Sau kết luận thanh tra về xăng dầu: Phát lộ nhiều lỗ hổng bất thường về quản lý
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khẳng định, cùng với quá nhiều bất cập trong quản lý thị trường xăng dầu hiện nay, việc để tồn tại những lỗ hổng về quản lý kéo dài đã khiến thị trường xăng dầu trở nên bất ổn và nảy sinh nhiều tiêu cực từ chính các cơ quan quản lý.
- 05-01-2024Không chỉ bị cưỡng chế gần 1.300 tỷ tiền thuế, công ty xăng dầu của đại gia Mai Văn Huy thông báo chậm trả lãi cho lô trái phiếu 400 tỷ đồng
- 05-01-2024Chuyển hồ sơ sai phạm lĩnh vực xăng dầu tới Bộ Công an
- 05-01-2024Không chỉ Xuyên Việt Oil, NSH Petro, hàng loạt DN xăng dầu lớn tại các tỉnh thành bị 'bêu tên' trong danh sách nợ thuế nghìn tỷ, lãnh đạo bị cấm xuất cảnh
Tràn lan vi phạm, nhiều lỗ hổng đáng báo động
Theo kết luận vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, từ 1/1/2017 đến 30/6/2022, sau khi được cấp giấy phép, nhiều doanh nghiệp đầu mối trong thời gian hoạt động kinh doanh xăng dầu đã không đảm bảo hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định tại khoản 5, Điều 7 Nghị định 83.
Cùng với đó, các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối chủ yếu thuê kho, bể chứa xăng dầu để làm điều kiện xin cấp giấy phép và giấy xác nhận.
Nhiều đầu mối, thương nhân phân phối ký hợp đồng thuê kho, bể chứa xăng dầu chỉ theo mùa vụ, theo thực tế sử dụng để giảm chi phí. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vi phạm ở khâu cấp phép của Bộ Công Thương (báo Tiền Phong đã nêu trong loạt bài Những góc khuất kinh doanh xăng dầu ).
Cùng với việc “bắt tay” để qua mắt cơ quan quản lý, nhiều đầu mối, thương nhân phân phối đã ký hợp đồng thuê kho, bể chứa nhưng không phát sinh gửi hàng, thanh lý hợp đồng… Sự lỏng lẻo trong quản lý đã ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
“Bộ Công Thương đã thiếu kiểm tra, giám sát, quản lý lỏng lẻo, không kịp thời phát hiện vi phạm trong việc duy trì điều kiện về kho, bể chứa, hệ thống phân phối xăng dầu để xử lý theo quy định tại khoản 6, Điều 8 và khoản 6 Điều 14 Nghị định 83”, Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Những vi phạm về trích lập, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (QBOG), giám sát việc dự trữ xăng dầu lưu thông bắt buộc tối thiểu của doanh nghiệp đầu mối, giám sát việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường…. của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng được chỉ rõ.
Thực tế cho thấy, việc có tới 3 quan chức tại Bộ Công Thương bị bắt thời gian qua liên quan đến vụ án tại Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và Công ty Cổ phần Thương mại, Tư vấn, Đầu tư, Xây dựng Bách Khoa Việt (Công ty Bách Khoa Việt) thêm một lần nữa chỉ ra khâu quản lý của Bộ Công Thương lỏng lẻo, kéo dài nhiều năm.
Cùng với đó, những điều tiếng liên quan đến cấp giấy phép xăng dầu cho các doanh nghiệp đầu mối cũng như sự bùng nổ số lượng thương nhân phân phối đi kèm văn bản quy định không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ đã dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, phá vỡ các nguyên tắc khiến thị trường xăng dầu bất ổn.
Trong các kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 38/2014/TT-BCT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 83/2014/NĐ-CP không cụ thể rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu.
Theo kết luận, việc “cài” quy định cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau là trái quy định của khoản 12 Điều 13 và Điều 15 Nghị định 83 đồng thời vi phạm Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật. Những quy định không chặt chẽ trên đã gây ra nhiều hệ luỵ với người dân, doanh nghiệp cũng như cả xã hội khi nguồn cung xăng dầu bị đứt gãy năm 2022 khi nhiều đầu mối, thương nhân phân phối không thực hiện đúng hạn mức nhập khẩu, dự trữ đúng như phân giao.
Chỉ khi tình trạng thiếu và đứt gãy nguồn cung xăng dầu lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2022, Bộ Công Thương mới ráo riết vào cuộc và sau đó đến công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của 11 doanh nghiệp đầu mối khu vực phía Nam. Kết luận thanh tra cho thấy, đã xảy ra hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp đầu mối và những đơn vị, doanh nghiệp liên quan.
Thực trạng “coi thường pháp luật” đã phát lộ sau thanh tra khi nhiều doanh nghiệp đầu mối báo cáo về kho chứa xăng dầu chưa đúng với thực tế. Một số doanh nghiệp còn có tình trạng thuê kho, bồn, bể chứa, trang thiết bị liên quan đến điều kiện cấp phép để qua mặt cơ quan chức năng khi đến kỳ kiểm tra và hợp thức hoá việc cấp phép.
Cùng với đó, tình trạng thuê thương hiệu, “mua bán ngược’’ xăng dầu giữa thương nhân phân phối và doanh nghiệp đầu mối. Tình trạng “mượn danh thuê kho”, vi phạm quy định về xuất nhập khẩu, dự trữ xăng dầu… cũng được cơ quan chức năng phát hiện.
Mạnh tay thanh lọc thị trường
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối khẳng định, rất nhiều doanh nghiệp trong ngành rất bức xúc về tình trạng “nhờn luật” trong kinh doanh xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối tư nhân trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, nhiều vi phạm của các doanh nghiệp đầu mối đã được chỉ ra nhưng sau đó các doanh nghiệp có vi phạm nhưng vẫn “tai qua nạn khỏi” và thời điểm hiện tại là lúc thích hợp để làm rõ việc bao che cho sai phạm.
Thanh tra Chính phủ cho biết, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2022, Bộ Công Thương đã cấp 37 giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu (không bao gồm 4 giấy phép kinh doanh xăng dầu hàng không) và 347 giấy phép làm thương nhân phân phối bán lẻ.
Kết luận thanh tra xăng dầu cũng cho thấy, đến cuối tháng 10/2022 nhiều đầu mối xăng dầu khai thiếu, nợ thuế hàng nghìn tỷ đồng.
Theo vị này, cần làm rõ việc ai bao che cho tình trạng doanh nghiệp “không đủ điều kiện” nhưng vẫn được cấp phép làm đầu mối, thương nhân phân phối trong những năm qua bên cạnh là những “xì xào” về tình trạng “chạy” giấy phép; tình trạng dùng giấy phép xăng dầu để huy động vốn đổ tiền vào bất động sản.
Chủ tịch HĐQT một doanh nghiệp xăng dầu thuộc top 5 tại Việt Nam cho rằng, để thị trường xăng dầu lành mạnh, cơ quan quản lý cần mạnh tay thanh lọc thị trường, rút giấy phép vĩnh viễn với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm.
“Có những mặt tối bị bỏ ngỏ thời gian qua trong việc cấp phép và quản lý thị trường xăng của chính Bộ Công Thương. Để làm rõ những bất thường của thị trường, cơ quan quản lý chỉ cần lần theo các vòng luân chuyển nguồn cung xăng dầu trong chuỗi phân phối là sẽ có nhiều phát hiện rất thú vị. Việc xác lập lại vai trò của thương nhân phân phối trên cả nước với hàng nghìn cây xăng trực thuộc cũng là việc cần làm.
Khi thị trường có vấn đề, vào năm 2022 có thể thấy rất rõ vai trò của các thương nhân phân phối không thể hiện được việc tham gia bình ổn thị trường trong khi họ được phép mua từ nhiều nguồn để phân phối ra thị trường”, vị này nói. Ông cũng cho rằng, kể cả rút giấy phép hàng loạt các thương nhân phân phối thì với quy định chặt chẽ hiện nay và năng lực hiện có, các đầu mối hoàn toàn có thể đảm bảo được nguồn cung cho thị trường.
Ông Nguyễn Hùng Việt, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Nguyễn Hùng Việt cho rằng, để thị trường xăng dầu ổn định, doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, cơ quan quản lý cần tách bạch vai trò cũng như các khâu, từ nhập khẩu đến phân phối và bán lẻ. Cùng với đó, phải có quy định, doanh nghiệp đầu mối chỉ nên giữ chức năng nhập khẩu và phân phối, không nên để tình trạng vừa nhập khẩu vừa phân phối vừa bán lẻ như hiện nay.
Đây là quy định phi thị trường và cũng dễ dẫn đến lũng đoạn thị trường khi đầu mối được lợi kép về giá từ nhập khẩu đến bán lẻ và chủ động được nguồn cũng như vay vốn ưu đãi kinh doanh.
“Cần quy định rõ, nếu doanh nghiệp làm phân phối thì chỉ phân phối đến tổng đại lý và đến đại lý bán lẻ. Cả 3 khâu này phải có chi phí định mức riêng biệt, hạch toán riêng biệt và là công ty tách ra khỏi hệ thống phân phối”, ông Việt nói.
Dầu khí Nam Sông Hậu bị cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn vì nợ thuế
Cục thuế tỉnh Hậu Giang vừa công bố danh sách các doanh nghiệp trên địa bàn có số nợ thuế lớn đến hết 30/11/2023. Theo danh sách công bố, Công ty Cổ phần thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro), một trong 36 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, với 70 cửa hàng tại Đồng bằng sông Cửu Long, đứng đầu với tổng số tiền nợ thuế 1.185 tỷ đồng. Do nợ thuế lớn, giữa tháng 12/2023 Cục thuế tỉnh Hậu Giang đã cưỡng chế hành chính bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn trong một năm (đến 17/12/2024) với NSH Petro.
Thục Quyên
Tiền phong