Sau một đêm bỗng liệt mặt, méo miệng vì sai lầm khi ngủ nhiều nhà đang mắc
Trẻ đang vui chơi bình thường sau một đêm hoặc buổi trưa tỉnh dậy có sự khác thường trên khuôn mặt cho mẹ không hiểu lý do. Dưới đây, sẽ là lời giải của chuyên gia.
Nghĩ cháu làm trò hóa ra bị liệt cơ mặt
Bé N.H.V (12 tháng tuổi, ở Tuyên Quang) đang điều trị tại khoa Điều trị Liệt vận động (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vì nhiễm lạnh.
Bà L. (bà ngoại bé V.) cho hay sáng sớm bé V. ngủ dậy vẫn chơi bình thường, má có dấu hiệu hơi sưng. Tới buổi trưa bà L. thấy mắt bé V. bị nhíu sang một bên. Ban đầu bà L. nghĩ cháu mới tập đi nên làm trò.
Khi bà L. quan sát thấy cháu cười thì mặt cháu kéo lệch về một bên. Thấy cháu có sự khác thường nên bà L đã gọi điện cho bố mẹ bé V. về để đưa bé đi khám.
Bé V. 12 tháng tuổi bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh.
Theo bà L. vào buổi tối hôm bé V. bị méo miệng, mắt không kín gia đình cho cho bé nằm điều hòa và dùng quạt.
Tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương bé V. được chẩn đoán bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh.
Th.BS Dương Văn Tâm, Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận trẻ bị dây thần kinh số 7 là do bị nhiễm phong hàn (gió lạnh).
Bệnh có thể gặp phải ở tất cả các thời điểm trong năm nhưng thường gặp nhiều khi trời chuyển lạnh đột ngột, thời tiết đại hàn. Có những trường hợp do nằm điều hòa lạnh, quạt thổi vào người, tắm muộn về đêm.
Bác sĩ Tâm khuyến cáo: "Thời tiết đang giao mùa việc sử dụng quạt mát, điều hòa không đúng cách hoặc nằm trong phòng không kín có gió lạnh thổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh".
Khi đó phong hàn xâm nhập vào các kinh dương ở mặt gây ách tắc kinh khí (không lưu thông) dẫn tới bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên.
"Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh thường rất đột ngột liệt mặt, mặt méo sang bên đối diện, ăn uống bị rơi vãi, thức ăn bị đọng bên má, một bên mắt bị tổn thương và khi nhắm mắt không kín", bác sĩ Tâm nói.
Một số trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên còn có dấu hiệu bị đau nửa đầu.
Để chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của bệnh phải dựa vào kết quả điện cơ mặt, thăm dò sự dẫn truyền dây thần kinh.
"Bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh được điều trị bằng cách khu phong tán hàn thông kinh, hoạt lạc, châm xuyên huyệt kinh dương ở mặt. Tiếp đến bệnh nhân sẽ được điện châm, thủy châm, xoa bóp, bấm huyệt, chiếu đền ôn ấm huyệt vị vùng mặt", bác sĩ Tâm cho biết.
Phòng bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do lạnh bằng cách giữ ấm cơ thể. Khi trời lạnh không mặc phong phanh, tắm nước lạnh hoặc tắm quá muộn.
Nếu dùng điều hòa không nên để nhiệt độ quá thấp, không để gió điều hòa phả thẳng vào mặt. Vào gần sáng nên tắt điều hòa để tránh bị nhiễm lạnh.
Thời tiết chuyển lạnh khi ngủ nên đóng kín cửa để tránh gió lùa vào phòng.
Thần kinh yếu dễ bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên
BSCKI Nguyễn Mạnh Toàn, Phó Trưởng khoa Điều trị Liệt vận động (Bệnh viện Châm cứu Trung ương) cho biết liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên không liên quan gì tới vấn đề thần kinh yếu.
Nguyên nhân của liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên thường do bệnh nhân bị nhiễm lạnh, sang chấn (chấn thương), viêm nhiễm do vi rút.
Việc điều trị bệnh sẽ phụ thuộc tác nhân gây bệnh bác sĩ đưa ra phác đồ khác nhau. Cách điều trị liệt dây thần kinh số 7 do lạnh sẽ khác so với bị viêm nhiễm do vi rút.
Nếu nguyên nhân do lạnh sẽ kết hợp ôn châm (châm và cứu). Còn chấn thương bị huyết ứ dùng điện châm để khí huyết lưu thông.
Trí thức trẻ