MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%

29-08-2024 - 07:24 AM | Doanh nghiệp

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%

Lĩnh vực bệnh viện cũng là mảng rất được nhà đầu tư ngoại quan tâm nhưng có khá ít cơ hội đầu tư.

Mới đây, CTCP tập đoàn Bệnh viện Quốc tế TNH (mã chứng khoán: TNH) đã được UBCKNN chấp nhận việc thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty này lên 70%. Trước đó, tỷ lệ này chỉ dừng lại ở mức 49%.

4 QUỸ NGOẠI LÀ CỔ ĐÔNG LỚN, TỔNG SỞ HỮU 32%

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của Bệnh viện Quốc tế TNH, HĐQT công ty cho rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài mang lại cơ hội tốt để cổ phiếu TNH tăng tính thanh khoản trong giao dịch. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tăng cường khả năng huy động vốn, mở rộng quy mô hoạt động và thay đổi cơ cấu cổ đông theo hướng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn.

Ở thời điểm hiện tại, đang có 4 quỹ đầu tư nước ngoài đang là cổ đông lớn của TNH với tổng sở hữu là 32% vốn. Trong đó, KWE Beteilgungen AG đang là cổ đông lớn nhất của công ty khi nắm giữ 11,5 triệu cổ phiếu TNH, tương đương 10,5%. 

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%- Ảnh 1.

Ngay sau khi công bố việc hay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty này lên 70% vào đầu tháng 6/2024, cổ phiếu TNH đã tăng một mạch 35% trong một tháng, lên mức đỉnh lịch sử 28.500 đồng/cp vào ngày 9/7. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay thị giá TNH lại giảm hơn 18% về còn 23.300 đồng/cp khi kết thúc phiên 28/8.

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%- Ảnh 2.

Trong thời gian gần đây, không chỉ riêng TNH các nhà đầu tư nước ngoài đang liên tục gom cổ phiếu của các doanh nghiệp dược phẩm, y tế tại Việt Nam.

SK Investment - chaebol lớn thứ hai Hàn Quốc đang nắm quyền chi phối khi sở hữu 64,8% vốn của Imexpharm (IMP). Ngoài ra ASKA Pharmaceutical Co., Ltd - hãng dược đến từ Nhật Bản cũng đang sở hữu 35% vốn của Dược Hà Tây (DHT).

Lĩnh vực bệnh viện cũng là mảng rất được nhà đầu tư ngoại quan tâm nhưng có khá ít cơ hội đầu tư. Trong năm 2023, đã có 2 thương vụ M&A lớn trong lĩnh vực này diễn ra là Thomson Medical mua Bệnh viện FV với giá 381 triệu USD và Raffles Medical đầu tư vào Bệnh viện quốc tế Mỹ - AIH.

Quỹ VOF của VinaCapital hiện cũng nắm cổ phần chi phối của Tâm Trí Medical.

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%- Ảnh 3.

KẾ HOẠCH KINH DOANH CAO KỶ LỤC

Về tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Quốc tế TNH ghi nhận 222 tỷ đồng doanh thu thuần giảm 3%, lợi nhuận sau thuế 54 tỷ đồng giảm 13% so với cùng kỳ.  Như vậy, sau hai quý, công ty đã thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu, 35% mục tiêu lợi nhuận.

Năm nay, TNH đặt mục tiêu 540 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 2%, lợi nhuận sau thuế 155 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ. Nếu đạt được thì đây sẽ là con số cao kỷ lục của doanh nghiệp. Doanh nghiệp này kiến bổ sung ngành nghề kinh doanh là hoạt động y tế dự phòng gồm các dịch vụ như tiêm chủng, tiêm vacccine phòng bệnh.

Trả lời về việc mở thêm lĩnh vực tiêm chủng, ông  Lê Xuân Tân, Tổng giám đốc TNH cho biết nhu cầu tiêm vắc xin ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng đã tăng lên rất cao sau Covid, ví dụ như phòng cúm, viêm não mô cầu. Bệnh viện TNH có tay nghề cao trong việc tiêm và đặc biệt là cấp cứu tai biến khi tiêm. Nhiều cơ sở tiêm chủng đã ký với TNH về việc hỗ trợ chuyên môn.

“Cho nên nhu cầu tiêm chủng tại bệnh viện rất lớn, trước mắt là Việt Yên – khu đông đảo lực lượng người lao động làm việc tại các KCN. Chúng tôi không ngại chuyện cạnh tranh, vì bộ phận tiêm chủng mở trong bệnh viện không khó khăn như mở một trung tâm tiêm chủng riêng biệt ” – Ông Tân cho biết.

Giữa lúc nhà đầu tư ngoại “săn lùng” cơ hội M&A ngành y tế - dược phẩm, bệnh viện niêm yết duy nhất trên sàn được nới room ngoại lên 70%- Ảnh 4.

TNH hiện có 2 cơ sở khám chữa bệnh đã đi vào hoạt động gồm: Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên, Bệnh viện đa khoa Yên Bình (Thái Nguyên), còn Bệnh viện TNH Việt Yên (Bắc Giang) đang chờ Bộ Y tế cấp phép.

Bên cạnh đó, công ty này đang triển khai đầu tư dự án Bệnh viện TNH Lạng Sơn với quy mô dự kiến 10 tầng, gồm 300 giường bệnh, được thiết kế theo mô hình bệnh viện đa khoa.

Ngoài ra, trong năm 2023, TNH đã góp vốn thành lập pháp nhân liên kết là CTCP Bệnh viện TNH Hà Nội để thực hiện đầu tư dự án tại Khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) Hà Nội, quy mô khoảng 500 giường bệnh.

Trả lời về tầm nhìn chiến lược dài hạn 10 năm, ông Hoàng Tuyên - Chủ tịch HĐQT cho biết - đến năm 2030, TNH dự định có chuỗi 10 bệnh viện phủ rộng toàn quốc gồm bệnh viện đa khoa và chuyên khoa như ung bướu, phụ sản, mắt, chuyên khoa đột quỵ. Tại Hà Nội, TNH không nghĩ đến việc cạnh tranh trực tiếp với các bệnh viện Hồng Ngọc, Thu Cúc, Phương Đông… vì thị trường đang ở tình trạng quá tải.

“Một lợi thế lớn của TNH là có các bệnh viện vệ tinh. Khi TNH Hà Nội đi vào hoạt động thì TNH đã có 5 bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh lân cận. Bệnh viện tại Hà Nội và Tp.HCM, Đà Nẵng sau này sẽ là bệnh viện tuyến cuối để các cơ sở xa trung tâm và đó sẽ là nơi đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các cơ sở khác của TNH” – Ông Hoàng Tuyên cho biết.

Trọng Hiếu

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên