Sẽ cưỡng chế nợ thuế trăm tỷ hai Tổng công ty
Hai đơn vị bị xem xét cưỡng chế tiền nợ thuế gồm Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin).
Tổng cục Thuế vừa có công văn 759/TCT-QLN gửi Cục Thuế Hà Nội không đồng ý với việc hoãn cưỡng chế thu hồi tiền thuế đất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn nợ.
Theo đó, Tổng cục Thuế dẫn hàng loạt quy định, như Nghị định 83/2013, Thông tư 06/2017... quy định về các trường hợp chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế, gia hạn, nộp dần tiền thuế nợ. Tuy nhiên, trường hợp nợ tiền thuế đất của Tổng công ty đường sắt Việt Nam tại lô đất 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) không thuộc các đối tượng trên.
Do đó, Tổng cục Thuế kết luận, đề xuất của Cục Thuế Hà Nội chưa cưỡng chế số tiền thuế đất Tổng công ty đường sắt Việt Nam còn nợ là không có căn cứ giải quyết. Điều này đồng nghĩa, Cục Thuế Hà Nội sẽ phải thực hiện biện pháp cưỡng chế để thu hồi số tiền thuế đất Tổng công ty đường sắt Việt Nam còn nợ.
Theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, khu đất tại 551 Nguyễn Văn Cừ có diện tích 203.873 m2, hết năm 2016, số tiền thuê đất tạm tính còn nợ trên 27 tỷ đồng.
SBIC hiện còn nợ thuế hơn 133 tỷ đồng. Ảnh minh họa: IE.
Tổng cục Thuế vừa có văn bản 742/TCT-QLN gửi Cục Thuế Hà Nội về cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy - SBIC (tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy - Vinashin).
Theo đó, Tổng cục Thuế vừa nhận được công văn của Tổng cục Hải quan về việc cưỡng chế nợ thuế đối với SBIC, bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Do đó, Tổng cục Thuế giao Cục Thuế Hà Nội khi có đề nghị của Tổng cục Hải quan thì phối hợp thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế của SBIC bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.
Trước đó, trong năm 2016, Tổng cục Thuế cũng từng có 2 văn bản hướng dẫn Cục Thuế Hà Nội thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC.
Lãnh đạo SBIC cho biết, khoản nợ thuế của đơn vị đã cộng dồn qua nhiều năm, với đa số nợ được chuyển từ Vinashin sang tới nay, với số nợ thuế lớn. Tuy nhiên, hiện SBIC đang được kiểm soát đặc biệt, nên dòng tiền cũng chuyển trực tiếp về Bộ Tài chính quản lý, nên không còn tiền để thanh toán số thuế còn nợ.
Được biết, SBIC đã nhận được văn bản của Tổng cục Thuế, cách đây ít ngày đã có văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng chưa thực hiện cưỡng chế thu hồi số tiền thuế còn nợ. Các năm trước đó, SBIC cũng từng có vài văn bản như vậy.
Tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ số tiền thuế hơn 133 tỷ đồng, và xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, và tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp...
Tiền phong