Sẽ phát hành trái phiếu lấy vốn xây nhà ở xã hội
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ lãi suất cho đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Đây là lần đầu Chính phủ đề cập tới phương án này cho phát triển nhà ở xã hội.
- 01-04-2024Bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi nhờ du lịch
- 01-04-2024Báo cáo đánh giá tác động của Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi (2023) và kiến nghị
- 01-04-2024Novaland giảm lãi gần 200 tỷ đồng sau kiểm toán: PwC đưa ra giả định về hoạt động liên tục, doanh nghiệp khẳng định đã cơ bản hoàn thành tái cấu trúc các khoản nợ vay và nợ trái phiếu
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho phát triển nhà ở xã hội .
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan căn cứ chủ trương, chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội để nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu chính phủ, hỗ trợ lãi suất để hỗ trợ hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.
Trái phiếu Chính phủ - một trong những công cụ tài chính phổ biến được Chính phủ sử dụng huy động vốn từ các nhà đầu tư . Đây là lần đầu Chính phủ đề cập tới phương án này cho phát triển nhà ở xã hội.
Trước đó, tại dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng lấy ý kiến vào cuối tháng 2, cơ quan này đề xuất phương án phát hành trái phiếu Chính phủ khi phát triển phân khúc này. Việc này để có nguồn lực cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Liên quan đến gói 120.000 tỷ đồng, triển khai nghị quyết 33 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại cam kết dành gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho vay mua, đầu tư phát triển nhà ở xã hội với lãi suất cho vay thấp hơn lãi vay thương mại bình quân của 4 ngân hàng từ 1,5-2%.
Định kỳ 6 tháng, Ngân hàng Nhà nước sẽ căn cứ vào lãi vay thương mại trên thị trường để điều chỉnh lãi vay của gói 120.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, đã kêu gọi và nhận được sự đồng tình của 4 ngân hàng thương mại nhà nước và đến nay có thêm 1 ngân hàng thương mại cổ phần nữa tham gia; tổng giá trị gói hiện lên đến 125.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị này, lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đánh giá, nguồn vốn 120.000 tỷ đồng chưa được giải ngân hiệu quả.
Lý do, việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 127 dự án, với quy mô 114.934 căn, được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình, với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy, còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.
Bộ Xây dựng cũng cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã hai lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà; thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.
Chính phủ đang thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp đến 2030. Ba năm qua, gần 500 dự án nhà ở xã hội dự án được triển khai, cung ứng trên 411.250 căn hộ. Nhưng hiện số căn hoàn thành chưa tới 10%, còn lại mới khởi công hoặc chờ duyệt. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi thủ tục dự án nhà ở xã hội nhiều hơn làm nhà ở thương mại.
Tiền Phong