MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC kiến nghị bán lượng cổ phần đủ lớn, đẩy doanh nghiệp lên niêm yết

Vì sao thoái vốn nhà nước và cổ phần hóa còn thấp? Giải pháp nào để thoái vốn và cổ phần hóa tốt nhất trong thời gian tới tốt nhất? Đây là hai nội dung mà Thủ tướng nhấn mạnh cần giải quyết tại Hội nghị lần này.

Chủ trương chỉ nắm 100% vốn ở DN then chốt

Chiều ngày 6/12, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà cho biết chủ trương của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 hướng đến mục tiêu, nhiệm vụ là Chính phủ xác định, doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn và cổ phần chi phối chỉ duy trì trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.

Doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc cổ phần chi phối phải thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo cơ chế thị trường; bảo đảm công khai, minh bạch, có hiệu quả, tránh thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước. Qua đó, thực hiện xã hội hóa và phân bổ lại theo cơ chế thị trường các nguồn lực của Nhà nước về nhân lực, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố về độc quyền tự nhiên và lợi thế khác để tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân, tạo động lực nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Báo cáo tại Hội nghị, ông Lê Mạnh Hà, giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 69 Nghị định, Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị. Các Bộ đã ban hành 15 Thông tư hướng dẫn thực hiện các cơ chế, chính sách.

Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã sắp xếp được 591 doanh nghiệp, đạt 96% kế hoạch về số lượng doanh nghiệp; trong đó: cổ phần hóa 499 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 doanh nghiệp, giải thể 17 doanh nghiệp, phá sản 8 doanh nghiệp, bán, giao: 10 doanh nghiệp, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 doanh nghiệp.

DNNN đã giảm mạnh về số lượng, chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực doanh nghiệp (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP (DNNN 28,8%, ngoài nhà nước 11,8%, FDI 17,9%).

Theo báo cáo của đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, các đơn vị đạt kết quả cao là: Các Bộ: Giao thông vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Tổng công ty: Hàng hải, Đường sắt; các địa phương: Bình Định, Đồng Nai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Khánh Hòa, Lào Cai, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình.

Việc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành kinh doanh mới đạt 42% kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn do thị trường không thuận lợi, việc thoái vốn trong lĩnh vực ngân hàng còn phụ thuộc vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Ông Lê Mạnh Hà cũng chỉ ra một số bộ, ngành, địa phương chưa tích cực, chủ động, chưa quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện tái cơ cấu DNNN. Giai đoạn 2016 - 2020 nhiệm vụ tái cơ cấu còn nặng nề với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp tích cực mới để đạt mục tiêu đề ra.

SCIC kiến nghị bán lượng cổ phần đủ lớn, đẩy doanh nghiệp lên niêm yết

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh hai nội dung cần giải quyết tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020. Vì sao thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa còn thấp? Giải pháp nào để thoái vốn và cổ phần hóa tốt nhất trong thời gian tới tốt nhất (bảo đảm lợi ích nhà nước, doanh nghiệp, lợi ích xã hội...)?

Đại diện SCIC kiến nghị về tạo lập môi trường để DNNN hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; cho phép DNNN được làm những việc mà pháp luật không cấm.

Đặc biệt, khi xem xét, đánh giá tính hiệu quả của DNNN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần đánh giá tổng thể các hoạt động của DNNN (có hoạt động hiệu quả, có rủi ro) để bảo đảm cho người đứng đầu DNNN tăng tính năng động, quyết đoán, nắm bắt kịp thời các cơ hội trong sản xuất kinh doanh.

Khi IPO lần đầu, cần bán lượng cổ phần đủ lớn để thu hút cổ đông chiến lược, qua đó có thể thay đổi cơ cấu quản trị của doanh nghiêp. Ông Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh sau cổ phần hóa, doanh nghiệp cần nhanh chóng niêm yết, giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán,...

Về công tác cán bộ tại DNNN, đại diện SCIC đề nghị cần có quy trình hiệu quả để bảo đảm lựa chọn được người đủ năng lực, phẩm chất,... để lãnh đạo, vận hành hiệu quả doanh nghiệp.

Theo Ngọc Linh

NDH

Trở lên trên