SCB tiếp tục dẫn đầu cuộc đua tăng lãi suất, lên tới 9,3%/năm
SCB tiếp tục dẫn đầu cuộc đua lãi suất khi niêm yết mức lãi suất cao nhất lên tới 9,3%/năm.
- 26-10-2022Ngân hàng Nhà nước có thể tăng tiếp lãi suất điều hành vào cuối năm
- 26-10-2022Tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
- 26-10-2022Ngân hàng Bản Việt đẩy lãi suất tiết kiệm lên 8,9%/năm
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo áp dụng biểu lãi suất tiền gửi mới từ ngày 26/10 với mức lãi suất huy động tăng ở hầu hết các kỳ hạn.
Cụ thể, tại sản phẩm có lãi suất cao nhất là Tiền gửi online, tất cả các kỳ hạn dưới 6 tháng đều được áp dụng mức lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là 6%/năm.
Còn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng, mức lãi suất áp dụng trong khoảng 8,7% – 8,95%/năm. Kỳ hạn 12 và 13 tháng được hưởng lãi suất lần lượt 9,15 và 9,25%/năm. Đáng chú ý, các kỳ hạn 15, 18, 24 và 36 tháng đang được nhà băng này chào lãi suất lên tới 9,3%/năm - mức lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống.
Trước đó, SCB cũng là ngân hàng có mức lãi suất niêm yết cao nhất hệ thống khi lên tới gần 9%/năm. So với biểu lãi suất công bố hồi đầu tháng 10, lãi suất huy động tại SCB đã tăng thêm khoảng 1% đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng và 0,4 – 0,5%/năm đối với các kỳ hạn dài hơn.
Trước SCB, một loạt ngân hàng khác cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành từ ngày 25/10.
Mới nhất, Ngân hàng Bản Việt điều chỉnh lãi suất tiền gửi từ ngày 26/10, tăng 0,5% - 1,2%/năm theo từng kỳ hạn gửi. Trong đó, mức lãi suất cao nhất đang được Ngân hàng Bản Việt áp dụng đã lên tới 8,9%.
Tương tự, theo biểu lãi suất mới cập nhật ngày 26/10/2022 của CBBank, mức lãi suất cao nhất hiện là 8,9%/năm, dành cho tiền gửi thuộc gói sản phẩm Vạn Phát Lộc, kỳ hạn từ 13 tháng cho đến dưới 24 tháng.
Trước đó, nhiều ngân hàng bắt đầu điều chỉnh biểu lãi suất huy động từ chiều ngày 25/10 và sáng 26/10.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ 13h chiều ngày 25/10, Sacombank tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng lên 5,6-6%/năm từ mức 4,1-4,6%/năm niêm yết hồi đầu tháng. Lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng tăng mạnh so với biểu lãi suất trước đó. Hiện, mức lãi suất cao nhất đang được Sacombank áp dụng là 8,15%/năm.
VPBank cũng thông báo điều chỉnh lãi suất huy động từ ngày 26/10. Theo đó, so với biểu lãi suất niêm yết hồi đầu tháng, lãi suất huy động cao nhất dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng của VPBank đã tăng thêm khoảng 1 – 1,6%/năm, lên cao nhất là 6%/năm. Với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động đã tăng thêm khoảng 1%.
Hiện lãi suất cao nhất đang được VPBank áp dụng đã lên tới 8,7% dành cho các khoản tiền gửi trên 50 tỷ tại các kỳ hạn 18, 24 và 36 tháng. Với số tiền ít hơn, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8 – 8,6%.
Tương tự, Techcombank cũng thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ ngày 26/10. Trong đó, nhà băng này đã tăng lãi suất huy động cao nhất cho các kỳ hạn dưới 6 tháng lên mức tối đa cho phép là 6%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất huy động hiện tại của Techcombank cũng tăng thêm 0,5 – 1%/năm tùy từng kỳ hạn và số tiền gửi.
Hiện lãi suất cao nhất đang được Techcombank áp dụng là 7,8%/năm dành cho các khách hàng mới, có số tiền gửi trên 1 tỷ tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên theo sản phẩm Tiền gửi Phát lộc.
Trước đó, một loạt ngân hàng khác như BacABank, NCB, SeABank, VIB cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động mới, trong đó tăng mạnh lãi suất tiền gửi với kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần trong ngày 25/10.
Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn chưa có động thái mới sau khi NHNN tăng lãi suất điều hành. Theo đó, VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank đều đang áp dụng biểu lãi suất trước ngày 25/10, tức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng tối đa chỉ 5%/năm và cao nhất là 6,4%/năm cho các kỳ hạn dài hơn.
Theo giới phân tích, lãi suất sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng cuối năm do áp lực tỷ giá và lạm phát đi cùng yếu tố mùa vụ. Bộ phận Phân tích Chứng khoán SSI dự báo, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay có thể sẽ tiếp tục tăng thêm 50 – 100 điểm cơ bản nữa về cuối năm trong bối cảnh các điều kiện tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn.
Nhịp sống Thị trường