Sầu riêng Đắk Lắk: Nhiều thắng lợi, lắm lo âu
Chính vụ sầu riêng 2023 ở tỉnh Đắk Lắk đã kết thúc với thành công chưa từng có về sản lượng, giá trị ước đạt trên 15.000 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần kỳ vọng và giúp tỉnh có thêm hàng nghìn nông dân tỷ phú.
- 05-11-2023Vì sao giá sầu riêng tăng vọt, lên tới hơn 120.000 đồng/kg?
- 05-11-2023Sầu riêng lại lên cơn sốt giá, doanh nghiệp có lúc không mua được trái nào
- 04-11-2023Giá sầu riêng cao ngất ngưởng, nhà vườn thu tiền tỷ
Thế nhưng, đây lại là niên vụ buồn đối với những doanh nghiệp thu mua xuất khẩu, khi phần lớn bị thua lỗ hoặc hiệu quả kinh doanh kém xa mong đợi, và điều này càng làm lộ rõ những nỗi lo ở ngành hàng đầy triển vọng. Phóng viên VOV thường trú khu vực Tây Nguyên, đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk về vấn đề này, cùng các biện pháp khắc phục của tỉnh.
PV: Thưa ông Vũ Đức Côn, PGĐ Sở NN-PTNT, Chủ Tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, đến nay Đắk Lắk đã cơ bản kết thúc vụ sầu riêng 2023, ông có thể cho biết điểm nhấn thành công của niên vụ này là gì?
Ông Vũ Đức Côn: Điểm nhấn thứ nhất là diện tích được thu hoạch tăng 3.000 ha. Giá cả cũng tăng khá nhiều và sản lượng đã vượt 200.000 tấn. Thứ hai là nông dân trồng sầu riêng có thu hoạch thì thắng lợi rất lớn.
PV: Còn về quản lý ngành hàng, cấp quản lý mã số vùng trồng, thì năm nay có bước tiến như thế nào so với thời gian trước, thưa ông?
Ông Vũ Đức Côn: Việc cấp quản lý mã số vùng trồng thì còn có việc phải bàn, nhưng có bước tiến vượt bậc đó là việc cấp mã số vùng trồng đã được phân cấp xuống cho các huyện. Việc này sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ và góp phần làm cho công tác quản lý tốt hơn.
PV: Như ông nói, năm nay nông dân thắng lợi không thể tưởng tượng được, nhưng ngược lại, các doanh nghiệp thì lại gặp nhiều khó khan. Vậy điều đó là do đâu?
Ông Vũ Đức Côn: Có lẽ do giá cả tăng thì điều đầu tiên dẫn tới là cạnh tranh thiếu lành mạnh, tranh mua, tranh bán… Rồi vì cố gắng chiếm giữ vùng nguyên liệu nên nhiều doanh nghiệp đã đẩy giá lên cao. Thứ hai là nhiều người đổ xô vào làm kinh doanh xuất nhập khẩu chưa nắm vững được thông tin cũng như bị hạn chế một số về kiến thức.
PV: Vậy, trong đan xen giữa thuận lợi và khó khăn như vậy, thì trong năm đầu hoạt động, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã có tác động nào tới ngành hàng?
Ông Vũ Đức Côn: Hiệp hội mới ra đời từ tháng 3/2023 đến giờ, thì ngay sau đó đã bắt tay vào làm được một số việc và có tác động đáng kể tới ngành hàng. Chúng tôiđã tổ chức được hội nghị giao lưu tiếp xúc giữa doanh nghiệp thu mua chế biến với người trồng; kèm theo đó là bên cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn. Đồng thời, chúng tôi đã cung cấp rất nhiều thông tin tổng quan về ngành hang, đưa ra những nhận định về xu hướng, thuận lợi, khó khăn đối với ngành hàng sầu riêng của Đắk Lắk.
PV: Ông có thể dự báo gì về nên vụ sầu riêng Đắk Lắk 2024? Một số doanh nghiệp cho rằng, chẳng mấy chốc mà sản lượng sầu riêng của Đắk Lắk sẽ đạt đến nửa triệu tấn, và chỉ kéo dài trong hơn 2 tháng, thì Đắk Lắk sẽ xoay sở như thế nào thưa ông?
Ông Vũ Đức Côn: Có lẽ Đắk Lắk đúng là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các tỉnh tham gia ngành hàng này. Tuy nhiên tăng trưởng của Đắk Lắk cũng chưa tác động nhiều đến chuyện tăng trưởng của cả nước nói riêng và các nước tham gia ngành hàng sầu riêng nói chung. Và rõ ràng nó cũng có ảnh hưởng nhưng tôi cho rằng chưa ảnh hưởng nhiều vì nhu cầu ở phía Trung Quốc vẫn còn còn lớn. Ngoài ra, chúng ta cũng tiến tới phát triển các thị trường mới.
PV: Về năng lực tổ chức ngành hàng, đặc biệt là hạ tầng logistics của Đắk Lắk, liệu có thích ứng được sản lượng đang tăng nhanh hay không?
Ông Vũ Đức Côn: Đúng, đấy mới là cái đáng lo ngại nhất. Sầu riêng của Đắk Lắk mới phát triển năm sáu năm gần đây. Các liên kết giữa những người trồng với nhau cũng chưa chặt chẽ, và giữa người trồng với những doanh nghiệp thu mua chế biến cũng chưa chặt chẽ. Mặt khác thì các cơ sở chế biến của chúng ta vẫn chưa phát triển.
Cách đây khoảng 2 năm thì tỉnh đã nhìn thấy vấn đề. Ngành hàng sầu riêng là ngành hàng rất quan trọng với tỉnh. Tỉnh ủy, Ủy ban, đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng một đề án phát triển. Điểm nhấn của chương trình này, thứ nhất là phải xem xét cả quy trình sản xuất, bao gồm từ giống đến đến mối liên kết, đến đẩy mạnh chế biến xuất khẩu và nữa là phát huy tốt vai trò của hiệp hội và cơ quan chuyên môn, bắt đầu bằng việc khuyến cáo vận động. Sau này thì phải kiến nghị ình thành tiêu chuẩn ngành hàng để quản lý căn cơ, chặt chẽ hơn.
PV: Xin cảm ơn ông.
VOV