MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có cơ chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB liên quan 6 dự án lớn?

01-11-2020 - 22:21 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc áp dụng các giải pháp xử lý rủi ro và giảm lãi suất cho các dự án này thời gian qua là chưa thực sự hiệu quả.

Như BizLIVE thông tin ở bài viết trước, giữa tuần sau, Quốc hội bắt đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung chính dự kiến sẽ tập trung xem xét việc thực hiện của các cơ quan liên quan về 20 lĩnh vực được nêu trong 6 nghị quyết về giám sát chuyên đề 6 nghị quyết về chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và 1 nghị quyết về giám sát chuyên đề, 2 nghị quyết về chất vấn  trong nhiệm kỳ khóa XIII.

Trong số đó, Nghị quyết số 60/2018/QH14 về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đặt ra yêu cầu: đến năm 2020, xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.

Báo cáo tập hợp kết quả thực hiện các nghị quyết từ Chính phủ mà Tổng thư ký Quốc hội vừa ký cho biết tình hình cơ bản 12 dự án lớn ngành công thương gặp khó khăn, thua lỗ, kém hiệu quả và cần phải xử lý thời gian qua.

Cụ thể, giai đoạn 2018 - 2019 có 2 dự án, doanh nghiệp có lãi nhưng vẫn phát sinh lỗ lũy kế (DAP-1 Hải Phòng, Thép Việt Trung), tuy nhiên đến hết quý I/2020, 2 dự án, doanh nghiệp này có kết quả kinh doanh lỗ; 4 dự án từng bước khắc phục khó khăn, giảm lỗ (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai, Công nghiệp tàu thủy Dung Quất DQS); 1 dự án, doanh nghiệp dừng hoạt động nay đã vận hành trở lại (Xơ sợi Polyester Đình Vũ PVTex); 2 dự án đủ điều kiện vận hành trở lại nhưng chưa khởi động do điều kiện thị trường khó khăn (Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước).

Quá trình giải quyết các cơ quan chức năng cũng đã xem xét nhiều vấn đề, trong đó có xử lý nợ, lãi suất vay vốn của các dự án, doanh nghiệp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam ( VDB ).

Ngân hàng này đã thực hiện cho vay vốn tín dụng đầu tư 7 dự án/khoản vay của 6 chủ đầu tư. Đến ngày 31/12/2019, có 06 dự án còn dư nợ tại VDB bao gồm: Dự án sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên; 2 dự án/khoản vay của Nhà máy Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Trong đó, tổng số vốn đã giải ngân: 14.665 tỷ đồng và 2.598.778 USD, tổng số nợ gốc đã thu: 4.892 tỷ đồng và 1.504.696 USD; tổng nợ lãi đã thu: 4.833 tỷ đồng và 1.826.045 USD; tổng dư nợ gốc: 9.773 tỷ đồng (trong đó, nợ quá hạn: 4.349 tỷ đồng) và 1.094.082 USD; tổng dư nợ lãi: 4.457 tỷ đồng (lãi đến hạn trả chưa trả: 4.349 tỷ đồng).

Trong giai đoạn 2015-2017, trên cơ sở đề xuất của chủ đầu tư và khó khăn thực tế của các dự án, trong phạm vi thẩm quyền, VDB đã áp dụng giải pháp tín dụng cho các dự án (điều chỉnh mức trả nợ trong các kỳ hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng). Tuy nhiên, với tình hình thực tế của các dự án, việc áp dụng giải pháp tín dụng không giải quyết được những khó khăn mà cần thiết phải áp dụng các biện pháp mạnh mẽ và triệt để hơn (gia hạn nợ vay, giảm lãi suất, khoanh nợ…), cùng một số cơ chế chính sách khác (thuế VAT, khấu hao…) thì dự án mới có thể hoạt động bình thường và có nguồn trả nợ.

Qua báo cáo của VDB tại văn bản số 612/NHPT-TDĐT ngày 20/4/2020, Bộ Tài chính thấy rằng trường hợp cơ chế xử lý, phương án sản xuất kinh doanh và tài chính cho các dự án chưa được cấp có thẩm quyền đánh giá và phê duyệt thì việc áp dụng các giải pháp xử lý rủi ro và giảm lãi suất cho các dự án không đảm bảo tính khả thi, nợ xấu tiếp tục tăng cao, ảnh hưởng đến tình hình tài chính và tác động tiêu cực đến việc thực hiện Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019 - 2021 của VDB.

Theo đó, đầu mối chức năng tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả thực hiện xử lý rủi ro, tháo gỡ khó khăn cho các dự án và VDB.

Báo cáo trên cũng cho biết, ngày 21/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB và đã có chỉ đạo giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo Báo cáo Bộ Chính trị về tình hình triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án cơ cấu lại VDB và  việc ban hành Quy chế xử lý rủi ro tín dụng tại VDB để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước khi báo cáo Bộ Chính trị.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Chính trị - Chính phủ báo cáo Quốc hội. Theo đó, kỳ vọng tới đây các đầu mối chức năng sẽ có những giải pháp, cơ chế chính sách cụ thể, mạnh mẽ và triệt để như đề cập ở trên, để nâng hiệu quả xử lý, tháo gỡ khó khăn cho VDB và các dự án liên quan.

Theo Trung Chính

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên