MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sầu riêng được Trung Quốc cấp phép, xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ

23-07-2022 - 15:10 PM | Thị trường

Vẫn còn nhiều việc phải làm để sầu riêng có thể thu về "tỉ đô" từ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cũng là bài học cho nhiều mặt hàng khác.

Sầu riêng được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là tin vui lớn sau quá trình đàm phán kéo dài trong 4 năm của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thế nhưng, quy trình xuất khẩu chính ngạch kèm nhiều điều kiện chặt chẽ để kiểm soát cả chuỗi sản xuất, đóng gói, xuất khẩu cũng như bảo đảm truy xuất nguồn gốc đang là thách thức lớn với ngành nông nghiệp và cả doanh nghiệp (DN) xuất khẩu.

Còn nhiều việc phải làm

Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tổ chức trực tuyến ngày 22-7, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, lưu ý Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mới là cơ sở pháp lý ban đầu, từ giờ đến khi có lô hàng chính thức được xuất khẩu vẫn còn nhiều việc liên quan phải triển khai.

 Sầu riêng được Trung Quốc cấp phép, xuất khẩu chính ngạch vẫn không dễ  - Ảnh 1.

Sầu riêng có cơ hội thu được 1 tỉ USD từ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc


Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, thông tin sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc phải xuất phát từ vùng trồng và cơ sở đóng gói được cơ quan chức năng Việt Nam cấp mã số. Danh sách các cơ sở này hiện vẫn đang chờ hải quan Trung Quốc phê duyệt dựa trên hồ sơ cơ quan chức năng Việt Nam cung cấp, cũng có thể phải qua kiểm tra trực tuyến.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến nay Việt Nam có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Điều đó có nghĩa không phải sầu riêng Việt Nam nào cũng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Các vùng có mã số vùng trồng phải có nhiều tiêu chí như: ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch, các biện pháp theo dõi, xử lý các đối tượng sinh vật gây hại mà Trung Quốc yêu cầu gồm: 3 loài rệp, 2 loài nấm và 1 loài ruồi. Về vấn đề sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ngoài tuân thủ quy định của Việt Nam, các nhà vườn cũng phải thực hiện các yêu cầu của phía Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, giám đốc một HTX trồng sầu riêng tại Bình Phước cho biết HTX đang nộp hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng. Tuy nhiên, với điều kiện mỗi mã vùng trồng diện tích tối thiểu phải đạt 10 ha, canh tác theo cùng quy trình nên một số vườn của nông dân liên kết không thể đăng ký được. "Như vậy, vùng nguyên liệu của chúng tôi không đủ lớn để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và phải tìm thị trường khác tiêu thụ cho các hộ nông dân liên kết" - giám đốc HTX này bày tỏ.

Không đơn giản như xuất khẩu tiểu ngạch

Ông Đặng Phúc Nguyên nhận định Trung Quốc là thị trường lớn nhất thế giới về tiêu thụ sầu riêng với kim ngạch nhập khẩu năm 2021 khoảng 4 tỉ USD. Trong đó, 90% nhập chính ngạch từ Thái Lan, còn sầu riêng Việt Nam trước giờ xuất khẩu tiểu ngạch với nhiều rủi ro. Do đó, sầu riêng là loại quả có tiềm năng xuất khẩu lên đến 1 tỉ USD/năm, vượt cả quả thanh long. Tuy nhiên, Nghị định thư nêu rõ trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành kiểm tra, kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỉ lệ lấy mẫu sẽ giảm còn 1%. Trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật (côn trùng, nấm, vi khuẩn...) còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy, việc Trung Quốc mở cửa cho trái sầu riêng Việt Nam không phải là vĩnh viễn mà có điều kiện. "Trước đó, nhiều mặt hàng đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc như: thanh long, xoài, vải, chuối, mít… vẫn có tình trạng phải giải cứu vì nhiều lý do. Trung Quốc hiện nay yêu cầu canh tác cũng phải thực hành tốt trong sản xuất nông nghiệp (VietGAP) nên nông dân phải chuyển đổi. Ngoài ra, còn lưu ý nhu cầu thị trường, yếu tố mùa vụ" - ông Nguyên khuyến cáo.

Ông Nông Đức Lai lưu ý DN phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Khi xuất khẩu sang Trung Quốc cần có bộ phận chuyên trách, am hiểu thị trường và đặc biệt về ngôn ngữ, thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo các DN, việc mở rộng danh sách các mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc giúp giảm rủi ro cho ngành nông nghiệp khi phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch, cũng như điều kiện để xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, nâng cao giá trị nông sản Việt.

Ngoài ra, khi sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch, DN có thể xuất khẩu bằng đường biển, giúp giảm chi phí vận chuyển. Ngược lại, nông dân phải tuân thủ quy trình canh tác, thu hoạch vì khi xuất khẩu chính ngạch, nhà xuất khẩu phải chịu trách nhiệm về sản phẩm ngay cả sau khi xuất khẩu, không đơn giản là bán hàng, thu tiền như xuất khẩu tiểu ngạch.

Trước đó, một số vùng trồng và cơ sở đóng gói trái cây của Việt Nam cũng đã bị Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu khi phát hiện có vi phạm. Để được xuất khẩu trở lại, các DN và các cơ quan chức năng Việt Nam phải mất khá nhiều thời gian để khắc phục lỗi.

Áp lực cạnh tranh rất lớn

Các DN cho biết Trung Quốc hiện nay là thị trường tốp đầu về khắt khe trong tiêu chuẩn nhập khẩu. Khi bán được sang Trung Quốc, trái cây Việt Nam không chỉ cạnh tranh gay gắt với hàng nhiệt đới từ Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia... mà còn phải cạnh tranh với trái cây nội địa của Trung Quốc khi nước này mở rộng trồng: thanh long, chuối, vải, sầu riêng... nhờ ứng dụng công nghệ cao.

Theo Vương Ngọc

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên