MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ thu phí BOT tuyến Nội Bài - Nhật Tân và loạt cao tốc Nhà nước đầu tư?

Sẽ thu phí BOT tuyến Nội Bài - Nhật Tân và loạt cao tốc Nhà nước đầu tư?

Bộ Tài chính đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng...

Bộ Tài chính vừa có thông tin trả lời các vấn đề được dư luận xã hội, báo chí quan tâm đối với những lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ trong tháng 4/2021.

Theo đó, liên quan tới vấn đề thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, hiện Bộ đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Với đề xuất này, các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư như: Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội), TP.HCM- Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế) và 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam đang thi công sẽ áp dụng thu phí BOT .

Hiện có 3 tuyến đã được đưa vào khai thác là Nội Bài - Nhật Tân (Hà Nội), TP.HCM- Trung Lương; La Sơn - Túy Loan (Huế) đều có mật độ phương tiện rất lớn. Tuyến cao tốc Bắc - Nam sau khi xây dựng xong cũng được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển của phương tiện giao thông đường bộ và tạo động lực cho kinh tế địa phương.

Do đó, đề xuất này đang gặp phải nhiều ý kiến trái chiều như việc doanh nghiệp và người dân lưu hành xe cho rằng đã phải nộp các khoản phí bảo trì đường bộ, thuế bảo vệ môi trường qua xăng dầu,... vậy nên việc tiếp tục nộp khoản thu phí sử dụng đường bộ trên các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư liệu có hợp lý?

Giải đáp về thắc mắc này, Bộ Tài chính cho hay, hiện số thu từ phí sử dụng đường bộ rất thấp, chỉ đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu tối thiểu cho hoạt động bảo trì đường bộ. Hàng năm, ngân sách nhà nước còn phải cấp bổ sung từ 3.000 – 4.000 tỷ đồng cho công tác bảo trì hệ thống đường bộ do Nhà nước quản lý, do đó việc thu phí sẽ đáp ứng nhu cầu bảo trì, phát triển hệ thống đường cao tốc.

Việc thiếu hụt chi phí tài chính cho hoạt động bảo trì đường bộ sẽ dẫn đến tình trạng chất lượng đường xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến hoạt động đi lại của người dân và gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.

Đồng thời, theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm huy động, khơi thông nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng.

Tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, đã nêu: Sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, giá, phí, lệ phí, nhượng quyền... để tăng tính thương mại của dự án và sự đóng góp của người sử dụng.

Tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020, đã giao Chính phủ: Đối với những dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công, nghiên cứu, áp dụng phương án thu giá dịch vụ hợp lý để thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước.

Tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu: Huy động tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc dưới nhiều hình thức.

Căn cứ các quy định nêu trên, việc đề xuất thu phí sử dụng đường bộ cao tốc để huy động nguồn lực của xã hội nhằm phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, toàn diện là cần thiết và có cơ sở pháp lý. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc theo mục tiêu đề ra, đảm bảo nguyên tắc bù đắp các chi phí cần thiết như trả nợ vốn vay, duy tu, bảo dưỡng.

Ngày 30/3/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 67/TB-VPCP về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về dự thảo Nghị quyết của UBTVQH quy định phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, theo đó giao: Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đề xuất về cơ chế thu phí, hoàn thiện Dự án Luật Giao thông đường bộ (trong đó có nội dung về cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư), đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang nghiên cứu và phối hợp với Bộ GTVT để đề xuất cơ chế thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ.

Theo Hạ An

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên