MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ có lương hưu 700.000 đồng mỗi tháng!

02-11-2017 - 09:12 AM | Xã hội

Kỳ vọng rồi thất vọng là tâm trạng của không ít người lao động đối với chính sách BHXH liên quan đến chế độ hưu trí hiện nay.

Gần đây, trường hợp cô Trương Thị Lan, giáo viên Trường Mầm non Lê Duẩn (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), sau 37 năm công tác chỉ nhận được mức lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng khiến dư luận rất quan tâm. Cứ tưởng đây đã là mức lương hưu "thê thảm" nhất, song BHXH Việt Nam khẳng định đó chưa phải là mức lương hưu thấp nhất.

1,3 triệu đồng... vẫn còn cao!

Theo bà Đinh Thu Hiền, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), hiện cả nước có 3.228 người đang hưởng lương hưu dưới 1,3 triệu đồng/tháng và nhóm hưởng lương hưu thấp hơn lương cơ sở không phải chỉ có giáo viên mầm non. "Chẳng hạn, hiện nay đối tượng cán bộ phường, xã, thị trấn không chuyên trách có mức đóng BHXH chỉ trên mức lương cơ sở và nếu thời gian đóng BHXH chỉ 20 năm, tỉ lệ hưởng của họ là 55%. Trong thời gian tới khi áp dụng chính sách BHXH mới thì tỉ lệ lương hưu của họ cũng chỉ dao động từ 55%-60% nên chắc chắn mức hưởng lương hưu của họ cũng sẽ thấp và thực tế đã thấp rồi" - bà Hiền nói.

Người lao động làm thủ tục tại BHXH TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ngoài ra, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng có mức đóng thấp nhất bằng mức lương cơ sở. Trong khi đó, theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2016, mức lương hưu của đối tượng này thấp nhất sẽ bằng mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn, tức khoảng 700.000 đồng/tháng. Đây cũng chính là mức lương hưu thực nhận của họ bởi theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện và cán bộ xã, phường, thị trấn không chuyên trách không thuộc đối tượng được bù cho bằng mức lương cơ sở như giáo viên mầm non.

Bị thiệt vì sinh vào tháng 12

Không chỉ thất vọng về mức lương hưu thấp, quy định về điều kiện nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động của Luật BHXH năm 2014 cũng vấp phải sự phản ứng của người lao động. Phản ánh với Báo Người Lao Động mới đây, ông Huỳnh Ngọc Chiến, ngụ tại quận Gò Vấp, TP HCM, khá bức xúc. Theo trình bày của ông Chiến, ông sinh ngày 12-12-1965, tham gia BHXH 33 năm, trong đó có 25 năm làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và hiện đã nghỉ việc. Mới đây, sau khi nhận kết quả giám định bị suy giảm khả năng lao động 64% ông đã đến BHXH quận Gò Vấp làm thủ tục xin nghỉ hưu trước tuổi thì được trả lời do ông sinh vào tháng 12 nên phải sau 3 năm nữa mới đủ điều kiện về tuổi để nghỉ hưu sớm. "Tôi thật sự không thể hiểu nổi tại sao những người sinh cùng năm nhưng khác tháng với tôi thì được nghỉ hưu, còn tôi phải chờ đến 3 năm sau. Tôi bị suy giảm khả năng lao động, hiện không có việc làm, không có thu nhập, thử hỏi trong 3 năm chờ đợi đó tôi sống bằng gì?" - ông Chiến nói với sự bất bình.

Theo giải thích của BHXH quận Gò Vấp, ông Chiến sinh vào ngày 12-12-1965, tức 52 tuổi, sẽ đủ điều kiện nghỉ hưu vào ngày 12-12-2017. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu lại là ngày 1 tháng liền kề sau tháng sinh, tức ngày 1-1-2018. Song khi bước sang năm 2018, theo quy định tại điều 55 Luật BHXH, ông Chiến phải đủ 53 tuổi mới được nghỉ hưu (tức ngày 12-12-2018) và vì luật thay đổi, tăng điều kiện về tuổi nghỉ hưu sau mỗi năm nên phải đến năm 2020 khi đủ 55 tuổi ông mới được nghỉ hưu.

Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết đã có nhiều trường hợp tượng tự như ông Chiến xảy ra sau khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực. Sau đó Bộ LĐ-TB-XH đã có văn bản chỉ đạo tính thời điểm nghỉ hưu cho các trường hợp sinh vào tháng 12 trong năm. Tuy nhiên, văn bản chỉ áp dụng cho những người sinh tháng 12 có thời điểm nghỉ hưu rơi vào ngày 1-1-2017 và chưa có chỉ đạo mới cho thời điểm hiện nay.

Theo Mai Chi

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên