MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau một năm lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận giảm 67% trong năm 2023

Sau một năm lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận giảm 67% trong năm 2023

Việc lên kế hoạch thấp đã trở thành thói quen với Đạm Cà Mau và doanh nghiệp này cũng đã không ít lần điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kinh doanh vào phút chót.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) vừa công bố nghị quyết HĐQT về chỉ tiêu sản xuất kinh doanh cho năm tài chính 2023.

Theo kế hoạch, DCM dự kiến sản xuất 882 nghìn tấn Đạm Cà Mau (Urê quy đổi) và 160 nghìn tấn NPK. Sản lượng kinh doanh bao gồm 760 nghìn tấn Đạm Cà Mau (Urê); 100 nghìn tấn sản phẩm từ gốc Urê; 160 nghìn tấn NPK và 211 nghìn tấn phân bón tự doanh.

Tương ứng, DCM lên kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2023 với chỉ tiêu tổng doanh thu đạt 13.458,5 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1.460,5 tỷ đồng và 1.383,1 tỷ đồng. Đối với công ty mẹ, DCM đặt mục tiêu đạt 13.455,5 tỷ đồng doanh thu; 1.458,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 1.381,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Cổ tức dự kiến 16%.

Sau một năm lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận giảm 67% trong năm 2023 - Ảnh 1.

Đáng chú ý, các chỉ tiêu kinh doanh của DCM đều thấp hơn nhiều so với kết quả đạt được năm 2022 vừa qua. Dù lợi nhuận đã có dấu hiệu đạt đỉnh vào quý 1/2022 và đi xuống sau đó nhưng không thể phủ nhận 2022 vẫn là một năm bội thu với các doanh nghiệp phân bón nói chung và DCM nói riêng, nhờ giá bán cao và xuất khẩu khởi sắc.

Tính chung cả năm 2022, DCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 15.924 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 4.281 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần cùng kỳ. Con số này thậm chí còn lớn hơn tổng lợi nhuận của cả 5 năm liền kề trước đó cộng lại. Như vậy, chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2023 của DCM chỉ bằng 1/3 kết quả đạt được năm ngoái .

Sau một năm lãi kỷ lục, Đạm Cà Mau (DCM) lên kế hoạch lợi nhuận giảm 67% trong năm 2023 - Ảnh 2.

Thực tế, việc lên kế hoạch kinh doanh thấp đã trở thành thói quen với DCM. Mục tiêu thận trọng giúp đảm bảo khả năng về đích cho doanh nghiệp này. Trong trường hợp vượt xa kế hoạch, DCM không ngần ngại điều chỉnh tăng các chỉ tiêu kinh doanh vào phút chót như 2 năm gần đây.

Trên thị trường, cổ phiếu DCM đang có xu hướng trôi dần về vùng đáy. Kết phiên 7/2, thị giá cổ phiếu này dừng ở mức 26.000 đồng/cp, giảm 43% so với đỉnh đạt được vào cuối tháng 3/2022. Giá trị vốn hóa tương ứng 13.800 tỷ đồng, “bốc hơi” 10.400 tỷ sau chưa đầy một năm.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên