MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau cuộc điện thoại, ông Putin ra lệnh rút quân: Hàng nghìn lính Nga rời khỏi Karabakh, chuyện gì diễn ra?

18-04-2024 - 23:23 PM | Tài chính quốc tế

Sau cuộc điện thoại, ông Putin ra lệnh rút quân: Hàng nghìn lính Nga rời khỏi Karabakh, chuyện gì diễn ra?

"Đúng, chính xác là như vậy" - Người phát ngôn Điện Kremlin xác nhận Nga chính thức rút lực lượng ra khỏi Karabakh "trước thời hạn". Tin tức bất ngờ này làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Nga chính thức rút lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Karabakh

Hãng thông tấn AP ngày 18/4 đưa tin, các lực lượng quân sự Nga đang bắt đầu rút khỏi khu vực Karabakh của Azerbaijan - nơi họ đóng quân với tư cách "lực lượng gìn giữ hòa bình" kể từ khi chiến tranh khu vực kết thúc năm 2020. Thông tin này đã được chính phủ Nga và Azerbaijan xác nhận.

"Đúng, chính xác là như vậy" - Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên trong ngày 17/4, khi nhận được yêu cầu bình luận về thông tin của truyền thông Azerbaijan, trong đó đề cập tới việc Nga bắt đầu rút lực lượng gìn giữ hòa bình tại Karabakh.

Trong khi đó, hãng thông tấn AzerTaj (Azerbaijan) dẫn lời Trợ lý Tổng thống Cộng hòa Azerbaijan Hikmet Hajiyev cho biết: "Quá trình rút quân đã bắt đầu, Bộ Quốc phòng Azerbaijan và Nga đang tiến hành các biện pháp cần thiết để triển khai quyết định được đưa ra".

Hình ảnh lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Karabakh. Nguồn: Zvezdanews

Trước đó, vào tối muộn ngày 16/4, tờ Vesti.az (chi nhánh của Vesti tại Azerbaijan) đã đưa tin về việc Nga rút lực lượng ra khỏi Karabakh. Nhóm binh sĩ đầu tiên cùng các trang thiết bị quân sự đi kèm được cho là đã rời khỏi địa bàn ngôi đền Khudavang ở quận Kalbajar (cách thủ đô Baku, Azerbaijan khoảng 458km) từ vài ngày trước.

Hãng thông tấn APA của Azerbaijan cho biết, thay thế cho lực lượng Nga tại địa điểm này là các sĩ quan cảnh sát Azerbaijan.

Tờ Vedomosti (Nga) dẫn một nguồn tin cho hay, quyết định rút lực lượng gìn giữ hòa bình đã được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thảo luận thông qua một trong các cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Cuộc gọi gần đây nhất được cơ quan báo chí Nga-Azerbaijan ghi nhận vào ngày 24/3.

Hình ảnh lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Karabakh. Nguồn: Sputnik

Karabakh từng nằm dưới sự kiểm soát của người dân tộc Armenia với tư cách là Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ, tuy nhiên, Azerbaijan đã giành lại quyền kiểm soát một số khu vực của vùng này sau cuộc chiến tranh năm 2020.

Cuộc chiến khi đó đã kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn do Nga làm trung gian. Cũng theo thỏa thuận, Moscow sẽ triển khai gần 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình ở Karabakh, tại các khu vực mà người Armenia vẫn nắm quyền kiểm soát. 

Nhiệm vụ của lực lượng này là đảm bảo việc tự do đi lại trên con đường duy nhất nối Karabakh với Armenia, hay còn gọi là hành lang Lachin.

Tuy nhiên, vào ngày 19/9/2023, Azerbaijan đã phát động một cuộc tấn công chớp nhoáng mà họ gọi là "hoạt động chống khủng bố" nhằm vào Karabakh, buộc chính quyền ly khai gốc Armenia tại đây đầu hàng chỉ sau 1 ngày, đồng thời buộc phải tuyên bố chấp nhận đề xuất của Baku về việc đàm phán sáp nhập khu vực ly khai vào lãnh thổ Azerbaijan.

Đáng nói, cuộc tấn công đã khiến gần như toàn bộ 50.000 người dân tộc Armenia sinh sống ở Karabakh phải di tản. Chính phủ Armenia cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã rút lui khỏi vị trí ngay trước khi Azerbaijan phát động tấn công, từ đó làm trầm trọng thêm vết rạn nứt vốn đã hình thành trong mối quan hệ giữa hai phía.

