MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có luật về năng lượng tái tạo?

Nghị quyết số 140/NQ-CP vừa được Chính phủ ban hành nhằm thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nghị quyết đưa ra các mục tiêu cụ thể về nhu cầu năng lượng trong nước, phục vụ cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Năng lượng sơ cấp đến năm 2030 đạt khoảng 175-195 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), đến năm 2045 đạt khoảng 320-350 triệu TOE, tổng công suất các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỷ kWh.

Trong đó tỷ lệ các nguồn tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20% vào năm 2030, 25-30% vào năm 2045.

Tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng đến năm 2030 đạt mức 105-115 triệu TOE, năm 2045 đạt mức 160-190 triệu TOE. Cường độ năng lượng sơ cấp năm 2030 đạt từ 420-460 kgOE/1.000 USD GDP, năm 2045 từ 375-410 kgOE/1.000 USD GDP.

Các cơ sở lọc dầu đáp ứng tối thiểu 70% nhu cầu trong nước; bảo đảm mức dự trữ chiến lược xăng dầu tối thiểu 90 ngày nhập ròng. Đủ năng lực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khoảng 8 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 15 tỷ m3 vào năm 2045.

Giảm phát thải nhà kính từ hoạt động năng lượng so với kịch bản phát triển bình thường ở mức 15% vào năm 2030, lên mức 20% vào năm 2045.

Tầm nhìn đến năm 2045: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; hình thành đồng bộ các yếu tố thị trường năng lượng cạnh tranh, minh bạch, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các phân ngành năng lượng phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng năng lượng phát triển đồng bộ, hiện đại, khả năng kết nối khu vực và quốc tế được nâng cao; chất lượng nguồn nhân lực, trình độ khoa học, công nghệ và năng lực quản trị ngành năng lượng đạt trình độ tiên tiến của một nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Để đạt được các mục tiêu này, Nghị quyết 140 đưa ra 10 nhóm giải pháp, nhiệm vụ cho nhiều bộ, ngành, chính quyền các cấp. 

Trong đó về năng lượng tái tạo, Nghị quyết yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, xây dựng luật về năng lượng tái tạo; nghiên cứu, quy hoạch một số trung tâm năng lượng tái tạo tại các vùng và địa phương có lợi thế và cơ chế ưu đãi để thúc đẩy phát triển các trung tâm năng lượng tái tạo; nghiên cứu công nghệ, xây dựng một số đề án thử nghiệm sản xuất và khuyến khích sử dụng năng lượng Hydro phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Về chính sách phát triển ngành điện, Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi xa bờ, phù hợp với triển khai thực hiện chiến lược biển Việt Nam; nghiên cứu xây dựng, đề xuất các cơ chế phát triển điện năng lượng tái tạo với mục đích tự dùng (ưu tiên điện mặt trời áp mái)...

Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Công thương thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp khí, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống cảng nhập, kho chứa, phân phối LNG để đảm bảo cung cấp đủ khí theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ.

H.S

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên