MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ xem xét tư cách ĐBQH của Phó Chủ tịch Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh?

13-06-2016 - 08:24 AM | Xã hội

“Vụ việc này không phải là số xe biển trắng đổi thành biển xanh mà đằng sau nó là cả một loạt vấn đề thiếu minh bạch, làm cho dư luận băn khoăn”, ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12 trao đổi với chúng tôi về vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh.

- Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu kiểm tra vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Hậu Giang "đi xe biển xanh và di sản của ông này để lại". Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Lê Văn Cuông: Tôi rất đồng tình và hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư. Thực ra, vấn đề này nếu bình thường thì khi dư luận xã hội lên tiếng, báo chí đề cập nhiều, các cơ quan chức năng phải vào cuộc ngay để làm rõ. Tuy nhiên, do các cơ quan chức năng không xuất hiện mà dư luận liên tục lên tiếng cho nên bức xúc quá, Tổng Bí thư mới lên tiếng.

Theo tôi thấy, việc các cơ quan thanh tra của ta trùng trùng điệp điệp ở đâu cũng có như vậy nhưng khi có việc nổi cộm, bức xúc với người dân như thế lại để Tổng Bí thư phải chỉ đạo đó là điều không bình thường.

Vụ việc này không phải là số xe biển trắng đổi thành biển xanh mà đằng sau nó là cả một loạt vấn đề thiếu minh bạch, làm cho dư luận băn khoăn. Ví dụ như làm ăn thua lỗ trên 3.000 tỷ, Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm làm rõ vấn đề nhưng lại phớt lờ không tiến hành. Như vậy, rõ ràng là trên bảo dưới không nghe. Vấn đề này phải làm rõ trách nhiệm khi không thực hiện ý kiến của Thủ tướng để xử lý những người có liên quan tới việc không thực hiện công vụ này.

Thứ hai, phải làm rõ tại sao người quản lý có sự thất thoát thua lỗ như thế lại được đề bạt, luân chuyển, được bầu vào đại biểu Quốc hội. Con người như vậy vẫn qua được các thang bậc. Do đó, cần phải xem xét lại quy trình cất nhắc, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ như thế nào và trách nhiệm của những người có liên quan ở Bộ Công thương, Ban Tổ chức TƯ và tỉnh Hậu Giang xem vấn đề như thế lại để “lọt lưới”. Vậy có vấn đề tiêu cực đằng sau đó không? Hay là vấn đề có người “chống lưng” hay nâng đỡ không mà để một người có năng lực, phẩm chất không đạt yêu cầu quy định vẫn thăng tiến ào ào như thế.

Rồi thì Bí thư Hậu Giang có ý bao biện, bao che cho việc làm sai. Ngay Bí thư Tỉnh ủy nhận thức vấn đề đó như thế thì liệu những vấn đề khác chỉ đạo như thế nào? Cho nên ở đây ở rất nhiều vấn đề không minh bạch, và có những cái người dân nghĩ đến việc làm không trong sáng của tổ chức và cá nhân liên quan đến vấn đề làm rõ đúng, sai theo chỉ đạo của nguyên Thủ tướng Chính phủ, vấn đề cất nhắc, đề bạt, luân chuyển cán bộ, giới thiệu vào đại biểu Quốc hội…

Ở đây có thể có rất nhiều biểu hiện tiêu cực chạy chức, chạy quyền đằng sau việc này cho nên buộc lòng Tổng Bí thư phải ra tay chỉ đạo làm rõ để đưa Nghị quyết 4 của Trung ương vào cuộc sống chứ cứ nói đâu đâu nhưng những việc rõ ràng, dư luận đề cập là không được.

Theo tôi, đây là một “tiếng súng lệnh” của Tổng Bí thư để cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng phải được phát động đi vào cuộc sống chứ không thể là tiếng nói suông trong nghị trường hay là trong những báo cáo.

- Với những việc như ông nói trên, theo ông Quốc hội có nên xem xét lại tư cách ĐBQH của vị Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang này?

Theo quy định của pháp luật, những người trúng cử ĐBQH nhưng trong quá trình dư luận có ý kiến hay có đơn đề nghị xác minh làm rõ thì Hội đồng bầu cử quốc gia phải vào cuộc để thực hiện việc này.

Đây là trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia phải xác định tư cách của đại biểu để báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu trước Quốc hội ở kỳ họp thứ nhất.

Việc này phải tiến hành xác minh làm rõ và căn cứ vào các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn của đại biểu QH để xem có đảm bảo không, nếu không đảm bảo thì dứt khoát không công nhận đại biểu Quốc hội dù trúng cử với số phiếu cao nhưng không đảm bảo theo quy định của pháp luật thì Hội đồng bầu cử có quyền kiến nghị Quốc hội không công nhận là ĐBQH.


Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12.

Ông Lê Văn Cuông, ĐBQH khóa 11, 12.

Tôi thấy chỉ cần một vấn đề tính trung thực như tiêu chuẩn xe tư nhân biển trắng anh ấy đã gian dối biến biển trắng thành xanh, ngay việc đó là không trung thực, đã vi phạm phẩm chất, tiêu chuẩn của người đại biểu QH rồi. Còn chưa nói tới các vấn đề về quá trình anh thực thi nhiệm vụ để thất thoát, thua lỗ như thế hoặc các cơ quan chưa tiến hành kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC cũng là một vấn đề còn đang sơ hở, thiếu minh bạch trong vấn đề thẩm tra lý lịch hoặc làm rõ nhân thân trong quá trình ứng cử đại biểu QH. Tất cả những vấn đề đó, có liên quan đến tiêu chuẩn của ĐBQH thì phải xác minh làm rõ để từ đó xác định có xứng đáng làm đại biểu QH hay không?

Cũng giống như bà Yến kỳ trước, không trung thực trong kê khai lý lịch, giữa nhiệm kỳ cũng bị bãi miễn. Đây là một trường hợp có thuận lợi là chưa được công nhận chính thức là ĐBQH. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì Hội đồng bầu cử quốc gia đề nghị không công nhận, như vậy anh vẫn không phải là ĐBQH mặc dù được dân bầu.

- Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, phải trong trường hợp có đơn thư thì Hội đồng bầu cử quốc gia mới vào cuộc xác minh. Còn trong trường hợp này, nếu không có đơn thư thì sao?

Theo quy định của luật, nếu có đơn thư mà gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, sau 5 ngày công bố Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ có trách nhiệm xác minh trong thời gian một tháng, báo cáo kết quả.

Nếu không có đơn, không có dư luận xã hội thì người ta vẫn lọt lưới. Như bà Yến trước đây không trung thực thì vẫn được công nhận là đại biểu Quốc hội vì không có đơn từ tố cáo và dư luận không có ý kiến gì.

Tuy nhiên, bây giờ dư luận lên tiếng mạnh mẽ như thế, Tổng Bí thư đã có ý kiến rồi thì trường hợp này không thể không xem xét và trả lời trước công luận được. Việc này, theo tôi còn hơn cả đơn thư.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Theo Xuân Tùng (thực hiện)

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên