MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau những cuộc đụng độ chết người, Trung - Ấn đạt tuyên bố chung về tranh chấp biên giới, kêu gọi rút quân

11-09-2020 - 11:11 AM | Tài chính quốc tế

Ấn Độ và Trung Quốc vừa đưa ra một tuyên bố chung về tranh chấp biên giới đang diễn ra trên dãy Himalaya, kêu gọi đối thoại và kiềm chế để giảm bớt căng thẳng giữa 2 cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố chung được đưa ra khi ngoại trưởng của 2 nước gặp nhau bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Moscow, Nga hôm 10/9. Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, các cuộc thảo luận "thẳng thắn" và "mang tính xây dựng" giữa Bộ trưởng Ngoại giao Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã đạt kết quả.

"Hai ngoại trưởng nhất trí rằng tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không có lợi cho bên nào. Do đó, họ đồng quan điểm về việc biên phòng 2 nước nên tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và xoa dịu căng thẳng", tuyên bố cho biết. Nó cũng nhấn mạnh thêm rằng 2 nước nhất trí tuân thủ các thỏa thuận và giao thức hiện có về các vấn đề biên giới Trung - Ấn và tránh những hành động có thể leo thang căng thẳng.

Ngoài ra, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều nhất trí đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế đặc biệt mà hai nước đã đề ra nhằm tránh leo thang căng thẳng ở biên giới.

Quân đội Mỹ và Trung Quốc liên tiếp tục độ ở biên giới trong tháng 5 đến nay. Riêng trong tháng 6, một vụ đối đầu nghiêm trọng xảy ra làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc không tiết lộ số thương vong của mình trong cuộc đụng độ này. Hồi đầu tuần, New Delhi và Bắc Kinh đã cáo buộc nhau nổ súng chỉ thiên trong cuộc đối đầu mới ở khu vực tranh chấp. Đây là khu vực mà quân đội 2 nước bố trí các doanh trại gần nhau.

Theo thỏa thuận được duy trì suốt nhiều thập kỷ qua, 2 nước cam kết không nổ súng ở khu vực tranh chấp. Chính vì vậy, việc bắn chỉ thiên hồi đầu tuần cho thấy mức độ leo thang nghiêm trọng trong cuộc đụng độ giữa 2 quốc gia.

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group dự đoán 60% khả năng các cuộc giao tranh sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, chúng sẽ nổ ra định kỳ và gây thương vong một cách hạn chế. Các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở nhiều cấp độ đã không thành công trong việc ngăn chặn đụng độ nổ ra. Không bên nào sẵn sàng nhường một cm lãnh thổ cho bên kia khiến mọi thứ luôn căng thẳng.

Về mặt chính trị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không thể rút lui khi ông đã bị chỉ trích vì không thừa nhận sự xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc. Các nhà phân tích cũng nói thêm rằng, bất cứ việc để mất phần lãnh thổ nào nữa về tay Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Modi trong việc bảo vệ đất nước Ấn Độ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì tuyên bố không lùi bước. Các dấu hiệu này chỉ ra rằng căng thẳng biên giới Trung - Ấn sẽ vẫn còn nóng và bế tắc trong một thời gian dài. Tồi tệ hơn, 2 quốc gia có thể đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài.

Tuy nhiên, những điều này cũng không có nghĩa là các hoạt động ngoại giao sẽ ngừng lại. Các cuộc đàm phán cấp tư lệnh và các cuộc gặp ngoại giao vẫn sẽ tiếp tục.

Dẫu vậy, Eurasia Group chỉ tin rằng có 25% cơ hội để đàm phán ngoại giao giúp hạ nhiệt căng thẳng. Trong khi đó, xác suất của một cuộc xung đột quân sự nghiêm trọng hơn ở biên giới là 15%.

Linh Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên