Sau Vingroup, FLC, T&T, Crystal Bay...ai sẽ là ông chủ của siêu đô thị 24 nghìn tỷ tại Hà Tĩnh
Sở hữu đường bờ biển với những bãi biển đẹp, ẩn chứa tiềm năng khai thác du lịch lớn, Hà Tĩnh đã trở thành một bến đỗ mới cho các chủ đầu tư lớn như Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T, VABIS Group… Mới đây, Hà Tĩnh tiếp tục kêu gọi đầu tư vào siêu dự án khu đô thị Hàm Nghi với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng, quy mô 136,8ha.
Hà Tĩnh có bờ biển 137km với những bãi tắm, điểm đến du lịch biển hấp dẫn như khu du lịch Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Thạch Hải, Kỳ Ninh, Đèo Con... và nằm ở trên tuyến du lịch xuyên Việt, với hệ thống giao thông thuận lợi phát triển du lịch trong nước và kết nối các nước khác trong khối ASEAN.
Hà Tĩnh cũng là điểm đầu của tuyến du lịch con đường di sản miền trung và có nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng là những điểm đến tham quan về du lịch lịch sử, tâm linh… Đây là những tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch mà không phải địa phương nào cũng có được.
Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Hà Tĩnh cũng là một trong những địa phương có tốc độ thu hút FDI lớn nhất so với các tỉnh lân cận. Thông tin từ Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trong 9 tháng qua, tỉnh này đã cấp chủ trương đầu tư cho 13 dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Trong đó, có 8 dự án trong nước với số vốn đăng ký trên 1.930 tỷ đồng; 5 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 6,6 triệu USD.
Mới đây, Hà Tĩnh tiếp tục công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư lên tới gần 40 dự án, tổng vốn dự kiến gần 7 tỷ USD, trải rộng trên các lĩnh vực hạ tầng, bất động sản, nông nghiệp…Theo đó, đáng chú ý là dự án khu đô thị Hàm Nghi với tổng mức đầu tư dự kiến 24.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 136,8ha, thuộc các phường Thạch Linh, Hà Huy Tập (TP. Hà Tĩnh) và các xã Thạch Tân, Thạch Đài (huyện Thạch Hà).
Mục tiêu của dự án sau khi hoàn thành sẽ là khu đô thị mới với các khu chức năng: nhà ở (gồm nhà ở thấp tầng, nhà ở cao tầng, Nhà ở xã hội , nhà ở tái định cư), công trình công cộng, công trình hỗn hợp, trường học, bệnh viện, cây xanh, thể dục thể thao, mặt nước, giao thông, bãi đỗ xe và hạ tầng kỹ thuật khác...Hiện khu đất chưa được giải phóng mặt bằng, Sở Xây dựng Hà Tĩnh được giao làm bên mời thầu. Thời gian thực hiện dự án là 6 năm.
Quan sát thực tế cho thấy, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng biển tại Hà Tĩnh đã ghi nhận những bước đi đầu tiên của một số chủ đầu tư lớn. Ngoài các dự án đang được "thai nghén", một số dự án đã chính thức hoàn thiện và đi vào hoạt động, một số dự án đang được triển khai.
Tiên phong trên thị trường này phải kể tới Vingroup với Trung tâm Thương mại, Văn phòng và nhà ở Vincom Hà Tĩnh; tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí Vinpearl Cửa Sót. Hiện nay hai dự án này đã đi vào hoạt động và mang lại bộ mặt hoàn toàn mới cho đô thị Hà Tĩnh.
Bên cạnh Vingroup hiện nay cũng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư vào Hà Tĩnh như: Tập đoàn T&T tìm hiểu đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí đảo Xuân Giang 2 và dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ, biệt thự sinh thái Nam Cầu Phủ
Công ty Crystal Bay cũng đang tìm hiểu đầu tư dự án Công viên trung tâm và Khu đô thị Lam Hồng Garden Park City; Tập đoàn FLC tìm hiểu đầu tư dự án tổ hợp sân golf, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm và dự án Khu đô thị thông minh FLC Hà Tĩnh…
Có thể nói, sự xuất hiện của các đại gia BĐS cùng các dự án lớn không chỉ phản ánh một xu hướng tất yếu của một thị trường BĐS nghỉ dưỡng đầy tiềm năng tại Hà Tĩnh mà bên cạnh đó sẽ tạo thành một chuỗi tổ hợp nghỉ dưỡng biển trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, góp phần khai thác tối đa tiềm năng biển khu vực Trung Bộ.
Cùng với việc phát triển mạnh mẽ của các dự án du lịch, hiện Hà Tĩnh cũng đang tập trung phát triển du lịch dựa trên thế mạnh của địa phương, với mục tiêu sớm đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2025.