MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau hạn mặn, nông dân lúng túng chọn lúa hay tôm

06-07-2016 - 23:00 PM | Thị trường

Hàng chục ngàn hecta đất trồng lúa bị nhiễm mặn khiến nông dân hao tốn rất nhiều tiền bạc và công sức để cải tạo. Đã vậy, mâu thuẫn giữa con tôm và cây lúa tại vùng giáp ranh càng khiến người trồng lúa gặp không ít khó khăn.

Mâu thuẫn con tôm - cây lúa đã đến hồi gay gắt

Đúng như dự báo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, trên 18.000 ha diện tích trồng lúa vùng ven biển thuộc các huyện An Biên, An Minh có nguy cơ nhiễm mặn, khiến tâm lý người nông dân không muốn trồng lúa mà đề nghị chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm. Cơ sở pháp lý chưa được thiết lập, về nguyên tắc đất lúa vẫn phải trồng lúa, tuy nhiên, trên những diện tích đã nhiễm mặn, người dân không trồng lúa mà “để vậy” để nuôi tôm. Điều này khiến cho hàng ngàn hộ trồng lúa tại đây rơi vào cảnh cánh đồng nhiễm mặn… tự nhiên.

Theo khảo sát sơ bộ, chỉ riêng cánh đồng tứ giác nằm giữa kênh xáng Xẻo Rô, kênh Thứ Năm, kênh Nhị Tỳ và kênh Ba Ngàn thuộc huyện An Biên, Kiên Giang đã có gần 100 hộ với hơn 1.000 công đất bỏ trắng hoặc lúa đã chết vì nhiễm mặn. Nguyên nhân nhiễm mặn được người dân xác định là do một số hộ tự ý cuốc đất ruộng làm vuông tôm và bơm nước mặn vào để nuôi tôm khiến nước mặn lan sang ruộng lúa.

Ông Nguyễn Văn Hoàng - một hộ trồng lúa - cho biết, đã sạ mấy lần nhưng do nước mặn nên lúa chết hết, nay không dám sạ nữa.

Theo UBND huyện An Minh, tình trạng người dân đưa nước mặn vào nuôi tôm khiến lúa chết tại huyện là có thật. Huyện đang thống kê mức thiệt hại. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND huyện An Biên Nguyễn Công Trận, sau đợt nắng nóng, khô hạn vừa qua, toàn huyện có đến trên 5.000 ha bị nhiễm mặn, người dân có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm. Tỉnh cũng đã xem xét cho chuyển đổi. Dù vậy, một số hộ dân đã tự ý đưa nước mặn vào để nuôi theo mô hình công nghiệp - bán công nghiệp nên ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa lân cận.

Tại xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, người dân ở các ấp Vườn Cò, Ngọc Được cũng đồng loạt đề nghị huyện cho nuôi tôm trên đất lúa. Ông Nguyễn Văn Út - Bí thư huyện ủy - cho biết: “Trước mắt, chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân cứ trồng lúa, chừng nào có chủ trương chung sẽ chuyển đổi”. Tuy nhiên, diện tích đã nhiễm mặn nay trồng lúa gặp không ít khó khăn do phải rửa mặn, hao tổn kinh phí bón phân, chăm sóc.

Cần chăm sóc tốt trà lúa hè thu

Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng hạn mặn nhiều nhất ĐBSCL với hơn 56.000 ha lúa bị thiệt hại và trên 30.000 ha bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Cà Mau, đến nay, bà con nông dân đã gieo sạ vụ lúa hè thu được 35.999/34.500 ha, đạt 104% so với kế hoạch, đạt 101,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thời gian xuống giống, do ít mưa, lượng mưa phân bố không đều nên một số nơi ruộng bị thiếu nước, không làm đất xuống giống được (chủ yếu ở huyện Thới Bình), diện tích xuống giống xong bị khô hạn, không bón phân và phun thuốc trừ cỏ được. Hiện nay, ngoài phần lớn lúa phát triển khá tốt, diện tích còn lại ở một số nơi phát triển không đều, nông dân gặp khó khăn trong khâu chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại.

Mùa hè thu tại tỉnh này thường bị xì phèn, ngộ độc hữu cơ. Cần tăng cường bón vôi, phân lân trước khi gieo sạ nhằm giúp ruộng lúa hạ phèn và hạn chế hiện tượng ngộ độc hữu cơ.

Theo khuyến cáo của trung tâm khuyến nông tỉnh, bà con nông dân nên bón phân đợt 1 sớm, từ 8-10 ngày sau sạ. Bón phân đợt 1 sớm để kích thích bộ rễ phát triển tốt, đẻ nhánh sớm, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chứa các nguyên tố đa vi lượng. Phải đảm bảo việc bón phân cân đối đạm, lân và kali, tránh việc bón thừa phân đạm, thiếu lân và thiếu kali, cây lúa bị đổ, nhiều sâu bệnh, không bón phân đạm trễ, không bón phân đạm nhiều lần. Từ 10-18 ngày sau sạ, nên giữ nước trong ruộng lúa và bơm thêm nước cao dần theo chiều cao cây lúa.

Nên bón phân đợt 2 sớm, từ 18-20 ngày sau sạ. Bón phân đợt 2 sớm, tập trung để hạn chế cây lúa đẻ nhánh vô hiệu (bón thúc đẻ nhánh) và giữ nước 5-10 cm. Có thể bón phân dưới dạng phân tổng hợp NPK (có nhiều ưu điểm: Hoà tan chậm, dinh dưỡng giải phóng dần, thời gian sử dụng dài, 35-40 ngày sau bón, hiệu quả sử dụng cao. Kết hợp tỉa dặm sớm, khi lúa được 4-5 lá thật, nhằm tạo điều kiện cho lúa đẻ nhánh sớm.

Nếu dùng giống có thời gian sinh trưởng 95-100 ngày thì bón đón đòng bắt đầu sau khi lúa sạ được 40-45 ngày. Kết hợp phun thuốc Tilt super vào giai đoạn này góp phần nâng cao năng suất lúa, phòng trị rất tốt bệnh đốm vằn, vàng lá chín sớm và tập trung dinh dưỡng để nuôi đòng, hạn chế sự phát triển của chồi vô hiệu.

Cần phải theo thực tế diễn biến trước mắt để chọn lúa hay tôm

Như chúng ta đều biết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra với tần suất nhiều và gay gắt hơn. Hiện tượng nước biển dâng cao, nhiệt độ không khí tăng lên ngày càng biểu hiện rõ rệt. Vì vậy, các vùng ven biển sẽ bị xâm nhập mặn ngày càng sâu và độ mặn càng cao hơn, kèm theo hạn hán diễn ra cũng ngày càng gay gắt. Việc người dân hăng hái chuyển sang nuôi tôm chuyên canh trên đất được quy hoạch trồng lúa hoặc lúa - tôm như hiện nay là điều không tránh khỏi, dù các địa phương đã dùng khá nhiều biện pháp kể cả xử phạt nhưng không thể ngăn chặn được mà còn nguy cơ lan rộng ra nhiều vùng khác. Chính điều này đã nảy sinh mâu thuẫn trong nội bộ nông dân giữa người trồng lúa và người nuôi tôm.

Để đối phó với các hiện tượng này, không thể một địa phương hoặc một cơ quan đảm nhiệm được mà cần sự vào cuộc của nhà nước, từ các cơ quan Trung ương đến địa phương, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và sự đồng lòng của bà con nông dân. Bởi quy hoạch đồng ruộng không thể theo ý chí chủ quan mà phải theo thực tế diễn biến trước mắt và dự báo tương lai. Cần tính toán xem vùng nào thích hợp để trồng lúa, vùng nào nuôi thủy sản nước mặn, vùng nào nuôi thủy sản nước lợ.

Trước đây, nhà nước đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, những vùng trồng lúa bấp bênh, thu nhập thấp thì chuyển đổi sang nuôi con khác, trồng cây khác hợp với điều kiện sinh lý, sinh thái để mang lại hiệu quả cao, môi trường bền vững, các vùng đất được quy hoạch lúa - tôm lâu nay chung sống rất hài hòa, vụ lúa cho năng suất ổn định, vụ tôm cũng có hiệu quả cho nông dân. Tuy nhiên, khi mà mặn xâm nhập cao hơn mọi năm thì việc xem xét lại quy hoạch của các địa phương chưa kịp thời để nông dân tự phát làm theo ý muốn. Việc làm này vừa phá vỡ quy hoạch vừa ảnh hưởng đến các nông hộ gần bên.

Từ thực tế này, chúng ta thấy rằng việc quy hoạch ở các vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng tăng diện tích chuyên canh thủy sản ở những nơi bị mặn cao, khó trồng lúa hoặc không thể trồng lúa là điều phải tính tới.

Về chăm sóc lúa hè thu, bà con nông dân nên lưu ý là thông thường vụ hè thu hay gặp rủi ro về thời tiết và cả điều kiện đất đai cày bừa không kỹ, do khoảng cách giữa hai vụ quá ngắn, do đó việc chăm sóc và bón phân cân đối cực kỳ quan trọng. Bà con mình nên thường xuyên theo dõi và áp dụng những tư vấn hữu ích của các nhà khoa học và các chuyên gia nông nghiệp trong chương trình “Canh tác lúa thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu’’ được phát sóng trên VTV2 và đài truyền hình tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang.

Lê Quốc Phong

Theo Hoàng Huy

Lao động

Trở lên trên