đang giúp REE thu về những món lợi lớn.

REE hiện đang có mức tăng trưởng giá cổ phiếu bình quân 20,6%/năm kể từ ngày lên sàn các đây 17 năm. Để có sự phục hồi vượt bậc, REE đã tạo ra tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận bình quân trong 10 năm qua là 16% và 17,3%.

Trong năm nay, nhiều dự báo doanh thu và lợi nhuận của REE sẽ tăng ít nhất 30% nhờ sản lượng thủy điện tăng. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm, REE đã đạt mức doanh số 2.244 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ cũng tăng 175% lên mức 668 tỷ đồng. Đây cũng là con số lãi lớn nhất sau 6 tháng kể từ ngày thành lập đến nay.

Một đại diện khác trong nhóm Blue chip hiện nay là cổ phiếu KDC của Tập đoàn KIDO cũng đã tăng 32% so với đỉnh cũ 10 năm trước. So với mức giá chào sản, KDC cũng tạo ra mức sinh lời bình quân 20,2%/năm cho cổ đông.

Từ một doanh nghiệp chuyên kinh doanh bánh kẹo, KDC sau “chốt lời” mảng kinh doanh này với giá bán hơn 10.000 tỷ đồng cho tập đoàn của Pháp đã tập trung vào 2 mảng kinh doanh chính hiện nay là dầu ăn thông qua Dầu Tường An (TAC), Vocarimex (VOC) và thực phẩm đông lạnh thông qua công ty con là KIDO Foods (KDF).

Với triết lý “Một doanh nghiệp có lợi nhuận cao không phải là doanh nghiệp tốt nhất mà là doanh nghiệp có tuổi thọ cao nhất”, KIDO đang cho thấy hoạt động kinh doanh khá vững chắc với xuơng sống là mảng dầu ăn. Trong khi đó, mảng thực phẩm đông lạnh được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng nhiều hơn trong những năm tới sau khi KIDO đưa KIDO Foods (KDF) – Công ty dẫn đầu ngành kem lạnh lên sàn chứng khoán trong năm nay.

Một cổ phiếu Blue chip khác cũng đã vượt đỉnh cũ là CI với mức tăng hơn 60% so với đỉnh cũ thiết lập năm 2007. Dù vậy, mức sinh lời bình quân của CII kể từ khi lên sàn đến nay chỉ ở mức 10%. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, CII đang giảm mạnh đi kèm với những thông tin liên quan đến giao dịch bán ra của cổ đông nội bộ. Bên cạnh đó, CII cũng cho thấy những rủi ro của một trong những doanh nghiệp thâm dụng vốn hàng đầu thị trường hiện nay khi nợ vay của CII đang tăng từng ngày. Con số tính đến 30/6/2017 là gần 9.000 tỷ đồng và sẽ tăng lên gần chạm 10.000 tỷ đồng sau đơt phát hành trái phiếu trong quý III năm nay.

Đã tròn 10 năm kể từ ngày thị trường ‘bỗ nhào’ kể từ tháng 10 năm 2007, thị trường chứng khoán giờ đã hứng khởi trở lại. Trải qua nhiều cơn biến động, thị trường Việt Nam đang ngày càng trưởng thành hơn. Quy mô vốn hóa toàn thị trường đã chạm mức 120 tỷ USD, gấp 5 lần so với cùng đỉnh của 10 năm trước với những blue chips mới.

Cho đến nay, những cổ phiếu Blue Chips vẫn luôn là những cổ phiếu ‘cầm trịch trận đấu' trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, những cái tên cũ của 10 năm trước như VNM, REE, KDC đã cho thấy khả năng tồn tại khi đối diện với cuộc khủng hoảng tồi tệ bắt đầu từ 10 năm trước. Tất nhiên, đó không chỉ là giá cổ phiếu, mà phải đi kèm với một nền tảng kinh doanh và tài chính vững chắc.

Hoàng Trung

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên