MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

SCMP: Gen Z sẵn sàng 'nhảy việc' và 'sa thải' chính sếp của mình

16-11-2021 - 06:29 AM | Tài chính quốc tế

SCMP: Gen Z sẵn sàng 'nhảy việc' và 'sa thải' chính sếp của mình

Đối với thế hệ Z Trung Quốc, việc tôn trọng người lao động, thực hiện đúng cam kết, trả lương phù hợp với công sức và tạo cơ hội một cách công bằng là những điều kiện được đánh giá cao nhất ở nhà tuyển dụng.

Theo SCMP, các doanh nghiệp Trung Quốc đang buộc phải đáp ứng nhu cầu của nhân viên về cách sắp xếp nơi làm việc linh hoạt. Hiện tại, ngày càng nhiều người tìm việc trẻ tuổi có nhiều lựa chọn nhận thấy họ chủ động hơn trong việc đưa ra điều kiện.

Kết quả sơ bộ của cuộc khảo sát trên trang web tuyển dụng Zhaopin cho thấy, các mối quan hệ giữa bên tuyển dụng và nhân viên truyền thống đang dần đảo ngược ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thế hệ Z đang trở thành lực lượng "thống trị" trên thị trường lao động nước này và họ góp phần đẩy nhanh quá trình số hóa ở nơi làm việc.

Đối với người lao động Trung Quốc, việc tôn trọng người lao động, thực hiện đúng cam kết, trả lương phù hợp với công sức và tạo cơ hội một cách bình đẳng là những điều kiện được đánh giá cao nhất ở nhà tuyển dụng. Những yếu tố này nhấn mạnh sự thay đổi mang tính cơ cấu đang diễn trên thị trường lao động ở Trung Quốc. 

Khi nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, số lượng các loại nghề nghiệp cũng tăng lên gấp bội. Kể từ năm 2019, Bộ Lao động nước này đã công bố có hơn 50 nghề nghiệp mới trong các ngành.

Trong khi đó, báo cáo năm 2020 của Zhaopin cho biết, hơn 70 việc làm mới đã được tạo ra trên Meituan – siêu ứng dụng cung cấp nhiều dịch vụ từ giao đồ ăn đến gọi xe. Các vị trí này đều ở các ngành mới nổi như nhà thiết kế trò chơi "escape room" và nhân viên giao hàng.

Chen Long – nhà nghiên cứu sau tiến sĩ ngành xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: "Nếu thế hệ Z cảm thấy không được công ty tôn trọng hoặc họ không thể hiện được giá trị của mình, họ sẽ sẵn sàng nhảy việc vì có nhiều lựa chọn khác."

Ông nói thêm: "Thế hệ Z cũng lý trí hơn. Họ không muốn làm thêm giờ hay nỗ lực nhiều hơn mà không được trả thêm thù lao. Họ cũng không chấp nhận những lời hứa suông từ sếp. Họ coi trọng hạnh phúc cá nhân và cho rằng cuộc sống còn nhiều điều thú vị hơn chỉ là làm việc. Do đó, họ không còn sẵn sàng chấp nhận sự bất công và sẵn sàng nghỉ việc."

Chen nhận định, trước đây, các nhà tuyển dụng đuổi việc người lao động thì bây giờ, thế hệ Z sẽ "sa thải" chính sếp của họ.

Yao Yang – hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết, các lãnh đạo doanh nghiệp thuộc thế hệ cũ cần phải thích nghi với điều này thay vì phản đối. Ông cho hay: "Sự phát triển của xã hội luôn được thúc đẩy bởi các thế hệ mới hơn. Thế hệ cũ sẽ phải nể phục họ."

Theo Wang Shengtong – trưởng bộ phận tuyển dụng tại JD.com, đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, việc thu hút nhân tài mới đang gặp nhiều khó khăn hơn. Ông nói, các sinh viên không còn muốn đến những sự kiện tuyển dụng tổ chức ngay tại trường. Do đó, các công ty cần khiến mình nổi bật bằng cách mang đến nhiều lợi ích hơn, tạo môi trường làm việc tốt hơn và loại bỏ những lời hứa suông.

Trong khi đó, Sun Xianhong – trưởng bộ phận HR của Oriental Yuhong, nhận định, kiếm tiền không còn là mục tiêu duy nhất của thế hệ Z. Ông nói: "Thay vì tiền, thế hệ này muốn tìm kiếm bản sắc trong công việc và nâng cao giá trị bản thân. Những người sinh năm 70 và 80 làm việc để sống, họ coi trọng vật chất và thành quả để trả ơn bản thân, gia đình nhiều hơn."

Ông nói thêm: "Nhưng đối với thế hệ Z, hoặc những người sinh sau năm 95, điều kiện tài chính của họ khá hơn và không phải lo lắng về những ‘bữa đói’. Do đó, họ tìm kiếm mục tiêu khác, như có tiếng nói nhiều hơn trong việc, sự tự do và các giá trị khi làm việc với công ty."

Ngoài ra, thế hệ trẻ Trung Quốc cũng đang quay lưng lại với văn hóa làm việc 996. Đây là lịch trình làm việc dày đặc được nhiều công ty công nghệ áp dụng, với giờ làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày mỗi tuần.

Li Qiang – phó chủ tịch điều hành của Zhaoping, nhận định, lao động trẻ không muốn làm thêm giờ vì phúc lợi thấp. Người sử dụng lao động cần cam kết với từng nhân viên, đồng thời tìm ra sự cân bằng giữa việc tăng phúc lợi và giúp nhân viên tìm ra đam mê của họ. 

Tham khảo SCMP 

Vu Lam

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên