Sau Tết, người Hà Nội “đánh” xe sang về quê đón giúp việc
Sôi động nhưng cũng gian truân nhất sau Tết có lẽ là thị trường lao động giúp việc nhà.
Nhiều gia đình tại Hà Nội đã phải tìm đủ mọi diệu kế để mong người giúp việc trở lại làm việc cho mình sau Tết, hoặc vẫn đỏ mắt đi tìm người giúp việc.
Chưa Rằm tháng Giêng, chưa thể đi làm
Mặc dù các cơ quan, doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau Tết nhưng ở nhiều gia đình Hà Nội, người giúp việc vẫn… “bặt vô âm tín”.
Chị Lan (Minh Khai, Hà Nội) vừa cùng gia đình kết thúc kỳ nghỉ Tết, trở lại làm việc nhưng người giúp việc một lần nữa báo nghỉ. Vậy là bất kể đêm, ngày, chị lại gọi điện đi các nơi… cầu cứu tìm người giúp việc gấp.
Bác giúp việc nhà chị Lan lấy lý do chồng ốm nên đã không quay trở lại. Những ngày này, hai vợ chồng huy động cả ông bà nội, ngoại sang để cùng với 2 vợ chồng trông con. Buổi trưa, chị phải đảo về nhà nấu nướng, cho con ăn.
Ảnh minh họa: Internet
Không riêng gì chị Lan, nhiều gia đình Hà Nội dở khóc dở cười khi Tết đến không chỉ cả 2 vợ chồng phải lao vào tập trung toàn lực để trông con cho giúp việc về quê nghỉ Tết nhưng cũng thấp thỏm chả kém vì lo giúp việc không lên sau Tết.
“Khi về quê ăn Tết, không chỉ quà bánh cho người giúp việc, gia đình còn tặng thêm một tháng lương mong giữ chân họ nhưng tới giờ vẫn chả thấy đâu”- chị Mai, Khâm Thiên, Hà Nội cho hay.
Nhiều lý do được những người giúp việc đưa ra: chán gia đình chủ cũ, muốn tăng lương, ở quê chờ cấy xong, cả năm đi làm ăn xa nên Tết phải hết Rằm tháng Giêng mới là hết Tết…
Không ít gia đình đã xin bằng được địa chỉ quê quán người giúp việc để “đánh” xe ô tô về để vừa thăm gia cảnh vừa đưa họ lên làm việc cho... an tâm.
Được biết tiền công trả cho người giúp việc tại thị trường Hà Nội hiện bình quân ở mức 3,5-4,5 triệu đồng/tháng tùy công việc cụ thể.
Thị trường “nóng bỏng” nhưng không chuyên nghiệp
Mức thu nhập như trên so với công việc đồng áng ở quê thì không phải là thấp.
Chị Linh, Xuân Trường, Nam Định cho hay, hiện nay, một ngày thuê cấy lúa ở quê là 200.000 đồng. Làm giúp việc tuy gò bó nhưng không vất vả bằng việc đi cấy một nắng hai sương, chân lấm tay bùn.
“Tuy nhiên, nếu người nông dân nào mà nhanh nhẹn, họ không chịu đi làm giúp việc cố định tại một gia đình mà lựa chọn các công việc khác như dọn dẹp văn phòng, nhà ở… theo giờ. Mỗi tháng có thể kiếm được ít nhất 7-8 triệu đồng và tiết kiệm cũng được khoảng 5 triệu đồng. Đồng thời có thể chủ động thu xếp về quê khi có việc”- chị Linh- người chuyên dọn dẹp theo giờ tại Hà Nội cho biết.
Nhiều người giúp việc tuy đi làm ở thành phố nhưng mối quan hệ họ mạc, anh em vẫn níu chân. Do vậy, cứ lên được vài tuần, ở quê có một đám hiếu, hỉ, giỗ chạp… họ lại xin gia chủ cho về nhà. Thậm chí, đôi khi lý do là về nhà xem đàn lợn, đàn gà như thế nào!
Người giúp việc cũng đi làm tự phát và hiếm người được đào tạo các kỹ năng cơ bản. Họ sống như thế nào thì khi đi làm việc, họ cũng sẽ thể hiện như vậy và nếu cầu tiến, họ sẽ thay đổi nhanh theo các yêu cầu của gia chủ. Còn nếu tự ái cao, họ bỏ luôn để tìm một gia chủ mới!
Nếu giúp việc nhà hàng xóm được trả cao hơn 500.000 đồng, thì gia chủ cũng nên chuẩn bị tinh thần: hoặc trả ngang bằng hoặc người giúp việc sẽ quày quả ra đi!
Chị Ngần, Giao Thủy, Nam Định thì chia sẻ, lấy đủ quyết tâm, năm ngoái, chị làm giúp việc theo giờ ở Hà Nội. Mới làm quen với công việc được vài ngày, chị bị một bà hàng xóm của gia chủ nói một câu: “nhà có con Ô sin mới à?”. Chị nghe thấy tự ái, bỏ luôn việc và không quay trở lại làm công việc này thêm một lần nào nữa.
Vì lý do như vậy, con cái của nhiều gia đình ở nông thôn cũng không muốn mẹ mình đi làm nghề này dù các bà mẹ còn sức lao động và muốn được đi làm kiếm tiền thay vì quẩn quanh với mấy sào ruộng…
Mặc dù với bất kỳ lý do về sự không chuyên nghiệp nào thì thị trường người giúp việc vẫn luôn sôi động, đầy tiềm năng. Nhưng sau nhiều năm, cung – cầu của thị trường này vẫn chưa thể gặp được nhau. Và không ít gia chủ dù phải thừa nhận “nhịn người giúp việc như nhịn cơm sống” nhưng vẫn đôn đáo, lo lắng đi tìm người làm cho gia đình mình./.