SCIC cần bán ngay những doanh nghiệp này
109 công ty với tổng giá trị vốn nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng được phân loại B2 - cần triển khai thoái vốn hết ngay, theo báo cáo năm 2015.
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 120 doanh nghiệp cần thoái vốn trong năm 2016. Con số này giảm đáng kể so với mức 229 doanh nghiệp mà SCIC công bố phải thoái vốn năm ngoái.
Trong danh sách này có những doanh nghiệp lớn mà SCIC bán mãi không được như Vinaconex, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Hải Phòng hay Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh.
Cái tên mới đáng chú ý là Tập đoàn FPT. Đây là 1 trong 10 doanh nghiệp mà Chính phủ yêu cầu SCIC thoái hết vốn theo một quyết định vào tháng 10/2015. CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang nằm trong danh sách trên cũng được SCIC lên kế hoạch bán vốn trong năm nay.
Trong khi Vinamilk, FPT Telecom hay Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh là những doanh nghiệp lớn mà SCIC được yêu cầu thoái vốn theo quyết định trên nhưng không xuất hiện trong kế hoạch bán vốn năm 2016 của siêu tổng công ty này.
Điểm đáng chú ý trong danh sách thoái vốn năm nay của SCIC là những khoản cần bán ngay, gồm 109 doanh nghiệp, chiếm 7,6% tổng vốn nhà nước mà SCIC đang quản lý, tính đến 31/12/2015.
Đây là các doanh nghiệp được xếp hạng B2 trong danh mục gồm 4 loại (A1, A2, B1 và B2) của tổng công ty này. SCIC hiện quản lý 197 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước gần 20 nghìn tỷ đồng, trên tổng vốn điều lệ hơn 85 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp cần bán ngày của SCIC chủ yếu là quy mô nhỏ và đặt tại các địa phương, ngoại trừ Maritimebank. Tuy nhiên, giá trị nắm giữ tại ngân hàng của tổng công ty rất nhỏ, chỉ 0,3% vốn điều lệ, tương đương 24 tỷ đồng.
Nếu bán hết các khoản đầu tư xếp hạng B2 này, SCIC sẽ thu về khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó top 15 khoản lớn nhất trị giá 570 tỷ đồng.
TOP 15 công ty được phân loại cần triển khai thoái vốn hết ngay của SCIC. Đơn vị: Tỷ đồng.
Trí Thức Trẻ