MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau thời gian dài ‘rùa bò’, dự án sân bay Phan Thiết hiện ra sao?

Giải phóng mặt bằng sân bay Phan Thiết hiện còn vướng 4 hộ dân. Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hợp đồng BOT, Bình Thuận đang lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Chưa giải phóng xong mặt bằng

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về tiến độ dự án sân bay Phan Thiết , Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh đang tích cực giải phóng mặt bằng còn vướng.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao UBND huyện Hàm Thuận Bắc triển khai các bước cưỡng chế thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 8 đối với 1 móng trụ điện còn lại.

Sau thời gian dài ‘rùa bò’, dự án sân bay Phan Thiết hiện ra sao?- Ảnh 1.

Phối cảnh Cảng Hàng không Phan Thiết.

Địa phương tiếp tục vận động các hộ còn lại nhận tiền và bàn giao mặt bằng trong tháng 8 đối với 3 hộ có đất nằm trong hành lang tuyến đường điện 220 kV. Trường hợp các hộ tiếp tục không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì phối hợp với chủ đầu tư tổ chức bảo vệ thi công.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận phải chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tích cực phối hợp với UBND TP. Phan Thiết vận động hộ ông Trần Ngọc bàn giao mặt bằng 327,9 m2 đài dẫn đường M2 (trước đây nằm trong quỹ đất hai bên đường ĐT.706B), đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan trình UBND TP. Phan Thiết xem xét, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.

Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hợp đồng BOT, ngày 11/3, UBND tỉnh Bình Thuận có tờ trình số đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN ngày 20/6 về kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.

Ngày 28/6, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn căn cứ kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án của hội đồng thẩm định liên ngành khẩn trương rà soát, giải trình, làm rõ và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh dự án.

Theo đó, phải bảo đảm đủ điều kiện, chất lượng, tính chính xác để tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, trong đó có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Công ty CP Rạng Đông.

Hiện tại, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngày 11/7 Sở này đã có công văn gửi lấy ý kiến của các sở, ngành liên quan để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư , Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo đúng quy định hiện hành để triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng.

Đón 2 triệu khách/năm

Sân bay Phan Thiết kết hợp quân sự và dân dụng được Bộ Giao thông vận tải quy hoạch năm 2013 với diện tích 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết. Bộ Quốc phòng có thẩm quyền đối với hạng mục quân sự, còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì.

Sau thời gian dài ‘rùa bò’, dự án sân bay Phan Thiết hiện ra sao?- Ảnh 2.

Sân bay Phan Thiết kết hợp quân sự và dân dụng được Bộ Giao thông Vận tải quy hoạch năm 2013 với diện tích 543 ha.

Công trình được khởi công vào đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án được tái khởi động. Thời gian qua, Quân chủng Phòng không Không quân đã thực hiện các hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay... theo đúng kế hoạch đề ra. Riêng hạng mục hàng không dân dụng theo hợp đồng BOT thì chủ đầu tư là Công ty CP Rạng Đông cũng tổ chức thi công một số hạng mục.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, để đảm bảo sự phát triển lâu dài, khai thác các đường bay quốc tế, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác của sân bay, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, UBND tỉnh Bình Thuận và Bộ Quốc phòng đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất chủ trương nâng cấp sân bay từ cấp 4C lên cấp 4E.

Thủ tướng đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Bộ Giao thông vận tải phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết cảng hàng không Phan Thiết giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Sân bay Phan Thiết được quy hoạch là cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự, với 1 đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.

Theo Duy Quang

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên