Selly, nền tảng bán hàng không cần vốn vừa huy động 2,6 triệu USD từ CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia, và KVision
Mô hình social commerce của Selly giúp người tham gia khởi sự kinh doanh, tạo ra thu nhập bền vững mà không cần bỏ vốn, không yêu cầu lưu kho, và hoàn toàn không cần lo đến khâu vận hành.
Selly – mô hình thương mại điện tử ứng dụng tương tác cộng đồng (social commerce) đã huy động được 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ các quỹ đầu tư CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia, và KVision. Chưa đầy một năm sau khi ra mắt, Selly đã giúp tạo việc làm cho hàng trăm ngàn phụ nữ và người mất việc do ảnh hưởng của Covid-19.
Selly là một trong những công ty tiên phong cho mô hình social commerce tại Việt Nam khi xu hướng mua sắm trên các nền tảng cộng đồng đang ngày càng phát triển. Theo báo cáo của Accenture, giá trị giao dịch mua sắm qua các nền tảng mạng xã hội trên toàn cầu sẽ đạt mức 1.200 tỉ USD vào năm 2025, tăng gần 3 lần so với mức 492 tỉ USD hiện nay. Chỉ sau 10 tháng hoạt động từ 04/2021, Selly đã chứng minh được tiềm năng của mình với mức tăng trưởng kinh doanh gấp 300 lần. Selly hiện đồng hành với hơn 300.000 đối tác bán hàng, trong đó 80% đến từ các thành phố nhỏ, đa số là phụ nữ nội trợ và những người mất việc do Covid-19. Đồng hành cùng Selly, các đối tác bán hàng có thể gia tăng thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Ra mắt giữa thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Selly chạm tới đúng nhu cầu tìm kiếm việc làm của nhiều người lao động bị mất việc. Mô hình social commerce của Selly giúp họ khởi sự kinh doanh, tạo ra thu nhập bền vững mà không cần bỏ vốn, không yêu cầu lưu kho, và hoàn toàn không cần lo đến khâu vận hành. Mỗi người bán chỉ mất vài phút lựa chọn sản phẩm mình muốn kinh doanh từ nguồn hàng phong phú và chất lượng được trưng bày trên ứng dụng Selly, sau đó chia sẻ thông tin sản phẩm tới cộng đồng bè bạn và người quen xung quanh họ. Với mỗi đơn hàng được chốt, hàng hóa sẽ được Selly vận chuyển đến tận tay khách hàng cùng đầy đủ các dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Selly cũng đang đồng hành cùng hàng trăm nhà cung cấp là các xưởng sản xuất, nhà phân phối truyền thống, giúp họ chuyển mình lên thương mại điện tử để bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của xu hướng mua sắm trực tuyến hiện nay. Nền tảng đã trở thành kênh phân phối hiệu quả giúp nhà cung cấp tiếp cận được khách hàng tại khắp các tỉnh thành trên cả nước, đảm bảo toàn bộ khâu vận hành bán hàng, và chỉ tính chi phí khi hàng được bán thành công.
Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Selly, ông Thống Lê Anh Tuấn. Thống Lê Anh Tuấn trước đó khởi nghiệp với dự án Cashbag, ứng dụng hoàn tiền mua sắm online, từng được nhiều người biết đến với dự án tích điểm khách hàng cho doanh nghiệp F&B – Zody đình đám nhất nhì Đà Nẵng vài năm trước.
Chia sẻ về tầm nhìn của Selly, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Selly, ông Thống Lê Anh Tuấn cho biết: "Selly tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là những phụ nữ nội trợ và những người dễ chịu ảnh hưởng của biến động kinh tế. Với nguồn vốn mới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho đối tác bán hàng và nhà cung cấp, đồng thời đưa Selly tới nhiều hơn các tỉnh thành nhỏ lẻ của Việt Nam để người dân tại đó có cơ hội tạo thêm thu nhập bền vững."
Bà Amy Do, Giám đốc Đầu tư tại JAFCO Châu Á, cho biết: "Một trong nhiều lý do khiến chúng tôi đầu tư vào Selly là sứ mệnh lớn lao của họ trong việc giúp mọi người kiếm thêm thu nhập mà không cần đầu tư ban đầu, đặc biệt là nhóm những người mất việc làm hay thu nhập bị giảm sút. Trong thời kỳ khó khăn do Covid-19, Selly không chỉ thay đổi cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm mà còn mang đến một công việc làm thêm ý nghĩa cho các đối tác bán hàng. Chúng tôi tin rằng Selly có đầy đủ tiềm năng để dẫn đầu lĩnh vực social commerce trong những năm tới, và rất hân hạnh khi được hợp tác với công ty từ những chặng đường đầu tiên."
Giám đốc điều hành Nguyễn Minh Tuấn tại CyberAgent Capital Vietnam cho biết: "Khi tỉ lệ phổ cập thương mại điện tử ở Việt Nam mới chỉ đạt 4.5% (so với 18% tại Indonesia và 35% tại Trung Quốc) và tỉ lệ đô thị hoá là 35% (so với 56% tại Indonesia và 16% tại Trung Quốc), mức thấp nhất trong các nền kinh tế chính trong khu vực, Selly có cơ hội khai thác một thị trường rất lớn và tăng trưởng nhanh còn đang bỏ ngỏ thông qua cách tiếp cận độc đáo khác biệt so với thương mại điện tử truyền thống."
Thông tin về các quỹ đầu tư vào Selly
CyberAgent Capital, đơn vị thành viên của tập đoàn Nhật Bản CyberAgent Inc, hiện đầu tư vào hơn 350 công ty trên toàn cầu. Trong số này, 50 công ty đã được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo. Quỹ tập trung vào các công ty công nghệ từ giai đoạn Seed đến Series A.
Một số khoản đầu tư đáng chú ý của quỹ bao gồm Kakao Talk (Hàn Quốc), Tokopedia (Indonesia), Tiki (Việt Nam), Foody (Việt Nam), Batdongsan.com.vn (http://batdongsan.com.vn/) (Việt Nam), và nhiều công ty khác.
Do Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có quy mô 50 triệu USD, đóng vai trò như một đối tác chiến lược cho các công ty startup. Do Ventures tìm kiếm cơ hội đầu tư vào những startup công nghệ có khả năng phát triển các sản phẩm/dịch vụ mang lại sự tiện ích và nâng cao đời sống của người tiêu dùng tại Việt Nam và Đông Nam Á.
Với triết lý "Hành động để tăng trưởng" (tiếng Anh: Grow by Doing), Do Ventures tin rằng để một công ty startup có thể phát triển nhanh chóng và vượt lên dẫn đầu, các nhà sáng lập cần phải có khả năng thực thi xuất sắc, và phải sẵn sàng làm nhiều hơn để có nhiều cơ hội tìm ra công thức thành công. Một số công ty đã được Do Ventures đầu tư bao gồm: F99, Palexy, Manabie, MFast, VUIHOC, Bizzi, và Validus.
Genesia Ventures là quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Nhật Bản, chuyên đầu tư và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu với tầm nhìn mang lại cơ hội và sự thịnh vượng cho toàn xã hội, đồng thời đóng góp vào sự phát triển của khu vực Châu Á. Với ba văn phòng tại Tokyo, Jakarta, và Thành phố Hồ Chí Minh, Genesia Ventures đã đầu tư vào hơn 100 công ty khởi nghiệp với tổng tài sản đang quản lý (AUM) là 120 triệu USD.
Đóng trụ sở tại Singapore, JAFCO Asia là quỹ đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ tại Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc và Đài Loan. Hiện tại, quỹ có văn phòng tại Singapore, Bắc Kinh, Thượng Hải, và Đài Bắc. Công ty mẹ của JAFCO Asia là JAFCO Co., Ltd, quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất tại Nhật Bản.
Các thương vụ đầu tư đáng chú ý của quỹ bao gồm Shein, Palfish (Trung Quốc), Appier (Đài Loan), Anymind (Singapore), cùng nhiều startup thành công khác. Quỹ tập trung vào các công ty công nghệ trong giai đoạn từ Seed đến Series A, đặc biệt trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
KASIKORN VISION (KVision) là công ty đầu tư được thành lập với mục tiêu tạo ra giá trị nâng cao cho KASIKORNBANK GROUP (KBank Group), ngân hàng thương mại lớn thứ hai Thái Lan. Sứ mệnh của KVision là tìm kiếm các công ty có tính đổi mới và nhân tài công nghệ theo các mô hình hợp tác linh hoạt như tuyển dụng, đồng sáng tạo giải pháp, thiết lập quan hệ đối tác, thành lập liên doanh, và đầu tư trực tiếp (M&A). Quỹ tập trung vào các công ty công nghệ từ giai đoạn Pre-Series A, tập trung vào thị trường ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, và Israel. Hiện quỹ có văn phòng tại Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Singapore, và Trung Quốc. Với tiềm lực tài chính vững mạnh, KVision có kinh phí đầu tư hơn 450 triệu USD. Danh mục đầu tư nổi bật của quỹ bao gồm Lines Corporation (Hàn Quốc), Grab (Singapore), Jita (Thái Lan), Pawoon (Indonesia), SeedCom Group (Việt Nam), KiotViet (Việt Nam), v