Theo hãng tin Reuters, quyết định rút quân của Nga được đưa ra trong bối cảnh Moscow đang phải đối mặt với áp lực lớn trong khu vực. Armenia đã thể hiện quan điểm chống Nga "ra mặt" khi tuyên bố đình chỉ hiệp ước tập thể với Moscow, thúc đẩy hội nhập chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnot ở thủ đô Yerevan.

Chuyện gì đã diễn ra?

Đáng lưu ý, theo ông Hajiyev, lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga rút khỏi Karabakh "trước thời hạn". Theo kế hoạch ban đầu, lực lượng này sẽ thực hiện nhiệm vụ tại Karabakh cho tới năm 2025.

Ông Hajiyev không cho biết lý do của quyết định rút quân sớm, nhưng nói rằng sự hiện diện của lực lượng Nga "dường như không còn cần thiết nữa, sau khi Azerbaijan dành lại toàn quyền kiểm soát vùng này vào năm ngoái"

"Quyết định rút quân đã được cả 2 phía (Nga-Azerbaijan) nhất trí" - Ông Hajiyev nói.

Tờ News.am của Armenia dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, quá trình rút quân của Nga sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn qua lãnh thổ Azerbaijan. Thời điểm rút nhóm quân cuối cùng ra khỏi Karabakh vẫn chưa được xác định.

Trả lời hãng thông tấn Interfax, ông Grigory Karasin - người đứng đầu Ủy ban Hội đồng Liên đoàn về các vấn đề quốc tế của Nga cho biết, việc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga rút khỏi Karabakh là hệ quả hợp lý của việc Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan công nhận lãnh thổ này là một phần của Azerbaijan.

"Tôi nghĩ rằng đây là hệ quả hoàn toàn hợp lý của việc lãnh đạo Armenia công nhận Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan" - Ông Karasin nói.

Sau cuộc điện thoại, ông Putin ra lệnh rút quân: Hàng nghìn lính Nga rời khỏi Karabakh, chuyện gì diễn ra?- Ảnh 1.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã rút ra khỏi Karabakh trước thời hạn. Điều này làm dấy lên nhiều câu hỏi. Ảnh: TASS

Theo Interfax, vào tháng 10 năm ngoái tại Bishkek, Tổng thống Putin từng tuyên bố lực lượng gìn giữ hòa bình Nga sẽ ở lại Karabakh cho tới tháng 11/2025. Tuy nhiên, sau đó ông đã lưu ý rằng, tình hình có sự thay đổi nên trong quá trình đàm phán với các đối tác, cần phải xác định xem nên làm gì trong thời gian tới.

Theo tờ Vedomosti, ngoài 1.960 quân nhân được trang bị vũ khí cá nhân, Nga còn triển khai tại Karabakh 90 xe bọc thép chở quân, 380 phương tiện đặc chủng và các thiết bị đặc biệt.

Trong thời gian làm nhiệm vụ tại Karabakh, lực lượng gìn giữ hòa bình Nga cũng có những tổn thất nhất định.

Vào ngày 20/9/2023, một chiếc ô tô bị trúng đạn gần làng Dzhanyatag (Chankatah) đã khiến 6 quân nhân Nga thiệt mạng, trong đó có phó chỉ huy quân đội Ivan Kovgan. Vào tháng 12 cùng năm, một quân nhân Nga đã thiệt mạng khi chiếc BTR-82 lao khỏi đường núi.

Theo tờ báo này, chức năng của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã bắt đầu suy giảm vào cuối năm 2022, và hoạt động thực tế của lực lượng này đã giảm đi đáng kể sau khi hành lang Lachin bị phong tỏa.

Đỉnh điểm là cuộc di tản của hàng chục nghìn người dân tộc Armenia tại Karabakh sau khi Azerbaijan phát động tấn công tháng 9/2023. Chuyên gia Vadim Mukhanov phụ trách khu vực Caucasus tại Trung tâm Nghiên cứu Hậu Xô Viết nhận định, thời điểm này, "đối tượng bảo vệ" của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga đã không còn.

Ông Niyazi Niyazov - chuyên gia Nga về Nam Caucasus thì cho rằng, bối cảnh đã thay đổi. Thời điểm năm 2020 là tình huống khẩn cấp, cần tới sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga, còn bây giờ thì không.



Theo Nhật Minh

Đời Sống Pháp Luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên