MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau hiện tượng bùng nổ, vì sao thị trường NFT lao dốc?

03-09-2022 - 14:51 PM | Kinh tế số

NFT không còn là trào lưu gây sốt như trong năm 2021 và đầu 2022

NFT không còn là trào lưu gây sốt như trong năm 2021 và đầu 2022

Sự quan tâm đến NFT giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, ở mức 14/100 điểm.

NFT (tài sản không thể thay thế) phát triển bùng nổ trong năm qua, trở nên phổ biến, thu hút sự quan tâm từ người nổi tiếng đến các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, có vẻ sức hút của NFT đạt đến đỉnh điểm khi “trào lưu” này đang đi xuống rất nhanh.

NFT được đánh giá minh bạch về tính chính danh và quyền sở hữu. Trong năm 2021, NFT trở thành hiện tượng trong giới công nghệ với các tác phẩm được bán từ vài trăm nghìn USD tới hàng chục triệu USD. Nhiều người nổi tiếng như Paris Hilton, Gwyneth Paltrow hay Serena Williams cũng sở hữu NFT. Tổng giá trị NFT giao dịch năm ngoái đạt 17,6 tỷ USD, tăng 21.350% so với mức 82,5 triệu USD của năm 2020.

Tuy nhiên, lĩnh vực NFT đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khi số lượng NFT giao dịch trong quý đầu năm giảm gần 50% so với quý trước.

Theo báo cáo từ công ty theo dõi thị trường tiền số CryptoSlam vào tháng 5, chỉ có 31 triệu USD được giao dịch trong 15 ngày đầu của tháng này, thấp nhất trong năm. Những tháng trước, tổng khối lượng giao dịch luôn ở mức hàng trăm triệu USD.

Sau hiện tượng bùng nổ, vì sao thị trường NFT lao dốc? - Ảnh 1.

Mức độ quan tâm đến NFT giảm đều từ tháng 1 đến nay

Ngoài ra, theo dữ liệu từ StockApps.com, sự quan tâm đến NFT giảm xuống thấp nhất từ trước đến nay, ở mức 14/100 điểm. Điều này trái ngược với sức nóng của NFT vào đầu năm nay, đạt đến đỉnh 100 điểm vào tuần cuối của tháng 1.

Minh chứng khác cho thấy NFT đang “nguội” dần khi khối lượng NFT giao dịch trên OpenSea - nền tảng giao dịch NFT lớn nhất thế giới ngày 28/8 còn gần 5 triệu USD, thấp hơn tới 99% so với mức kỷ lục 406 triệu USD vào ngày 1/5.

Bên cạnh đó, số lượng người tham gia giao dịch trên nền tảng cũng giảm mạnh, cho thấy giá trị và sự quan tâm đến các bộ sưu tập NFT lao dốc trong những tháng gần đây.

Khối lượng và người giao dịch giảm tác động đến giá sàn NFT - số tiền tối thiểu nhà đầu tư sẵn sàng trả cho một sản phẩm. Ví dụ giá sàn của NFT nổi tiếng Bored Ape Yacht Club giảm 53%, từ 153,7 Ethereum vào ngày 1/5 xuống còn 72,5 Ethereum vào 28/8. Tương tự, giá sàn của CryptoPunks cũng giảm gần 20% so với mức cao nhất trong tháng 7 là 83,72 Ethereum.

NFT hiện chủ yếu chạy trên nền tảng blockchain Ethereum và sử dụng tiền số này cho các giao dịch. Điều này đồng nghĩa giá NFT sẽ giảm nếu thị trường Ethereum giảm mạnh. Việc Ethereum biến động giá là một trong những lý do đằng sau sự tụt dốc của NFT.

Tháng 11 năm ngoái, giá tiền số này đạt đỉnh 4.950 USD. Nhưng đến năm nay, token này có lúc về dưới 1.000 USD và hiện ở mức 1.400 USD. Giá Ethereum giảm khiến thị trường không còn hưng phấn như trước, từ đó việc giao dịch bị chững lại.

Chuyên gia Edith Reads từ StockApps cho biết: “NFT là chủ đề được bàn tán nhiều hàng đầu của giới đầu tư trong vài tháng qua. Tuy nhiên, có vẻ như sự quan tâm đến trào lưu này giảm đáng kể. Cuộc khủng hoảng tiền điện tử có thể là một lý do, vì nhiều người mất tiền cùng sự sụp đổ của thị trường. Cũng có thể sự mới mẻ của NFT mất đi. Tuy nhiên, NFT vẫn còn tiềm năng và có thể phát triển trở lại trong tương lai”.

Trên thị trường, tweet đầu tiên của nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey từng được mua giá 2,9 triệu USD, nhưng hiện chỉ trả giá không quá 20.000 USD. Một số NFT triệu USD trong bộ sưu tập CryptoPunk cũng giảm giá hàng chục lần.

Sau hiện tượng bùng nổ, vì sao thị trường NFT lao dốc? - Ảnh 2.

NFT của các tác phẩm nghệ thuật gặp vấn đề về bản quyền

Một số chuyên gia tin rằng NFT là “bong bóng” sắp nổ bởi của tài sản ảo biến động mạnh khiến niềm tin không còn được duy trì. Theo các vị này, hầu hết NFT hiện đều không rõ ràng về bản quyền. Hồi tháng 1, OpenSea thừa nhận có tới 80% số NFT trên nền tảng này là bản sao không phép của NFT khác hoặc tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng ngoài đời thực. Sàn giao dịch NFT LookRare cũng chia sẻ có tới 95% tác phẩm trên nền tảng này bị phát hiện là giả mạo.

Cơ hội cho nhà đầu tư dài hạn?

Dù sự quan tâm giảm xuống, thị trường NFT duy trì được sức hút trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị. Ví dụ để duy trì nỗ lực quân sự, Ukraine đang tích cực thu thập tiền thông qua các NFT. Quốc gia này phát hành NFT riêng. Bên cạnh đó, nền tảng từ thiện có tên “Những thiên thần của Ukraine” và bộ sưu tập NFT ủng hộ quốc gia này từng được giới thiệu bởi các nhà phát triển blockchain của Ukraine.

Về số lượng tìm kiếm cho cụm từ “NFT”, Trung Quốc đứng đầu danh sách. Hong Kong (Trung Quốc) đứng ở vị trí thứ 2 và Singapore xếp số 3. Nigeria và Đài Loan (Trung Quốc) lần lượt giữ vị trí thứ 4 và 5.

Người Mỹ, Canada, New Zealand và Cyprus vẫn thấy thông tin về NFT thú vị. Ngoài ra, sự quan tâm đến các tài sản không thể thay thế cũng đến từ người Pakistan, Nigeria và Nam Phi.

Theo chuyên gia của StockApps.com, NFT vẫn có giá trị và có thể là hình thức đầu tư cần thiết. Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nghệ sĩ thậm chí tin rằng NFT là cách thức kiếm tiền mới.

Tình thế hiện tại là cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn. Thị trường có thể sẽ trở nên ổn định hơn trong tương lai khi nhiều ngành áp dụng NFT và mọi người hiểu rõ hơn về cách thức NFT vận hành.

Theo Bảo Nhi

Biz Live

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên