Sau tranh cãi, 100% đại biểu đồng ý xây thêm 4 thủy điện
Dù có dư luận trái chiều về việc đưa vào quy hoạch thêm 4 thủy điện ở tỉnh Quảng Nam nhưng 53/53 đại biểu HĐND tỉnh này đã thống nhất thông qua.
- 05-01-2017Các nhà máy thủy điện sẽ gặp khó vì phí dịch vụ môi trường tăng hơn 1,5 lần
- 17-10-2016Bộ Công Thương lập tổ công tác điều tra việc xả lũ của Nhà máy Thủy điện Hố Hô
- 28-09-2015Hà Giang: Khởi công nhà máy thủy điện gần 1.900 tỉ đồng
Trong ngày làm việc thứ 3 tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX diễn ra sáng 19-7, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết bằng hình thức giơ tay để thông qua tổng cộng 14 nghị quyết.
Đáng chú ý, 100% đại biểu có mặt tại hội trường (53/53) đã giơ tay đồng ý thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 161/2010/NQ-HĐND ngày 22-4-2010 của HĐND tỉnh về quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ.
100% đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam giơ tay đồng ý đưa thêm 4 thủy điện vào quy hoạch
Cụ thể, HĐND tỉnh Quảng Nam thống nhất loại ra khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 2,2MW là Ag Rồng và Nước Xa; bổ sung vào quy hoạch 4 dự án thủy điện tại huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), gồm: Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah, Trà Leng với tổng công suất 78,8, MW, diện tích đất rừng chiếm hơn 144 ha.
Trước đó, HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã ra thông cáo báo chí về vấn đề này. Theo HĐND tỉnh Quảng Nam, trước dư luận trái chiều về việc bổ sung 4 thủy điện vào quy hoạch, đoàn kiểm tra giám sát của HĐND tỉnh đã đi kiểm tra, thị sát thực tế tại 4 thủy điện nói trên và đưa ra một số ý kiến như sau:
Nam Trà My là một trong số 62 huyện nghèo của cả nước, hiện chỉ có một đường dây vận hành ở hai cấp điện áp là 35KV và 22kV từ TP Tam Kỳ lên, đường điện đi dài, qua nhiều khu vực đồi núi nên tiêu tốn điện năng rất lớn. Đặc biệt, nguồn điện không ổn định vào mùa mưa, thường xuyên xảy ra sự cố về lưới điện khi có giông sét nên thường xuyên bị mất điện, nhất là vào mùa mưa lũ. Với thực tế hiện nay, chỉ có 30% người dân được tiếp cận điện lưới quốc gia nên rất khó có thể phát triển kinh tế - xã hội được ở địa phương.
Khu vực dự kiến xây dựng thủy điện Nước Xa nhưng nay thủy điện này đã bị đưa ra khỏi quy hoạch vì mất quá nhiều rừng
Tổng diện tích chiếm đất của 4 dự án 144,27 ha nhưng ảnh hưởng không đáng kể đến đất rừng phòng hộ, chủ yếu là đất quy hoạch rừng sản xuất chứ không phải là rừng nguyên sinh, không ảnh hưởng đến đất ở, đất lúa, đất sản xuất của người dân; không có bất kỳ hộ dân nào phải di dời...
Các thủy điện này là đập tràn tự do, hồ chứa điều tiết ngày, dung tích hồ chứa nhỏ (không quá 1 triệu m3) nên ít tác động đến môi trường, không có khả năng tác động gây động đất kích thích như các thủy điện lớn...
"Qua phân tích, đánh giá, rõ ràng lợi ích mà 4 thủy điện vừa và nhỏ này mang lại cho huyện miền núi Nam Trà My là nhiều hơn các ảnh hưởng, tác động tiêu cực. Dư luận nhân dân trong tỉnh cũng hết sức đồng tình, ủng hộ việc đưa điện về các vùng sâu vùng xa nhằm thúc đẩy vùng miền núi phát triển kinh tế - xã hội" – HĐND tỉnh Quảng Nam cho hay.
Trong sáng 19-7, HĐND tỉnh Quảng Nam đã bầu bà Trần Thị Bích Thu (47 tuổi, quê quán TP Tam Kỳ, Quảng Nam), Phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khóa 9 (nhiệm kỳ 2016-2021) giữ chức vụ Trưởng ban thay ông Nguyễn Dương Triều (đã qua đời). Ông Nguyễn Văn Diệu (41 tuổi), Phó chủ tịch chuyên trách kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội được bầu giữ chức vụ Phó trưởng ban.
HĐND tỉnh Quảng Nam cũng đã bầu chức danh Ủy viên UBND tỉnh đối với ông Lê Văn Sinh, tân Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam.
Người lao động