MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCIC sẽ rút kinh nghiệm trong các lần bán vốn sau tại Vinamilk

SCIC nhận thấy, qua đợt chào bán vừa qua đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá.

Cuối cùng, SCIC cũng hoàn tất đợt 1 bán vốn tại Vinamilk (VNM) vào 12/12 vừa qua tại Sở giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc bán vốn này nhiều người cho rằng là một thành công khi mà trong điều kiện thị trường trong nước và quốc tế nhiều biến động như hiện nay vẫn đạt giá trị giao dịch lên đến 500 triệu USD, là giao dịch cao nhất toàn Đông Nam Á trong năm 2016. Đây cũng là một trong số ít giao dịch có giá bán cổ phần cao hơn giá thị trường, thu hút được dòng vốn ngoại lớn bổ sung vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhưng nhiều người, nhất là những nhà đầu tư tài chính lại chưa thỏa mãn với kết quả kỷ lục 2016 này. Họ cho rằng, với tiềm năng của Vinamilk mà cuối cùng thực chất chỉ có 1 nhà đầu tư với 2 pháp nhân đăng ký mua cổ phần thì khâu bán vốn cần phải rút kinh nghiệm rất nhiều.

Sau một tuần kể từ ngày bán vốn hoàn tất, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã nhận thấy rằng có nhiều điểm cần rút kinh nghiệm. SCIC cho biết, để giới thiệu về Vinamilk đến các nhà đầu tư quốc tế, SCIC, Vinamilk và Liên danh tư vấn (gồm Morgan Stanley, Vinacapital và SSI) đã tổ chức các buổi gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng tại Singapore, HongKong, London. Các thông tin về doanh nghiệp cũng như về đợt chào bán đều được công bố công khai, rộng rãi trên thị trường. Tuy nhiên, do mức giá khởi điểm được xác định cao hơn giá thị trường tại thời điểm chào bán nên không thu hút được các nhà đầu tư tài chính tham gia.

SCIC cũng nhận thấy, qua đợt chào bán vừa qua đã bộc lộ một số bất cập về cơ chế bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài vốn quen thuộc với các thông lệ quốc tế là không có việc phải đặt cọc mua cổ phần với giá trị bằng 10% giá trị đặt mua và cơ chế đấu giá. Đối với việc đặt cọc, mặc dù SCIC đã rất tích cực trong việc làm việc với các bên liên quan để đưa ra thêm hình thức ký quỹ bằng đồng USD bên cạnh hình thức đặt cọc bằng VND, nhưng thủ tục ký quỹ bằng USD vẫn là phức tạp đối với các nhà đầu tư nước ngoài ít có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, do đó chưa thực sự khuyến khích được nhà đầu tư sử dụng.

Về phương thức bán cổ phần, các giao dịch tương tự ở nước ngoài được thực hiện theo phương pháp dựng sổ thay vì đấu giá, phương thức này ghi nhận tổng hợp nhu cầu của các nhà đầu tư, từ đó xác định cơ cấu, khối lượng, giá bán một cách tối ưu ngay cả trong điều kiện thị trường bất lợi theo nhu cầu thực tế của thị trường. So với chào bán cạnh tranh thì phương thức dựng sổ phù hợp hơn với nhu cầu của các nhà đầu tư là tổ chức lớn về thủ tục đơn giản, bảo mật thông tin đặt mua của nhà đầu tư và đảm bảo các nhà đầu tư đều được mua ở cùng một mức giá.

Rút kinh nghiệm từ đợt bán cổ phần lần này để thực hiện các đợt bán cổ phần nhà nước quy mô lớn các lần sau hiệu quả và thành công hơn, SCIC sẽ tổng hợp kết quả bán vốn, phản hồi của thị trường và các đơn vị tư vấn để báo cáo và kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành các văn bản pháp luật cho phép các cơ chế bán cổ phần linh hoạt và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế như bỏ quy định về đặt cọc, nghiên cứu luật hóa phương thức dựng sổ, v.v…

Tiến hành việc chào bán cạnh tranh lần này, cá nhân tôi cho rằng đây là một nhiệm vụ đặc biệt do tính chất quan trọng, khởi đầu cho quá trình bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán.

Đối với đợt bán cổ phần lần này, Chính phủ và SCIC đã xác định những tiêu chí khá “tham vọng” như giá khởi điểm chào bán cao hơn giá thị trường, việc thoái vốn phải công khai minh bạch, thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia, vừa giúp phát triển thị trường vốn, đồng thời không ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Quá trình chuẩn bị bắt đầu từ giữa năm, bao gồm các công tác chọn đơn vị tư vấn, tổ chức roadshow, xây dựng quy chế chào bán, làm việc với các cơ quan liên quan để phối hợp, kiến nghị các giải pháp để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia (như ký quỹ bằng USD, tổ chức chào bán qua HOSE), các thành viên trong tổ công tác đã làm việc rất tập trung và nghiêm túc.

Ông Nguyễn Duy Hưng- đại diện đơn vị tư vấn - Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI)

(Trích bài ông Nguyễn Duy Hưng trả lời phỏng vấn của truyền thông liên quan vụ thoái vốn tại Vinamilk).

Bên tư vấn Morgan Standley cho rằng quy trình bán vốn lần này đã phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau của pháp luật và các quy định của Việt Nam. Đây cũng là rào cản lớn khiến đơn vị tư vấn chịu áp lực thời gian ngắn để thiết lập một quá trình xây dựng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, lượng thầu tối thiểu và tối đa đã được thiết lập để đáp ứng thông lệ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã phải làm việc để các nhà đầu tư được ký quỹ bằng tiền USD chứ không chỉ là VND.

Đại diện đơn vị tư vấn Morgan Standley

VinaCapital đưa ra 3 điểm có thể làm tốt hơn trong các lần bán vốn tại Vinamilk sau:

- Thứ nhất: Cần có nhiều thời gian để tập trung vào các nhà đầu tư quốc tế.

- Thứ hai: Cần kỹ thuật bán vốn theo thông lệ quốc tế - book building.

- Thứ ba: Thủ tục ký quý/đặt cọc bằng ngoại tệ, linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.

Đại diện đơn vị tư vấn VinaCapital

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên