MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau giai đoạn thăng hoa với cổ phiếu tăng gấp 3 năm 2018, thủy sản Nam Việt (ANV) đang "đau đầu" bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh

Khác với Vĩnh Hoàn hay Biển Đông nhờ có được thị trường Mỹ, khi thị trường cá tra biến động họ có thể đàm phán được giá bán ra tương ứng cao hơn, Navico (ANV) phải phát triển lợi thế chuỗi, ngắn hạn sẽ giảm biên lãi để "hỗ trợ" khách hàng phần chênh lệch do biến động tỷ giá.

Hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam liên tục tăng cao, ghi điểm nổi bật có nhóm ngành cá tra kể từ đầu năm 2017. Song, nuôi trồng manh nhún, phụ thuộc vào nguồn đầu vào bên ngoài khiến nhiều hộ từ cá nhân đến tổ chức tỏ ra khá "lúng túng" trước những biến động của thị trường.

Ngược lại, là doanh nghiệp có thâm niên với lợi thế về vùng nuôi, từ đó tự chủ được đầu vào, không bị ảnh hưởng bởi biến động cá giống, cá nguyên liệu trên thị trường, CTCP Nam Việt (Navico, ANV) gần như nắm bắt trọn cơ hội "lột xác" với doanh thu - lợi nhuận đột biến hàng quý. Sau chuỗi dài xoay vần và nhận nhiều trái đắng từ việc đầu tư ngoài ngành, ANV đang tập trung mọi nguồn lực để trở lại vị thế trong ngành cá tra.

Hiểu rõ được thị hiếu khách hàng không chỉ về số lượng mà kích cỡ, khối lượng từng con cá, Công ty đặt tham vọng đáp ứng tối đa nhu cầu, mở rộng tệp khách hàng ngoại thông qua siêu dự án Bình Phú quy mô lên đến 600ha.

Song, sau những thuận lợi năm 2018 trở về trước, đến nay doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn "bủa vây", từ biến động tỷ giá, đến giá cá tra liên tục sụt giảm mạnh, đặc biệt 1-2 tháng gần đây.

Sau giai đoạn thăng hoa với cổ phiếu tăng gấp 3 năm 2018, thủy sản Nam Việt (ANV) đang đau đầu bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh - Ảnh 1.

ANV sẽ giảm biên lợi nhuận, hỗ trợ khách hàng phần chênh lệch do biến động tỷ giá

Trước hết, về tỷ giá VND vừa trải qua tháng 5 biến động mạnh nhất kể từ đầu năm. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang khi đàm phán thất bại đầu tháng 5 khiến đồng Nhân dân tệ giảm giá mạnh 2,54% so với đồng USD. Kết quả kéo theo, tỷ giá trên thị trường Việt Nam đã tăng từ mức 23.200 VND (ngày 17/4) lên mức 23.420 VND trên thị trường tự do, tương đương với mức tăng 0,95%.

Với việc xuất khẩu là hướng kinh doanh chính của Công ty và lượng ngoại tệ thu về chủ yếu là USD, chưa kể hiện Công ty cũng đang nắm giữ một lượng tài sản được định giá bằng đồng USD và các hợp đồng ký kết cũng được thanh toán chủ yếu bằng USD; do đó biến động tỷ giá hối đoái thời gian gần đây là một vấn đề đang được quan tâm bởi nhà đầu tư.

Không phủ nhận, ông Doãn Chí Thiên – Thành viên HĐQT ANV – chia sẻ: "Tỷ giá biến động sẽ có tác động đến ANV, nó sẽ làm các chi phí cá bên Trung Quốc cao hơn, nhưng hiện tại nhu cầu bên đó không bị ảnh hưởng nhiều. Đúng là chi phí được tính thông qua tỷ giá hoán đổi có tăng, song về lâu về dài nếu khách hàng cần thì ANV sẽ hỗ trợ phần chênh lệch này. Và như vậy, lợi nhuận gộp có thể rút lại tí xíu".

Dự án Bình Phú được xây dựng giai đoạn 2019-2020 với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao và xuất khẩu 100% - đáp ứng các tiêu chí khắt khe như kích cỡ đồng đều, đúng hẹn, đảm bảo yếu tố an toàn, bảo vệ môi trường... Dự án gồm 2 khu là sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao (diện tích nuôi 150 ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng) và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản, nuôi cá tra thương phẩm (diện tích nuôi 450 ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, dù chỉ chiếm khoảng 1-3% doanh thu thuần nhưng lãi vay cũng là yếu tố ban lãnh đạo quan tâm trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2018, Công ty cắt giảm mạnh nợ dài hạn (chủ yếu dư nợ vay), song ngược lại nợ ngắn hạn lại tăng đáng kể hơn 300 tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 200 tỷ so với đầu kỳ. Chưa kể, đưa vào vận hành giai đoạn 1 cũng như tiếp tục mở rộng giai đoạn 2 dự án Bình Phú khiến dòng tiền đầu tư ANV gia tăng gấp đôi áp lực trong năm 2018.

Lên kế hoạch cho năm tiếp theo, ANV hướng đến công tác chủ động dòng tiền, hạn chế đi vay nên chi phí lãi vay có thể sẽ giảm mạnh, ghi nhận tại BCTN 2018. 

Không có được thị trường bền vững và khả năng thương lượng giá, ANV phải phát triển chuỗi

Không dừng lại ở tỷ giá, thị trường cá tra những tháng gần đây ghi nhận sự lao dốc ngày càng rõ nét. Nếu như năm 2018, hầu hết người nuôi cá trúng đậm thì từ đầu năm 2019 đến nay, giá cá tra chựng lại và sụt giảm. Theo AgroMoniter, tháng vừa qua giá xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm trong khi nguồn cung nguyên liệu dồn lại sau kỳ nghỉ lễ khiến giá nguyên liệu giảm và chạm mức chi phí sản xuất, điều này kéo theo nhu cầu và cá giống giảm mạnh.

Ghi nhận xuất khẩu cá tra có nhiều biến động, nhất là nhu cầu của những khách hàng lớn như Trung Quốc và Hoa Kỳ sụt giảm. Với việc khai thác đáng kể thị trường Trung Quốc, ANV ít nhiều bị ảnh hưởng bởi diễn biến trên. Chưa kể, Trung Quốc được đánh giá là thị trường mới tiêu thụ cá tra gần đây nhưng tăng trưởng rất mạnh và cũng ẩn chứa nhiều rủi ro bởi các chính sách thường xuyên thay đổi.

Sau giai đoạn thăng hoa với cổ phiếu tăng gấp 3 năm 2018, thủy sản Nam Việt (ANV) đang đau đầu bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh - Ảnh 3.

Nguồn: AgroMonitor.

Nói về quốc gia đông dân này, ông Thiên khẳng định dư địa hiện tại rất lớn với hơn 200 cửa hàng thuộc 5-8 chuỗi khác nhau, trong khi thực tế mỗi chuỗi sở hữu khoảng 2.000 đơn vị, đi cùng sản phẩm được chế biến từ cá tra cũng lại rất đa dạng… Hiện, ANV đang thâm nhập mạnh ở khu vực Thượng Hải, cùng với 1-2 cửa hàng Bắc Kinh, Quảng Châu.

Tuy nhiên, kim chỉ nam hoạt động của ANV thời gian tới vẫn là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Dẫn chứng thông tin Nhật đang là Top 10 thị trường xuất khẩu cá tra, "rất hấp dẫn và chắc chắn ANV sẽ tham gia. Thị trường Trung Đông ANV cũng đang làm việc", lãnh đạo ANV nói. Đến cuối năm 2019, các thị trường xuất khẩu của Công ty gồm Trung Quốc (20%), Thái Lan (14%), Brazil (17%), Columbia (10%), Mexico (9%), EU (13%), Egypt (4%)…

Tựu trung lại, mặc dù việc tự chủ vùng nuôi mang lại cho ANV biên lợi nhuận gộp khá cao, tuy nhiên do không có được thị trường bền vững với khả năng thương lượng giá bán cao (Mỹ), ANV đang phải "trích" lợi nhuận ngắn hạn để hướng đến tăng trưởng dài hạn, đặc biệt trong thời điểm nhiều khó khăn như hiện nay. Lấy ví dụ việc ANV sẽ hỗ trợ chênh lệch biến động tỷ giá như đại diện đã chia sẻ…

Khác với Vĩnh Hoàn (VHC) hay Biển Đông nhờ có được thị trường Mỹ, khi thị trường cá tra biến động họ có thể đàm phán được giá bán ra tương ứng cao hơn, ANV phải phát triển lợi thế chuỗi, giai đoạn 2019-2020 đầu tư siêu dự án Bình Phú.

ANV cũng đang hướng đến mục tiêu quay trở lại thị trường Mỹ, tuy nhiên cách vào phải bền vững và dự kiến năm 2021 sẽ chính thức thực hiện. Lúc này, dự án trọng điểm là Bình Phú cũng chính thức đi vào guồng. Nói là vậy, mốc 2021 vẫn chỉ dừng lại ở niềm tin, ông Thiên nói, vì không có gì chắn chắn.

ANV sẽ làm từng bước, ví dụ đợt POR16 sắp tới, Công ty đã xuất lô hàng sang để review. ANV cũng có làm việc với luật sư và nắm những điểm mấu chốt để có thể thành công như lợi thế về chuỗi khép kín, lịch sử hoạt động... đặc biệt là khả năng cung cấp được một sản lượng nhất định trong thời hạn cụ thể (thường là 1 năm), đại diện ANV chia sẻ thêm.

Sau giai đoạn thăng hoa với cổ phiếu tăng gấp 3 năm 2018, thủy sản Nam Việt (ANV) đang đau đầu bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh - Ảnh 5.

Kết quả kinh doanh ấn tượng đưa cổ phiếu ANV tăng gấp 3 trong năm 2018

Sau giai đoạn thăng hoa với cổ phiếu tăng gấp 3 năm 2018, thủy sản Nam Việt (ANV) đang đau đầu bởi tỷ giá, thị trường cá tra đảo chiều mạnh - Ảnh 6.

Giao dịch cổ phiếu ANV 3 tháng qua.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên