SCIC: Nghiên cứu đầu tư dự án quy mô lớn, có thể ngoài Việt Nam
Lãnh đạo SCIC cũng khẳng định sẽ phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tìm kiếm cơ hội đầu tư.
- 02-02-2019Quý 1/2019: Bộ Công Thương bàn giao 5 doanh nghiệp về SCIC
- 30-01-2019Sẽ xử lý trách nhiệm người đại diện nếu chậm bàn giao vốn nhà nước về SCIC
- 08-01-2019Lãi hơn 8.200 tỷ năm 2018, Chủ tịch SCIC nói "không ngồi mát ăn bát vàng"
Theo đại diện Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC ), tính tới hết tháng 12/2018, đơn vị này đã bán vốn thành công tại 995 doanh nghiệp.
Cụ thể, trong số 995 doanh nghiệp trên, SCIC đã bán hết vốn tại 892 doanh nghiệp với doanh thu đạt hơn 47.000 tỷ đồng. Mức doanh thu này gấp hơn 4 lần giá vốn ( giá vốn là 11.000 tỷ đồng).
Theo thống kê, trong quá trình triển khai chủ trương đổi mới, sắp xếp, tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, SCIC đã đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.055 doanh nghiệp với tổng giá trị vốn nhà Nước hơn 14.800 tỷ đồng.
Lãnh đạo công ty này đánh giá, đa số các doanh nghiệp do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân các năm 2013-2018 đạt từ 19-20%. Tổng nguồn thu cổ tức cho nhà nước lũy kế đạt trên 34.000 tỷ đồng.
Theo quy định, từ cuối năm 2018, SCIC dưới sự quản lý của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước cùng 18 tập đoàn, tổng công ty khác. Từ đó, phía SCIC cho biết, một trong những định hướng của đơn vị này là nghiên cứu cơ hội tham gia đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án có trọng điểm, quy mô lớn.
Lãnh đạo SCIC cũng khẳng định sẽ phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, cùng tham gia triển khai dự án mà các đơn vị trên đang triển khai hiệu quả, bao gồm các cơ hội đầu tư ra ngoài lãnh thổ Việt Nam./.
Vietnam+