Sẽ có đường sắt Bắc - Nam tốc độ 250 km/giờ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa chở khách vừa chở hàng, có tốc độ thiết kế 250 km/giờ, khai thác 180 - 225 km/giờ
- 07-11-2022Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao 250km/h trên trục Bắc Nam
- 01-11-2022Đề xuất mới cho đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đấu giá quyền sử dụng đất dọc tuyến
- 01-09-2022Bố trí nguồn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam
Theo phương án kịch bản đầu tư mà Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lựa chọn là xây dựng đường sắt đôi khổ 1.435 mm để vận chuyển hành khách và hàng hóa, tốc độ khai thác tối đa 180 - 225 km/giờ, chiều dài tuyến 1.545 km, tổng mức đầu tư khoảng 65 tỉ USD; phân kỳ đầu tư 3 giai đoạn (2025 - 2045). Nhà nước đầu tư hạ tầng tới đỉnh ray và hệ thống thông tin tín hiệu, thiết bị nhà ga (chiếm khoảng 80% tổng mức đầu tư); nhà đầu tư mua sắm đoàn tàu, khai thác, duy tu bảo dưỡng và trả chi phí thuê hạ tầng (chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư).
Hình thành trục vận tải khối lượng lớn
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đánh giá với lựa chọn nêu trên của Bộ GTVT về cơ bản phù hợp với tốc độ được đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kiến nghị và chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Theo Bộ KH-ĐT, với thực trạng vận tải trục Bắc - Nam đang bị mất cân đối, thị phần đường sắt chỉ chiếm 6% khách, 1,4% hàng hóa. Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường sắt mới tốc độ cao, vận chuyển khách và hàng là cần thiết. Đây là một trong những nền tảng để hình thành trục vận tải khối lượng lớn trên đất liền, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế, tạo thành trục động lực phát triển cho kinh tế - xã hội của đất nước và các địa phương trên hành lang kinh tế Bắc - Nam. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ cũng như có đủ thông số, dữ liệu làm sáng tỏ tính khả thi của dự án, Bộ KH-ĐT đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các kết quả đánh giá của tư vấn thẩm tra để hoàn thiện.
Trên cơ sở tham khảo các kết quả nghiên cứu của liên danh tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, tổng hợp ý kiến thẩm định của các thành viên hội đồng thẩm định nhà nước, các cơ quan liên quan, ý kiến phản biện của xã hội và tổng kết kinh nghiệm của thế giới, Bộ KH-ĐT đề nghị lựa chọn phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng với tốc độ thiết kế khoảng 250 km/giờ. Tuyến đường sắt dự kiến bố trí 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Công nghệ cho đoàn tàu là động lực phân tán (EMU); hệ thống thông tin, tín hiệu là ETCS cấp 2 hoặc tương đương.
Về mô hình thực hiện triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bộ KH-ĐT đề xuất đầu tư đường sắt đôi khổ 1.435 mm để khai thác hỗn hợp vận chuyển hành khách và hàng hóa. Tốc độ thiết kế tối đa 250 km/giờ cho tàu khách và tàu hàng cao tốc; 180 km/giờ cho tàu khách liên vùng và tàu hàng container. Tổng chiều dài tuyến khoảng 1.508,6 km với điểm đầu tại Ngọc Hồi (TP Hà Nội) và điểm cuối là Thủ Thiêm (TP HCM). Đối với tổng mức đầu tư, Bộ KH-ĐT đề nghị làm rõ cơ sở xác định và chuẩn xác lại cho phù hợp. Nguồn vốn sẽ được huy động từ đấu giá đất các khu đô thị xung quanh nhà ga, vốn đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa chở khách vừa chở hàng. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: SMARTCITIESDIVE
Khắc phục những bất cập
Đánh giá về phương án mà Bộ GTVT lựa chọn, GS Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, cho rằng đường sắt tốc độ 250 km/giờ cho phép chạy hỗn hợp cả tàu khách và tàu hàng sẽ tăng năng lực vận tải của ngành đường sắt trong tương lai, khắc phục bất cập hiện nay. "Làm đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 300 km/giờ từ TP Hà Nội đi TP HCM mất khoảng 5 giờ 30 phút nhưng lại lãng phí, đắt đỏ vì không chở được hàng hóa, không tận dụng hết năng lực chạy tàu" - ông Khuê nói.
Xét về yếu tố công nghệ, ông Lã Ngọc Khuê đánh giá đường sắt tốc độ 250 km/giờ sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ tiếp cận, tiến tới làm chủ trang bị kỹ thuật. Ngoài ra, do khoảng cách nhiều ga trên trục Bắc - Nam ngắn, chỉ 40-50 km nên việc vận hành tàu 250 km/giờ sẽ phù hợp khi tăng giảm vận tốc. Nếu đầu tư tàu tốc độ 350 km/giờ cũng không thể khai thác được theo vận tốc này trên chặng ngắn. "Nhiều năm nữa, tàu tốc độ 250 km/giờ vẫn phù hợp chở khách và hàng hóa, chúng ta không bị lạc hậu so với thế giới" - ông Khuê nhấn mạnh.
Kết quả nghiên cứu độc lập của liên danh tư vấn thẩm tra đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đánh giá dự án hoàn toàn khả thi với phương án khai thác hỗn hợp tàu khách và tàu hàng cao tốc với vận tốc 225 km/giờ và tàu khách liên vùng, tàu hàng container với vận tốc 160 km/giờ, góp phần đáng kể vào việc chia sẻ gánh nặng vận tải bằng đường bộ, làm giảm và ổn định chi phí logistics; bảo đảm vận doanh có hiệu quả tài chính, không phải bù lỗ từ Chính phủ. Bên cạnh đó, dự án khả thi theo quy mô nền kinh tế và khả năng chi trả của người dân; bảo đảm tính khả thi về huy động nguồn lực để triển khai dự án theo phương thức PPP. Chính vì vậy, liên danh tư vấn kiến nghị lựa chọn tàu có tốc độ thiết kế 250 km/giờ, tốc độ khai thác 225 km/giờ để chạy hỗn hợp tàu khách và tàu hàng. Dự án có tổng mức đầu tư 61,67 tỉ USD; thời gian chuẩn bị từ năm 2022 - 2025; thời gian thực hiện trong 16 năm, chia thành 3 giai đoạn.
Cụ thể, giai đoạn 1 (2025 - 2031), giải phóng mặt bằng toàn bộ dự án; xây dựng đoạn tuyến Thủ Thiêm - Nha Trang với tổng chiều dài 361 km, tổng mức đầu tư 16,58 tỉ USD. Giai đoạn 2 (2031 - 2038), xây dựng đoạn TP Hà Nội - TP Đà Nẵng dài 677,2 km, tổng mức đầu tư 26,44 tỉ USD. Giai đoạn 3 (2038 - 2041), xây dựng đoạn tuyến TP Đà Nẵng - TP Nha Trang dài 468,85 km để thông toàn tuyến với tổng mức đầu tư 18,65 tỉ USD.
Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam dự tính đi qua 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và TP HCM.
Người lao động