MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau thời gian dài u ám, các "cổ phiếu Gia Lai" đồng loạt bứt phá trong những tháng đầu năm 2017

Thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu Gia Lai như HAG, HNG, DLG, QCG đã nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư và đồng loạt tăng mạnh.

Sau quãng thời gian dài giao dịch ảm đạm quanh vùng giá 3.000 đồng, trong phiên giao dịch 27/4/2017, cổ phiếu DLG của Đức Long Gia Lai đã có những diễn biến bất ngờ khi tăng kịch trần với khối lượng khớp lệnh đột biến hơn 14 triệu cổ phiếu. Không những vậy, DLG vẫn còn dư mua gần 500 nghìn cổ phiếu giá trần khi kết thúc phiên giao dịch đã cho thấy sức hút của cổ phiếu này.

Một cổ phiếu khác có “nguồn gốc” Gia Lai cũng nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư trong thời gian gần đây là QCG của Quốc Cường Gia Lai. Trong phiên 27/4, QCG thường xuyên xuất hiện dư mua trần hàng triệu cổ phiếu nhưng khối lượng khớp lệnh chỉ vỏn vẹn gần 12 nghìn đơn vị và đây cũng là phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp của QCG. Với thị giá hiện gần 8.000 đồng, cổ phiếu QCG đã tăng gấp đôi so với thời điểm đầu năm 2017.

Cũng có giao dịch hết sức bùng nổ trong năm 2017, bộ đôi cổ phiếu HAG (HAGL) và HNG (HAGL Agrico) của Bầu Đức thực sự là những cái tên “nóng” nhất trên TTCK. Mặc dù trong những phiên gần đây, cả HAG và HNG đã chững lại nhưng so với đầu năm, bộ đôi cổ phiếu này đều tăng gần gấp đôi. Việc cổ phiếu HAG, HNG tăng giá trở lại đã giúp Bầu Đức gần trở lại top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam.

Trong những tháng đầu năm 2017, các cổ phiếu Gia Lai như HAG, HNG, DLG, QCG đồng loạt bứt phá đã mang lại niềm vui không nhỏ cho nhà đầu tư cũng như cổ đông nắm giữ. Bầu Đức sau chuỗi ngày “mất tích” trên bảng xếp hạng người giàu TTCK Việt Nam hiện đã trở lại tiệm cận top 10.


Cổ phiếu Gia Lai bứt tốc trong thời gian gần đây

Cổ phiếu Gia Lai bứt tốc trong thời gian gần đây

Điều gì khiến cổ phiếu “họ” Gia Lai bứt tốc?

Đầu tiên là trường hợp nhóm cổ phiếu Bầu Đức (HAG và HNG). Việc bộ đôi cổ phiếu HAG, HNG tăng mạnh trong thời gian gần đây đến từ việc các trái chủ nắm giữ hơn 12.000 tỷ đồng trái phiếu đồng ý gia hạn thời gian trả nợ từ 3 đến 6 năm. Điều này có nghĩa HAGL sẽ tạm thời gỡ bỏ áp lực dòng tiền trong vài năm tới để có thời gian cơ cấu lại tập đoàn.

Bên cạnh đó, giá cao su thế giới phục hồi khá tốt trong giai đoạn đầu năm cũng sẽ giúp HAGL đẩy mạnh khai thác mủ cao su, mảng kinh doanh đã bị đình trệ trong suốt những năm qua và là tác nhân quan trọng khiến KQKD công ty giảm sút.

Ngoài ra, mới đây HAGL cũng thông báo sẽ thực hiện chuyển đổi trái phiếu thành 20 triệu cổ phiếu HNG cho Temasek. Đây cũng là thông tin tích cực hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh cũng như giá cổ phiếu HAG, HNG bởi việc hoán đổi sẽ giúp HAGL giảm áp lực vay nợ – vấn đề đã làm “đau đầu” Bầu Đức trong nhiều năm qua.

Còn với trường hợp QCG, đà tăng của cổ phiếu này suốt từ đầu năm đến nay đầu tiên đến từ KQKD khả quan trong năm 2016. Theo đó, trong năm vừa qua, Quốc Cường Gia Lai đạt 1.588 tỷ đồng doanh thu – tăng gấp 4 lần năm trước còn lợi nhuận sau thuế đạt 69 tỷ đồng – tăng gấp 3 lần.

Nguyên nhân chính là nhờ Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng đất nền dự án Hải Châu và bàn giao căn hộ ở các dự án cho khách hàng. Dự án Hải Châu mà Quốc Cường Gia Lai nhắc đến chính là dự án mà công ty này từng chi khoảng 900 tỷ đồng mua lại từ 2 đối tác là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và một phần từ Nhà nước vào hồi tháng 3 năm 2016.

Tuy vậy, thông tin đáng chú ý nhất, và tác động trực tiếp tới giá cổ phiếu QCG trong 2 phiên gần đây là việc Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng dự án Phước Kiển và được tạm ứng 50 triệu USD. Dự án Phước Kiển trước kia từng được kỳ vọng là “con bò sữa” của Quốc Cường Gia Lai, tuy nhiên trên thực tế công ty đã “sa lầy” tại đây. Do đó, việc thoái vốn khỏi dự án này được kỳ vọng giúp hoạt động kinh doanh Quốc Cường Gia Lai ổn định hơn, qua đó đẩy giá cổ phiếu tăng vọt.

Trong khi đó, đà tăng của cổ phiếu DLG có lẽ bắt nguồn từ kỳ vọng KQKD được cải thiện trong năm 2017. Theo tờ trình ĐHCĐ vừa được công bố, Đức Long Gia Lai đã lên kế hoạch năm 2017 với doanh thu 2.800 tỷ đồng – tăng 15%; lợi nhuận 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm trước đó, cổ tức dự kiến ở mức 5%.

Đức Long Gia Lai cũng sẽ xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục định hướng tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản, năng lượng và cơ sở hạ tầng.

Mặc dù còn quá sớm để nói về hoạt động của các doanh nghiệp “họ” Gia Lai trong năm 2017. Tuy vậy, những thông tin hỗ trợ suốt từ đầu năm tới nay đã mở ra hy vọng “hồi sinh” cho những doanh nghiệp này, qua đó thúc đẩy đà tăng của cổ phiếu.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên