Sẽ không bao giờ hoàn thành tái cơ cấu ngân hàng?
Có một thực tế, mục tiêu tái cơ cấu cứ chuyển từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác; nhưng ở khía cạnh yêu cầu thì đây là quá trình thường xuyên và liên tục…
- 01-09-2021Rủi ro tiềm ẩn ở lãi dự thu, lợi nhuận ngân hàng nguy cơ giảm vì các khoản nợ tái cơ cấu
- 02-08-2021Nhìn lại thập kỷ tái cơ cấu của ngành ngân hàng
Sau 10 năm, một trọng tâm của hoạch định, quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay là tiếp tục công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn mới.
Một lần nữa, dự thảo Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu hoàn thành cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD).
Đặt mục tiêu hoàn thành vì chưa hoàn thành, vì đã vắt sang nhiệm kỳ thứ ba nhưng vẫn còn đó những ngổn ngang và thậm chí đang chất thêm khó khăn mới.
VÌ SAO CHƯA TRIỆT ĐỂ?
Để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp tháng 10 tới và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10 - 11/2021), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo kế hoạch vào hôm qua (24/9).
Báo cáo phục vụ cuộc họp, đánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ cho rằng: việc thực hiện nhóm nhiệm vụ cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm (đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các TCTD) mặc dù được triển khai thực chất hơn nhưng chưa hoàn thành theo mục tiêu đặt ra là hoàn thành cơ cấu lại trước năm 2019 để tập trung nguồn lực triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.
Theo Chính phủ, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong nước, qua đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của TCTD và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra tại các phương án/đề án cơ cấu lại, trong đó có mục tiêu về kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chưa thể xử lý triệt để do thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù. Quy mô và năng lực tài chính, cạnh tranh của các TCTD còn hạn chế so với khu vực.
Một trong những nguyên nhân chủ quan của các hạn chế yếu kém nói chung và tái cơ cấu các TCTD nói riêng được nhìn nhận là thị trường vốn chậm phát triển, chưa phát huy được vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn, khiến đầu tư trung và dài hạn của nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào vốn tín dụng ngân hàng . Điều này tiềm ẩn rủi ro thanh khoản với hệ thống ngân hàng, là rào cản cho hệ thống ngân hàng áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế.
Bình luận về quá trình tái cơ cấu thị trường tài chính, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá, đối với hệ thống các ngân hàng, chất lượng tín dụng được cải thiện, xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2011-2020 được đẩy mạnh và đạt được kết quả khả quan, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống giảm từ mức 3,1% năm 2011 xuống còn 1,8% cuối năm 2020, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Cùng đó, hệ thống đã tiến hành xử lý, tái cơ cấu các TCTD yếu kém giúp tình hình thanh khoản ổn định trở lại, tránh được nguy cơ đổ vỡ lây lan sang các TCTD khác. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD cơ bản được xử lý.
Tuy nhiên, theo ông Thăng, cơ cấu thị trường tài chính mất cân đối, còn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng. Trong thời gian qua, mặc dù có sự dịch chuyển trong cấu trúc (vai trò của thị trường vốn tăng lên cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và khu vực bảo hiểm), hệ thống tài chính Việt Nam về cơ bản vẫn dựa vào ngân hàng (bank-based). Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam thuộc nhóm cao trên thế giới và khu vực (tăng liên tục từ mức 103% năm 2011 lên 143% năm 2020).
Nhìn nhận hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn những rủi ro và hạn chế, ông Thăng chỉ rõ: Quá trình xử lý nợ xấu tại các TCTD còn nhiều khó khăn vướng mắc chưa được giải quyết, chủ yếu liên quan đến xử lý tài sản đảm bảo. So với các nước trong khu vực, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Việt Nam còn thấp, việc tăng vốn và triển khai áp dụng Basel II trên toàn hệ thống còn khó khăn và chậm so với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết của Quốc hội ngày 8/11/2016.
Đối với trụ cột 2 (về việc nâng cao năng lực điều hành, kiểm soát nội bộ và quản trị rủi ro), các TCTD gặp khó khăn trong việc triển khai Thông tư 13/2018/TT-NHNN, Thông tư 40/2018/TT-NHNN do: hệ thống quản trị rủi ro chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế; quy trình nhận diện, đo lường và kiểm soát rủi ro hiệu quả thấp, đòi hỏi chi phí lớn; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hệ thống thông tin dữ liệu còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và rủi ro đạo đức.
Ngoài ra, tình hình tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém diễn ra chậm, đặc biệt tại các ngân hàng mua bắt buộc và kiểm soát đặc biệt, nợ xấu và lãi dự thu tập trung lớn tại các ngân hàng này.
Cũng theo ý kiến trên, tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro cao chưa minh bạch, có hiện tượng cho vay bất động sản, chứng khoán nhưng được che giấu dưới hình thức cho vay phục vụ các nhu cầu đời sống. Sở hữu chéo tại các TCTD tuy được cải thiện nhưng chưa được xử lý triệt để.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức tham vấn ý kiến chuyên gia về dự thảo kế hoạch vào hôm qua (24/9)
"NGUY CƠ GIA TĂNG NỢ XẤU ĐÃ RẤT RÕ"
Trong dự thảo kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ thứ nhất nêu yêu cầu hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao nội lực của hệ thống các TCTD trên cơ sở hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, an toàn, hiệu quả, dựa trên nền tảng quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế.
Kế hoạch cũng xác định đấy mạnh xử lý nợ xấu (đặc biệt là nợ xấu lĩnh vực bất động sản) của các TCTD, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3%.
Nhiều giải pháp đã được tính toán để đạt mục tiêu trên, trong đó có nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam, kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh.
Góp ý về định hướng giai đoạn mới, TS. Vũ Nhữ Thăng cho rằng cần tiếp tục cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Trọng tâm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD yếu kém, nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý đối với hoạt động mua bán nợ, thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ để tăng cường khả năng xử lý nợ xấu; đồng thời khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài tham gia xử lý TCTD yếu kém…
Nhìn cả ba trọng tâm, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng mục tiêu "hoàn thành tái cơ cấu DNNN, đầu tư công, TCTD" sẽ không bao giờ hoàn thành, vì đây là một quá trình liên tục. Vì thế theo ông nên đặt mục tiêu cụ thể hơn cho ba trọng tâm này.
Mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3% theo vị chuyên gia này cũng cần phải xem lại, vì nguy cơ nợ xấu gia tăng đã rất rõ.
Với các giải pháp cụ thể, ông Cung băn khoăn, dự thảo nêu tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, vậy cụ thể là làm gì?
Về xử lý nợ xấu, ông Cung cho rằng sẽ phải có đường cơ sở và mục tiêu mới, không phải là những gì đang có trên báo cáo hiện nay; giải pháp phải khác và phải sửa rất nhiều luật lệ để có thị trường mua bán nợ mới được; còn nếu không thì sẽ còn mất nhiều năm nói về nợ xấu.
Không lẽ kéo dài hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác?
"Đã 10 năm tái cơ cấu (cơ cấu lại), lúc đầu ba trọng tâm, và sau đó, thành xu hướng, mở ra tất cả, cái gì cũng tái cơ cấu, cơ cấu lại, như thế liệu có đúng không? Hiện nay, thực sự nền kinh tế cần cơ cấu lại hay cần gì khác? Không lẽ chúng ta cứ cơ cấu lại hết nhiệm kỳ này đến nhiệm kỳ khác, giống như chuyển đổi sang kinh tế thị trường, 35 năm vẫn chưa hoàn thành.
Giả sử sắp tới đây, ta không có kế hoạch này thì nền kinh tế sẽ ra sao? Tôi nghĩ không sao? Thậm chí tốt hơn? Vì lúc đó, chúng ta sẽ nghĩ đến việc khác, đến hướng khác có khi phù hợp hơn với yêu cầu phát triển?" - TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM
TS. Nguyễn Đình Cung
Bizlive