Sau “thanh lọc”, doanh nghiệp sẽ hồi sinh?
Dịch COVID-19 đã tác động và “thanh lọc” cộng đồng doanh nghiệp (DN), khiến DN yếu về dòng tiền, tiềm lực buộc phải ra khỏi cuộc chơi. Bước sang năm 2022, cùng với kỳ vọng phục hồi nền kinh tế, nhiều DN đang sống lại được thành lập mới.
DN hoạt động trở lại tăng hơn 350%
Theo thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT), tháng 1, cả nước có có 19.100 DN quay trở lại hoạt động, tăng 352,8% so với tháng 12/2021 và tăng 194% so với tháng 1/2021.
Ước tính đến cuối năm 2021, Việt Nam có khoảng 850.000 DN đang hoạt động. Tháng đầu năm 2022, tổng số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt 32.100, tăng 93,6% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại tăng mạnh ngay từ đầu năm 2022
“Tình hình đăng ký DN trong tháng 1/2022 nhiều khởi sắc khi số DN thành lập mới tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Số DN quay trở lại hoạt động tăng khá cao ở tất cả các lĩnh vực hoạt động. Đây là tín hiệu khả quan cho phát triển doanh nghiệp trong năm 2022”, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.
Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ngoài tác động tiêu cực, đại dịch COVID-19 góp phần giúp Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, để có thể trở thành hạt nhân mới trong chuỗi. Đón xu hướng này, DN phải chuẩn bị sẵn sàng để làm người thay thế, qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do, tiếp cận thị trường tiềm năng hơn. “Việt Nam liệu có trở thành hạt nhân mới của chuỗi cung ứng toàn cầu hay không, DN Việt Nam làm thế nào để vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trong bối cảnh hội nhập mới tiếp tục phụ thuộc vào yếu tố như môi trường kinh doanh”, ông Đoàn nói.
“Bộ KH&ÐT sẽ hỗ trợ tái cấu trúc DN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong DN, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng thuận lợi cho DN. Tạo điều kiện để DN tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển, nhất là trong việc thực hiện các dự án, công trình theo hình thức hợp tác công - tư”, Lãnh đạo Bộ KH&ÐT
DN cần hỗ trợ sát sườn
Theo các chuyên gia, một trong những động lực cho DN quay trở lại hoạt động và thành lập mới tăng mạnh năm 2022 là việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, cộng đồng có chương trình hỗ trợ với nhiều ưu đãi. Cụ thể, với chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh, nghị quyết được thông qua sẽ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, có khả năng phục hồi. Cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua, cấp vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, trải qua năm 2021, sức lực của DN bị bào mòn khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Bước sang năm 2022, Bộ KH&ĐT tiếp tục quán triệt hỗ trợ tối đa cho DN phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển DN và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị với phương châm “sớm nhất-hiệu quả nhất”. Từ đó có biện pháp hỗ trợ dài hạn, bền vững giúp DN nhanh chóng phục hồi, thích ứng với tình hình mới.
Để hỗ trợ DN ổn định sản xuất, kinh doanh, hồi phục và tạo đà phát triển trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm hỗ trợ DN triển khai thực hiện trong Chương trình phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023. Trong năm 2022, Bộ KH&ĐT tập trung các nhóm giải pháp: thực hiện chính sách, giải pháp hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho DN như: tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho DN; giảm thuế, phí, các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí cho DN; thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các DN trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch bệnh COVID-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế.
Tiền phong