MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sáu tháng chiến sự, hàng tỉ USD hàng hóa Nga vẫn chảy sang Mỹ

26-08-2022 - 15:40 PM | Tài chính quốc tế

Các container vận chuyển hàng xếp chồng lên nhau ở cảng Baltimore - Ảnh: AP

Các container vận chuyển hàng xếp chồng lên nhau ở cảng Baltimore - Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố 'giáng đòn đau và mạnh' vào Nga thông qua các hạn chế thương mại. Tuy nhiên, hàng trăm loại hàng hóa trị giá hơn 1 tỉ USD/tháng đi từ cảng St. Petersburg (Nga) vẫn tiếp tục đổ vào các cảng của Mỹ.

Hãng tin AP phát hiện hơn 3.600 chuyến hàng gỗ, kim loại, cao su và các hàng hóa khác đã từ Nga đến các cảng của Mỹ, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Ông Jim O'Brien, người đứng đầu Văn phòng Điều phối các biện pháp trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, nói với AP: "Khi chúng tôi áp đặt các biện pháp trừng phạt, nó có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là suy nghĩ xem biện pháp trừng phạt nào mang lại tác động lớn nhất, đồng thời cho phép thương mại toàn cầu hoạt động".

Các chuyên gia cho rằng nền kinh tế toàn cầu gắn bó với nhau, đến mức các lệnh trừng phạt phải được giới hạn trong một số phạm vi, để tránh làm tăng giá hàng hóa trong một thị trường vốn đã không ổn định.

Sáu tháng chiến sự, hàng tỉ USD hàng hóa Nga vẫn chảy sang Mỹ - Ảnh 1.

Hình ảnh container ở cảng chụp từ trên cao - Ảnh: AP

Trong khi một số nhà nhập khẩu Mỹ đang tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thay thế ở những nơi khác, nhiều công ty lại nói họ không có thêm sự lựa chọn.

Ví dụ trường hợp nhập khẩu gỗ, những khu rừng bạch dương dày đặc của Nga tạo ra loại gỗ cứng và chắc đến mức hầu hết đồ nội thất bằng gỗ trong lớp học của Mỹ và nhiều loại sàn nhà ở đều được làm từ loại gỗ này.

Container vận chuyển các mặt hàng của Nga như đá dăm, giày tập tạ, thiết bị khai thác tiền điện tử, thậm chí cả gối, đến các cảng của Mỹ hầu như mỗi ngày.

Hãng tin AP phân tích hàng hóa nhập khẩu từ Nga cho thấy một số mặt hàng rõ ràng là hợp pháp và thậm chí được chính quyền Mỹ khuyến khích, như hơn 100 lô hàng phân bón đã đến Mỹ kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

Các sản phẩm bị cấm hiện nay như dầu và khí đốt của Nga tiếp tục đến các cảng của Mỹ rất lâu sau thông báo về các lệnh trừng phạt.

Các công ty năng lượng của Mỹ đang tiếp tục nhập khẩu dầu từ Kazakhstan thông qua các cảng của Nga, mặc dù loại dầu đó đôi khi được trộn với nhiên liệu của Nga.

Nga và Mỹ chưa bao giờ là đối tác thương mại lớn, do đó việc trừng phạt hàng nhập khẩu chỉ là một phần rất nhỏ trong chiến lược trả đũa.

Một số hàng hóa đã được lưu thông giữa hai quốc gia:

Với mặt hàng kim loại, Nga là nước xuất khẩu chính vào Mỹ các mặt hàng như nhôm, thép và titan.

Kể từ tháng 2 đến nay, Hãng tin AP đã tìm thấy hơn 900 lô hàng với hơn 264 triệu tấn kim loại.

Nhôm của Nga được sản xuất trong các bộ phận ô tô và máy bay của Mỹ, lon nước ngọt và dây cáp, thang và giá đỡ năng lượng mặt trời.

Nga là nước xuất khẩu gỗ lớn thứ hai thế giới và có một số nhà máy duy nhất có thể sản xuất ván ép bạch dương Baltic cứng, chắc, làm ván sàn được sử dụng trên khắp nước Mỹ.

Vào ngày 8-3, Mỹ cấm tất cả các hoạt động nhập khẩu dầu, khí đốt và năng lượng của Nga.

Tuy nhiên, cũng trong tuần đó, khoảng 1 triệu thùng dầu thô của Nga đã cập cảng Philadelphia, tới Nhà máy lọc dầu Monroe Energy của Delta Airlines. Trong khi đó, một tàu chở dầu với khoảng 75.000 thùng dầu hắc ín của Nga đã cập cảng thành phố Texas, tới nhà máy lọc dầu của Valero, theo hồ sơ thương mại.

Trong năm 2022, gần 4.000 tấn đạn của Nga cũng đã đến Mỹ, nơi chúng được phân phối cho các cửa hàng súng và đại lý đạn.

Hãng tin AP cũng theo dõi lô hàng uranium hexafluoride phóng xạ trị giá hàng triệu USD từ Công ty cổ phần Tenex thuộc sở hữu nhà nước Nga, tới Công ty Điện lực Westinghouse ở bang South Carolina.

Ngoài ra, chất phóng xạ gửi từ Nga đến Mỹ để khử trùng các vật tư y tế đóng gói được sử dụng trên khắp Bắc Mỹ.

Mặc dù nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm, chẳng hạn hải sản và rượu vodka, đã bị hạn chế, Bộ Tài chính Mỹ tháng 7 đã công bố một tờ thông tin nhắc lại rằng nông sản thương mại giữa Mỹ và Nga vẫn được phép buôn bán.

Theo Gia Minh

Tuổi Trẻ

Trở lên trên