MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau khi "hái lộc" đầu năm, PYN Elite Fund "tuột" mất toàn bộ thành quả trong tháng 2

Sau khi "hái lộc" đầu năm, PYN Elite Fund "tuột" mất toàn bộ thành quả trong tháng 2

Quy mô danh mục (AUM) giảm 2.140 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 1/2023.

Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 2/2023 với hiệu suất đầu tư âm 11,17%. Sau khi vừa có niềm vui “hái lộc” đầu năm với mức hiệu suất đầu tư hơn 10% trong tháng 1/2023, PYN Elite Fund đã để tuột mất toàn bộ thành quả trong tháng 2. Thậm chí, tính chung 2 tháng hoạt động đầu năm, hiệu suất của quỹ ngoại đã âm gần 2%.

Thời điểm 28/02/2023, giá trị tài sản ròng/ccq của PYN Elite đạt hơn 387 Euro. Quy mô danh mục (AUM) đạt gần 673 triệu Euro (~16.700 tỷ đồng), giảm 86 triệu Euro (~2.140 tỷ đồng) so với thời điểm cuối tháng 1/2023.

Sau khi hái lộc đầu năm, PYN Elite Fund tuột mất toàn bộ thành quả trong tháng 2 - Ảnh 1.

Hiện tại, top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm tỷ trọng 87,6% trong đó vẫn giữ nguyên 5 cổ phiếu ngân hàng và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm). VNFinLead ETF đã có tháng thứ 4 liên tiếp góp mặt trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite Fund.

Sau khi hái lộc đầu năm, PYN Elite Fund tuột mất toàn bộ thành quả trong tháng 2 - Ảnh 2.

Trong tháng 2 thị trường chung biến động kém thuận lợi khiến hầu hết các cổ phiếu tỷ trọng lớn trong danh mục quỹ đều có hiệu suất sinh lời âm, tác động tiêu cực tới hiệu suất chung của PYN Elite Fund. Đáng chú ý, VHM, MIG, STB trở thành cổ phiếu có hiệu suất kém khả quan nhất lần lượt âm 18,5%; 15,4% và 12,4%. Trước đó, cổ phiếu STB vừa mới là “ngôi sao” tháng 1 khi đạt mức hiệu suất ấn tượng hơn 20%.

Top 3 khoản đầu tư lớn nhất không có sự thay đổi so với tháng trước, lần lượt là những cái tên quen thuộc: CTG (18,1%); VHM (13,5%) và STB (10,2%). Trong khi đó, VRE của Vincom Retail lùi về xếp thứ 5 danh mục với tỷ lệ 8,8% nhường vị trí thứ 4 cho cổ phiếu ACV với tỷ trọng 9,1%. TP Bank giữ nguyên vị trí thứ 6, song tỷ trọng được nâng lên thành 8,2%.

Đánh giá về cổ phiếu ngân hàng TP Bank, Pyn Elite Fund cho rằng số lượng khách hàng tăng nhanh và lòng trung thành đã hỗ trợ CASA của TPB tăng trưởng trong quý 4/2022, bất chấp lãi suất cao khiến CASA thu hẹp ở các ngân hàng khác.

Đồng thời, tỷ lệ dự phòng rủi ro cho vay và tỷ lệ cho vay trên giá trị của nhà băng này an toàn hơn so với mức trung bình ngành. TP Bank đã công bố mức chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 25% sẽ được thanh toán vào 3/4 tới đây, mang lại tỷ suất cổ tức 10,7%.

"Chứng khoán Việt Nam không thể dự đoán trước trong ngắn hạn"

Lý giải về nguyên nhân lỗ đậm trong tháng 2, quỹ PYN Elite cho biết chỉ số VN-Index giảm 7,8% trước sự bán mạnh trên diện rộng của các doanh nghiệp bất động sản, đồng thời bộ ba cổ phiếu VHM, CTG và STB giảm sâu là nguyên nhân chính khiến quỹ ngoại thua lỗ. Tuy vậy, PYN Elite Fund chỉ ra một số vấn đề đã được cải thiện như lãi suất giảm 1% so với đầu năm và các ngân hàng cho dấu hiệu xử lý mạnh tay tài sản thế chấp.

" Việc sửa đổi nghị định 65 đáng mong đợi từ lâu cuối cùng đã được thông qua vào ngày 5/3 cho phép các doanh nghiệp mở rộng kỳ hạn thanh toán trái phiếu và chuyển đổi trái phiếu thành các tài sản khác, có thể làm giảm đáng kể rủi ro vỡ nợ ", báo cáo nêu rõ.

Về vĩ mô, chỉ số PMI trong tháng 2 tăng lên 51,2 kết thúc chuỗi giảm kéo dài 3 tháng kể từ tháng 10/2022. Đây cũng là một dấu hiệu cải thiện về nhu cầu cả trong nước và quốc tế. Các đơn đặt hàng mới, việc làm và sản lượng xuất khẩu đều có sự tăng trưởng trở lại. Cụ thể, 2 tháng đầu năm ghi nhận doanh số bán lẻ tăng 13%, giải ngân vốn đầu tư công tăng 18,3% so với cùng kỳ đối với các dự án đường cao tốc mới. Tình hình lạm phát cơ bản giảm xuống 4,3% trong tháng 2, thấp hơn dự đoán.

Trong bức thư gửi nhà đầu tư của ông Petri Deryng, nhà sáng lập và quản lý PYN Eltie Fund , người đứng đầu quỹ vẫn kỳ vọng vào một số yếu tố sẽ thúc đẩy thị trường khởi sắc hơn trong năm 2023. Dù lạm phát và lãi suất đang tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư toàn cầu, nhưng tại thị trường Việt Nam, những yếu tố tới từ nội tại đóng vai trò quan trọng hơn và ông Petri Deryng tin rằng những động lực này sẽ tạo ra chuyển biến mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán trong vòng 1 năm tới.

Đồng thời, lãi suất sau khi tăng mạnh vào khoảng tháng 12/2022 đã bắt đầu giảm và ông Petri Deryng nhận định xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong năm nay khi các yếu tố gây ra sự bất ổn trên thị trường Việt Nam lắng xuống.

"Thị trường chứng khoán Việt Nam không thể dự đoán trước trong ngắn hạn và nhà đầu tư lúc này cần kiên nhẫn", ông Petri Deryng cho hay.

Dương Ngọc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên