Sẽ có một thành phố trực thuộc trung ương, phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm nằm cạnh Hà Nội
Từ một khu vực thuần nông, đến nay, tỉnh này đã trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đứng top đầu cả nước.
- 23-06-2023Gần 360 triệu USD vốn FDI đổ vào Vĩnh Phúc
- 23-06-2023Điểm mặt những 'siêu dự án' đội vốn và chậm tiến độ vừa được Hà Nội yêu cầu xử lý
- 23-06-2023Tổng thống Hàn Quốc nói gì với phái đoàn 205 doanh nghiệp có Samsung, SK, Hyundai... về việc đầu tư vào Việt Nam?
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 728/QĐ-TTg ngày 20/6/2023 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045.
Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch là 05 đơn vị hành chính, gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ, huyện Tiên Du và huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Quy mô diện tích quy hoạch khoảng 49.137 ha. Thời hạn quy hoạch ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2045.
Quy hoạch nhằm xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, làm tiền đề để xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2030.
Xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn hóa, sinh thái, đô thị thông minh, hướng tới kinh tế tri thức. Tăng cường quản lý, thu hút đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển bền vững, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Về mô hình cấu trúc phát triển, đô thị Bắc Ninh phát triển theo mô hình chùm đô thị, đa trung tâm, gắn với vùng Thủ đô Hà Nội, gồm 7 trọng tâm phát triển đô thị gắn với mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD), được giới hạn bởi các "nêm xanh" (là các tuyến sông kênh, mặt nước sinh thái, công viên, làng xóm, bảo tồn di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan sinh thái đặc trưng) và 3 hành lang phát triển.
Về định hướng quy hoạch hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó, bố trí 12 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 4.800 ha, trong đó cập nhật khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh và khu công nghiệp An Việt - Quế Võ 6 theo điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1369/QĐ-TTg ngày 17/10/2018; bổ sung khu công nghiệp tại các xã Phượng Mao, Yên Giả và Mộ Đạo với diện tích khoảng 150 ha. Chuyển đổi khu công nghiệp Hanaka hiện hữu sang chức năng đô thị.
Đến năm 2045, bố trí 32 cụm công nghiệp với tổng quy mô khoảng 856 ha; chuyển đổi 13 cụm công nghiệp sang đô thị, thương mại, dịch vụ với tổng diện tích khoảng 310 ha. Bổ sung đất cụm công nghiệp mới với tổng diện tích khoảng 188 ha.
Xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung Bắc Ninh, diện tích khoảng 250 ha. Tập trung xây dựng phát triển đa dạng các loại hình thương mại, đặc biệt là các hạ tầng thương mại mang tính chất quy mô lớn.
Bắc Ninh: Từ một tỉnh thuần nông thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, đứng top đầu cả nước
Tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo niên giám thống kê năm 2022, dân số Bắc Ninh là 1.488.250 người, trong đó nam giới chiếm 49,2 %, nữ giới 50,8%.
Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và 4 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn.
Bắc Ninh là tỉnh có các đường giao thông lớn quan trọng chạy qua, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại và văn hoá của miền Bắc. Quốc lộ 1A nối Hà Nội - Bắc Ninh - Lạng Sơn; đường cao tốc Quốc lộ 18 nối sân bay Quốc tế Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long; Quốc lộ 38 nối Bắc Ninh - Hải Dương - Hải Phòng; trục đường sắt xuyên Việt đi Lạng Sơn và Trung Quốc. Mạng lưới đường thuỷ sông Cầu, sông Đuống, sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội và giao lưu với bên ngoài.
Sau hơn 20 năm tái lập, từ một tỉnh nông nghiệp thuần túy, đến nay Bắc Ninh đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, với nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đứng trong top đầu cả nước.
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2022 ước 142.289,2 tỷ đồng, tăng 7,39% so với năm 2021; thu nhập bình quân đầu người 65,3 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển đúng hướng, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỉ lệ 76,5%; dịch vụ chiếm 17,2%; thuế sản phẩm chiếm 3,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,5%.
Về thu ngân sách nhà nước ước đạt 30.372 tỷ đồng, đạt 99,4% dự toán, trong đó thu nội địa 22.772 tỷ đồng, đạt 97,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 7.600 tỷ đồng, đạt 104,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách địa phương ước 20.163 tỷ đồng, tăng 10,7% so với dự toán.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước 91,7 tỷ USD, đạt 99,6% kế hoạch, tăng 10,2% so với năm 2021, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước 48,4 tỷ USD, tăng 7,9%, nhập khẩu ước 43,3 tỷ USD, tăng 13%.
Trong năm 2022, tỉnh cấp mới 124 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 318,8 triệu USD (tăng 7,8% về số dự án và giảm 44,3% về vốn), cấp mới đăng ký đầu tư 49 dự án trong nước với tổng số vốn đầu tư 16.211 tỷ đồng, (giảm 7,5% về số lượng dự án và giảm 15,2% về quy mô vốn so với cùng kỳ); thành lập mới 2.443 doanh nghiệp (tăng 15%) với số vốn đăng ký 20.036 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ).
Năm 2023, Bắc Ninh đặt ra kế hoạch tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,5% - 7% so với năm 2022. Thu nhập bình quân đầu người 69,5 triệu đồng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 93.262 triệu USD; trong đó xuất khẩu 50.870 triệu USD, nhập khẩu 42.392 triệu USD. Tổng vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn 60 nghìn tỷ đồng. Thu hút mới vốn FDI vào các khu công nghiệp 1,2 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 31.360 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa 23.820 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 7.810 tỷ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 78%. Tỷ lệ hộ nghèo đến hết năm 2023 còn 1%.
Nhịp sống kinh tế