MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau khi đạt đỉnh, “ông lớn” Saigon Cargo lên kế hoạch 2023 giảm 20% lợi nhuận, sản lượng hàng hoá quốc tế suy giảm mạnh

06-06-2023 - 14:59 PM | Doanh nghiệp

Quý 1/2023, doanh thu Công ty đạt 162 tỷ đồng - giảm hơn 34% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm gần nửa chỉ còn 122 tỷ đồng.

Sau khi đạt đỉnh, “ông lớn” Saigon Cargo lên kế hoạch 2023 giảm 20% lợi nhuận, sản lượng hàng hoá quốc tế suy giảm mạnh - Ảnh 1.

CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC, HoSE: SCS) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ, trình kế hoạch kinh doanh 2023 với tổng doanh thu 780 tỷ đồng, giảm 14% so năm 2022. Lợi nhuận trước thuế cũng giảm gần 20% về còn 560 tỷ đồng.

Tổng sản lượng hàng hóa giảm 7% về mức 182.000 tấn, trong đó hàng hóa quốc tế chiếm 132.000 tấn – giảm hơn 10% so với cùng kỳ. Ngược lại, hàng hoá quốc nội tăng lên 50.000 tấn.

Theo SCS, kế hoạch này đặt ra trên cơ sở cân nhắc những yếu tố tác động từ nền kinh tế và ngành hàng không trong nước và thế giới vẫn còn rất nhiều khó khăn, biến động khó lường. Đặc biệt là diễn biến kéo dài của cuộc xung đột Nga – Ukraina, lượng hàng hóa giảm, lạm phát cao toàn cầu chưa kiểm soát được, lãi suất Ngân hàng khó giảm... dẫn đến khó khăn khó lường cho nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng.

Sau khi đạt đỉnh, “ông lớn” Saigon Cargo lên kế hoạch 2023 giảm 20% lợi nhuận, sản lượng hàng hoá quốc tế suy giảm mạnh - Ảnh 2.

Sau khi đạt đỉnh, “ông lớn” Saigon Cargo lên kế hoạch 2023 giảm 20% lợi nhuận, sản lượng hàng hoá quốc tế suy giảm mạnh - Ảnh 3.

Trong năm nay, SCS sẽ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng và thiết bị nâng công suất nhà ga lên 350 nghìn tấn/năm cho giai đoạn 2. Đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết làm việc với các cơ quan ban ngành để có thể tham gia đầu tư nhà ga hàng hóa tại sân bay quốc tế Long Thành.

Được biết, SCS đang nắm giữ 15% thị phần toàn quốc và 45% thị phần ở Tân Sơn Nhất. Bức tranh sinh lời của SCS hàng năm khá ấn tượng với 1 đồng vốn 4 đồng lời. Chưa kể, ở Tân Sơn Nhất, SCS là nhà ga duy nhất có khả năng mở rộng công suất (khả năng mở rộng 75% công suất hiện tại), do đó giới phân tích dự báo SCS sẽ hưởng lợi chính từ đà tăng trưởng trong dài hạn.

Dù vậy, trong ngắn hạn SCS đang đối mặt với áp lực suy thoái kinh tế, và thực tế đang cho thấy sự “đáng sợ” hơn tưởng tượng. Quý đầu năm, doanh thu Công ty đạt 162 tỷ đồng - giảm hơn 34% so với cùng kỳ. Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm gần nửa chỉ còn 122 tỷ đồng.

Trong kỳ, dù có cắt giảm chi phí, song lợi nhuận sau thuế của SCS vẫn giảm tiếp 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 4 lợi nhuận của SCS giảm sút, thậm chí đã tiến sát về mức đáy hồi cao điểm Covid-19 (quý 2/2020, gần như đóng băng hoàn toàn).

Giải trình cho kết quả trên, SCS cho biết do bị ảnh hưởng tình hình kinh tế Việt Nam và thế giới, tổng sản lượng hàng hoá quốc tế trong quý 1/2023 giảm 45% so với cùng kỳ.

Giới phân tích dự báo lạm phát tăng cao khiến hầu bao chi tiêu của các hộ gia đình bị thắt chặt. Thêm vào đó, giá dầu tăng cũng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận tải hàng hóa hàng không, khiến giá cước trở nên cạnh tranh hơn so với các loại hình vận tải khác. Điều này sẽ tác động không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hàng không nói chung và SCS nói riêng.

Sau khi đạt đỉnh, “ông lớn” Saigon Cargo lên kế hoạch 2023 giảm 20% lợi nhuận, sản lượng hàng hoá quốc tế suy giảm mạnh - Ảnh 4.

Trí Túc

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên