Saudi Arabia sẽ làm gì để có được quỹ đầu tư 2 nghìn tỷ USD?
Saudi Arabia hiện đang cố gắng tìm kiếm kế hoạch B để phát triển quỹ thịnh vượng của nước này nhằm đưa nó vào nhóm các quỹ lớn nhất toàn cầu.
- 05-03-2018Saudi Arabia sắp xây siêu thành phố 10 tỷ USD ở Ai Cập
- 23-01-2018Chiến dịch chống tham nhũng của Saudi Arabia có thể thu hồi 100 tỷ USD
- 20-12-2017Kinh tế suy thoái, Saudi Arabia thông qua ngân sách kỷ lục
Theo kế hoạch ban đầu, quỹ muốn huy động khoảng 100 tỷ USD thông qua các đợt IPO một phần cổ phiếu của Saudi Aramco – tập đoàn năng lượng nhà nước Saudi Arabia trong nửa sau năm 2018. Dù cuối cùng, kế hoạch IPO không diễn ra như kế hoạch ban đầu, quỹ đầu tư công (PIF) của Saudi Arabia vẫn hy vọng sẽ kiểm soát khoảng hơn 2 nghìn tỷ USD trước năm 2030, theo tin từ Bloomberg.
Tại sao Saudi Arabia muốn mở rộng quỹ?
PIF nằm ở tâm điểm các nỗ lực của chính phủ Saudi Arabia trong việc đa dạng hóa nguồn thu của nền kinh tế ra ngoài lĩnh vực dầu mỏ trong kế hoạch được biết đến với cái tên Tầm nhìn 2030. Quỹ được thành lập vào năm 1971 để hỗ trợ cho các dự án có tầm quan trọng chiến lược với kinh tế Saudi Arabia, từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, quỹ chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa.
PIF hiện đang nắm khoảng 150 tỷ USD tài sản trong nhiều công ty Saudi Arabia đang niêm yết bao gồm công ty sản xuất chất hóa học lớn thứ 2 thế giới - Saudi Basic Industries, công ty viễn thông Saudi Telecom và ngân hàng NCB của nhà nước Saudi Arabia. Những năm gần đây, PIF đầu tư nhiều hơn trên toàn cầu. Hiện quỹ có tổng tài sản khoảng 230 tỷ USD.
Saudi Arabia đang đầu tư vào những loại hình nào?
Chỉ riêng trong năm 2017, PIF đã thông báo kế hoạch đầu tư khoảng 45 tỷ USD vào một quỹ công nghệ điều hành bởi tập đoàn SoftBank của Nhật; xây dựng thành phố 500 tỷ USD có tên Neom trên khu vực Biển Đỏ; thành lập quỹ 1,1 tỷ USD nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dành 4,8 tỷ USD để phát triển khu vực Biển Đỏ và đầu tư 20 tỷ USD vào quỹ hạ tầng Mỹ được quản lý bởi Blackstone Group LP.
Gần đây, quỹ đã mua thêm 400 triệu USD cổ phần trong Endeavor, một công ty tại Hollywood. Đồng thời quỹ cũng nằm trong nhóm nhà đầu tư mua 55% cổ phần tại bộ phận kinh doanh bất động sản Accor SA
Vụ IPO của Aramco đến nay ra sao?
Tầm quan trọng của đợt IPO của Aramco dường như đã giảm sau khi Thái tử Mohammed bin Salman bận rộn với những chương trình cải cách xã hội và kinh tế nội địa đồng thời áp dụng chính sách ngoại giao thận trọng. Nếu không có vụ IPO của Aramco, sẽ còn lâu PIF mới có thể trở thành quỹ thịnh vượng lớn nhất thế giới, theo khẳng định của chuyên viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu về các quỹ thịnh vượng, bà Rachel Pether. Tuy nhiên bà khẳng định rằng việc vội vàng sẽ chỉ mang lại sai lầm.
PIF sẽ làm gì?
Aramco đang cân nhắc mua khoảng 70% cổ phần của PIF tại công ty Saudi Basic Industries – công ty này có giá trị vốn hóa khoảng 100 tỷ USD, như vậy, quỹ PIF sẽ thu về ước khoảng 70 tỷ USD. PIF có thể huy động thêm tiền bằng cách bán cổ phần tại nhiều công ty niêm yết khác của Saudi Arabia.
PIF thậm chí có thể vay thêm tiền, đầu tháng 7/2018, người ta từng đồn đoán về việc chuẩn bị vay khoản vay lớn. PIF sẵn sàng vay thêm tiền để đầu tư nhằm đa dạng hóa kinh tế Saudi Arabia và tăng thêm khoản lợi nhuận thu được từ các khoản đầu tư.
Ai điều hành quỹ?
Giám đốc điều hành của quỹ là ông Yasir Al-Rumayyan, cựu điều hành quỹ Saudi Fransi Capital. Ông bắt đầu làm việc tại đây từ năm 2015. Trong năm vừa qua, đội ngũ điều hành xung quanh ông đã bổ sung thêm trưởng bộ phận quản lý tài sản của ngân hàng HSBC – ông Abdulmajeed Alhagbani; trưởng bộ phận tài chính doanh nghiệp của Bank of America Merrill Lynch, ông Alireza Zaimi; cựu CEO trưởng bộ phận ngân hàng đầu tư của ngân hàng Riyad – ông Rashed Sharif. Một cựu chuyên viên ngân hàng đầu tư của ngân hàng Citigroup, ông Michael Klein, được cho là đang làm việc với PIF để đưa ra kế hoạch cho hoạt động đầu tư cũng như cấp vốn toàn cầu.
BizLIVE