Sau nhiều đồn đoán, Nutifood chính thức xuất hiện tại cuộc đua thâu tóm Vinasoy
Với cơ cấu cổ đông phân mảnh, từ lâu Đường Quảng Ngãi đã được nhiều tổ chức đầu tư, tập đoàn hàng tiêu dùng đưa vào tầm ngắm M&A.
Với vốn hóa thị trường gần 16.000 tỷ đòng cùng lợi nhuận sau ổn định hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm, CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) hiện là doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nhất đang không nằm dưới sự kiểm soát của nhóm cổ đông nào.
Cơ cấu cổ đông của QNS khá phân mảnh với ban lãnh đạo cấp cao nắm giữ gần 18%. Thành Phát đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 15,6%. Do là công ty con của QNS nên bản chất quyền biểu quyết của công ty này vẫn do ban lãnh đạo hiện hành của công ty quyết đinh.
Nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ gần 18%, trong đó nhóm VinaCapital sở hữu 7%.
Với vị thế đầu ngành (chiếm hơn 80% thị phần sữa đậu nành đóng hộp với thương hiệu Vinasoy, Fami đồng thời có nguồn thu lớn từ đường, bia...) lại có cơ cấu cổ đông phân mảnh nên từ lâu QNS được nhiều tổ chức đầu tư, tập đoàn hàng tiêu dùng đưa vào tầm ngắm M&A, trong đó có Nutifood.
Đến ngày 2/8, nhóm Nutifood chính thức lộ diện khi Nutifood Bình Dương công bố mua thêm 2 triệu cổ phiếu, qua đó cùng Nutifood sở hữu tổng cộng 19 triệu cổ phiếu, trở thành nhóm cổ đông lớn sở hữu 5,33% cổ phần của QNS.
Dù tỷ lệ sở hữu vẫn còn khá thấp nhưng có thể thấy đây là một tín hiệu có thấy Nutifood muốn có những bước đi mới tại QNS. Cách đây một năm, một công ty chứng khoán lớn với nhiều khoản đầu tư lớn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng cũng cho biết đang nắm giữ khoảng 4% cổ phần QNS. Điều này cho thấy nhiều tổ chức lớn vẫn đang âm thầm chạy đua để có được một tiếng nói đáng kể tại cuộc đua gia tăng sở hữu tại đây.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của QNS xuất hiện một động thái đáng chú ý là một chuyên gia M&A của Chứng khoán Rồng Việt (VDS) - ông Nguyễn Văn Đông đã tham gia vào HĐQT của QNS. Ông Đông nhận ủy quyền cho 1 nhóm cổ đông nắm giữ 29,35 triệu cổ phiếu, tương đương 8,2% vốn điều lệ. Chứng khoán Rồng Việt cũng nắm giữ 3 triệu cổ phiếu QNS tại thời điểm 30/6/2021. Nên biết, VDS là đơn vị tư vấn cho CTCP Cà phê Phước An (MCK: CPA) – thành viên của Nutifood.
Về phần Nutifood, không khó để lý giải nếu như đơn vị này thực sự muốn nhanh chân thâu tóm QNS, cụ thể là Vinasoy. Liên tục phải chịu sức ép cạnh tranh từ “ông lớn” Vinamilk trong việc trực tiếp giành thị phần ở phân khúc cao cấp khi mức sống người dân tăng lên, thay vì cạnh tranh trực tiếp, thâu tóm Đường Quảng Ngãi được cho là phương án tối ưu, là mảnh ghép lý tưởng cho mục tiêu mở rộng thị phần và đa dạng sản phẩm của Nutifood.
QNS sở hữu sản phẩm khá đa dạng từ đường, sữa đậu nành (Fami, Vinasoy), bia (Dung Quất), nước khoáng (Thạch Bích) cho đến bánh kẹo (Bisca Fun). Mảng kinh doanh nổi bật và vẫn duy trì được sức nặng cho đến bây giờ chính là sữa đậu nành.
Tiền thân là nhà máy sữa Trường Xuân, Công ty sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy thuộc Đường Quảng Ngãi chính thức đi vào hoạt động vào năm 2005 và nhanh chóng trở thành "gà đẻ trứng vàng" của doanh nghiệp này. Tới năm 2010, Vinasoy đã vươn lên vị thế dẫn đầu, trở thành ông hoàng trên thị trường sữa đậu nành Việt với hơn 80% thị phần.
Về kết quả kinh doanh, nhiều năm qua, doanh thu của sữa đậu nành vẫn đóng vai trò trụ cột cho Đường Quảng Ngãi. Năm 2021, doanh thu từ sữa đậu nành đạt 4.090 tỷ đồng, tăng 5,6% so với năm trước đó và đóng góp khoảng 55,5% tổng doanh thu của QNS.
Quý 2/2022, mảng sữa đậu nành chiếm 60% doanh thu QNS, ghi nhận mức tăng 230 tỷ đồng, lãi ròng đạt 265 tỷ đồng.
Nhịp sống kinh tế