Sau những ngày đen tối vì Covid-19, Grab nói sắp đạt doanh thu như trước khi có dịch
Mảng giao đồ ăn được cho là "phao cứu sinh" của Grab.
- 15-10-2020Masayoshi Son ép Grab ‘ngừng chiến với Gojek’, nhiều khả năng 2 kỳ lân giá trị nhất khu vực sắp thành 1
- 24-09-2020Vì sao Alibaba quyết định đổ 3 tỉ USD vào Grab?
- 18-04-2020CEO Grab: 'Chúng tôi có đủ tiền để sống dù suy thoái có kéo dài tới 3 năm'
Ứng dụng gọi xe Grab vừa nói rằng doanh thu cả tập đoàn trong quý 3 đã tăng lên mức bằng trên 95% so với con số hồi trước dịch mặc cho những biện pháp phong tỏa vẫn diễn ra ở nhiều thành phố Đông Nam Á.
Trong một bài đăng vào ngày 22/10, một vị lãnh đạo cấp cao của hãng nói rằng hoạt động giao đồ ăn của Grab đóng góp phần lớn trong cú hồi phục ngoạn mục này. "Mảng giao đồ ăn của chúng tôi hiện tạo ra hơn 50% doanh thu toàn tập đoàn, nó phản ánh nhu cầu người dùng tăng cao với dịch vụ giao đồ ăn trong bối cảnh người dân phải thích nghi với bình thường mới", Chủ tịch Grab Ming Maa phát biểu.
Với thực tế đó, ông nói rằng Grab sẽ tiên phong mở rộng các dịch vụ tài chính và buôn bán từ nay cho tới hết năm 2020 và xa hơn nữa.
Grab hiện được định giá hơn 15 tỷ USD sau vòng gọi vốn mới nhất trị giá 200 triệu USD vào tháng trước từ một công ty quỹ tư nhân Hàn Quốc là Stic Investment.
Tháng 5 năm nay, Grab nói rằng doanh thu tổng của họ đã giảm mạnh bởi mảng kinh doanh gọi xe chịu thiệt hại nặng nề vì sự lây lan của dịch Covid-19. Đồng sáng lập Grab Hooi Ling Tan chia sẻ rằng công ty đang có kế hoạch "cho một mùa đông dài" ở phía trước khi người tiêu dùng đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu.
Tháng 6, công ty đã phải sa thải 360 nhân viên, tức là gần 5% tổng lực lượng lao động sau khi cân nhắc chi tiêu và áp dụng các biện pháp cắt giảm lương của các quản lý cấp cao.
Trong một diễn biến khác, thời gian gần đây báo chí rộ lên tin đồn rằng nhà đầu tư lớn nhất vào Grab là Softbank đang buộc công ty này phải "ngừng chiến" với đối thủ Gojek và đàm phán về việc sáp nhập.
2 startup giá trị nhất Đông Nam Á được cho là vừa thực hiện một cuộc đàm phán qua ứng dụng Zoom sau nhiều tháng ngừng thảo luận về khả năng sáp nhập. Một điểm quan trọng vẫn còn tồn tại là liệu 2 công ty sẽ sáp nhập tất cả hoạt động hay Grab sẽ chỉ mua lại mảng kinh doanh của Gojek tại Indonesia mà thôi.
Anthonny Tan, CEO Grab thì dường như thích phương án thứ 2 hơn bởi như vậy ông sẽ có quyền kiểm soát lớn hơn sau khi thỏa thuận diễn ra và ông sẽ có thể điều hành hoạt động kinh doanh tại Indonesia như một chi nhánh của Grab. Ngoài ra, vị CEO 38 tuổi cũng sẽ đối mặt với ít khả năng bị pha loãng số cổ phần tại Grab hơn.
Grab và Gojek suốt nhiều năm qua bị mắc kẹt trong một trận chiến quá đắt đỏ và khốc liệt để thống trị thị trường. Vì vậy việc kết hợp 2 công ty sẽ làm giảm việc đốt tiền và tạo ra một trong những công ty internet quyền lực nhất trong khu vực.
Một startup Đông Nam Á khác cũng đang cho thấy sự hồi phục mạnh mẽ sau dịch là Traveloka. Trò chuyện tại một hội nghị đầu năm nay, chủ tịch công ty Henry Hendrawan xác nhận rằng họ đang gần đạt mục tiêu hòa vốn vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021 sẽ có thể có lãi.
Tổ Quốc