MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sầu riêng Việt: 'Lột xác' chinh phục thị trường tỷ dân

01-08-2022 - 06:29 AM | Thị trường

Việc Trung Quốc vừa chính thức ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng là cơ hội lớn đối với “vua trái cây” Việt. Tuy nhiên, trước hàng loạt yêu cầu khắt khe, sầu riêng Việt phải thực sự “lột xác” mới có thể chinh phục được thị trường này.

“Vừa mừng, vừa lo”

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) thông báo nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu và nông dân trồng sầu riêng của Việt Nam đều thấy vui sướng.

Ông Lê Anh Trung, Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu, Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (đơn vị xuất khẩu sầu riêng nhiều năm sang các thị trường lớn như Mỹ, Úc) cho biết: Thông tin Trung Quốc ký nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch được các DN xuất khẩu nông sản mong đợi nhất, bởi đây là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất trên thế giới hiện nay. Xuất khẩu chính ngạch sẽ giúp DN Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn, đồng thời giảm chi phí trên mỗi container, giúp DN và nông dân thu được lợi nhuận cao hơn từ loại quả đặc sản này.

 Sầu riêng Việt: Lột xác chinh phục thị trường tỷ dân  - Ảnh 1.

Việc chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho sầu riêng Việt

Theo ông Trung, DN đang gấp rút liên kết với các hộ dân, hợp tác xã để triển khai mã số vùng trồng. Đến nay, công ty đã thiết lập được 33 mã số vùng trồng cho hơn 1.000 ha gửi sang Trung Quốc. Năm nay, công ty tiếp tục liên kết với 20 hợp tác xã (với diện tích 3.000 ha sầu riêng) tại Đắk Lắk. Từ nay đến hết năm, công ty sẽ thiết lập thêm 5.000 ha, để chuẩn bị bước ra sân chơi lớn.

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Xuân Lộc, Đồng Nai) chia sẻ, thông tin sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch đang được nông dân và hợp tác xã trên địa bàn đón nhận tích cực. Trước đây, sầu riêng xuất sang Trung Quốc phải đi đường tiểu ngạch nên người bán từ phía Việt Nam sẽ nhận phần thiệt nhiều hơn.

"Cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ đầy đủ, nghiêm ngặt các quy định, chuẩn mực từ thị trường đối tác. Bởi người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, về kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ người nông dân, cộng đồng DN và các cơ quan chức năng ở địa phương và Trung ương cần tránh tâm lý nóng vội, chủ quan".

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan

“Dù sầu riêng hợp tác xã trồng theo tiêu chuẩn Vietgap, GlobalGAP, nhưng gần 2 năm qua, Trung Quốc siết chặt quy định về nhập khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến giá sầu riêng. Tình cảnh xe hàng chở đến biên giới phải quay đầu diễn ra như cơm bữa. Tới đây, sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch, bà con trồng sầu riêng sẽ đỡ vất vả hơn", bà Nga chia sẻ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, với sản lượng 1,3 triệu tấn sầu riêng mỗi năm, việc hai bên ký nghị định thư để xuất sầu riêng chính ngạch mở ra cơ hội rất lớn cho sầu riêng Việt chinh phục thị trường 1,3 tỷ dân. Tuy nhiên, các DN cần đáp ứng được “hàng tá” yêu cầu, điều kiện mà phía bạn đưa ra.

 Sầu riêng Việt: Lột xác chinh phục thị trường tỷ dân  - Ảnh 3.

Sầu riêng được đóng bao chuẩn bị xuất khẩu


Chẳng hạn, để có mã số vùng trồng, nông dân phải ghi chép nhật ký gieo trồng, thu hoạch; ghi chép các biện pháp theo dõi, xử lý sinh vật gây hại mà phía Trung Quốc quan tâm. Đến nay, chúng ta có 123 mã số vùng trồng và 57 cơ sở đóng gói sầu riêng đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu sang Trung Quốc. Các đơn vị sẽ phải đợi phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách, chỉ DN nào được duyệt, mới xuất khẩu; vùng nguyên liệu nào đạt tiêu chuẩn, mới được cấp mã số vùng trồng.

Cần xây dựng thương hiệu bài bản

Theo các chuyên gia, DN, để sầu riêng Việt có thể cạnh tranh được tại thị trường Trung Quốc người dân và DN phải thay đổi đột phá từ các vấn đề về vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng… Bên cạnh đó, chúng ta phải xây dựng được thương hiệu bài bản, chuyên nghiệp... Năm ngoái, trong khi Thái Lan xuất khẩu hơn 870.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc, mang về doanh thu ít nhất 4,1 tỷ USD, sầu riêng Việt vẫn loanh quanh ở khu vực vùng biên và các cửa khẩu.

Bà Ngô Thị Tường Vy, Phó Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho rằng, khó khăn nhất đối với DN xuất khẩu nông sản hiện nay là vấn đề bảo hộ thương hiệu. Từ trước tới nay, các giống sầu riêng của Việt Nam và Thái Lan gần như nhau. Ví dụ, Thái Lan có giống sầu riêng Monthong, người Trung Quốc rất chuộng nhưng khi chúng ta xuất khẩu sang đó phải gọi là giống Dona (ít nổi tiếng hơn). Trong khi với thị trường Mỹ, họ lại thích sầu riêng Ri6.

Theo bà Vy, ở thị trường Trung Quốc, sầu riêng Thái Lan và Malaysia đã có chỗ đứng khá vững chắc. Do đó, để sầu riêng Việt cạnh tranh được ở thị trường Trung Quốc, chúng ta sẽ phải xây dựng thương hiệu quốc gia cho trái sầu riêng với uy tín và chất lượng cao.

Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, việc ký nghị định thư mới chỉ là bước đầu, hiện các bước chuẩn bị và triển khai sắp tới để chinh phục thị trường 1,3 tỷ dân mới quan trọng.

Theo ông Hoan, để những “sản phẩm sầu riêng” trở thành “thương phẩm sầu riêng” đến được tay người tiêu dùng Trung Quốc, ngay bây giờ, các địa phương cần phải xây dựng kế hoạch bài bản phát triển ngành hàng sầu riêng. Các đơn vị cần phải tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hoá quy trình xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên