MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sendo huy động được 61 triệu USD vòng series C, nhà đầu tư ngoại đã nắm 61% vốn

20-11-2019 - 14:51 PM | Doanh nghiệp

Theo Tech in Asia, trang thương mại điện tử Sendo vừa huy động được 61 triệu USD vòng series C, đây là khoản huy động vốn lớn nhất từ trước tới nay của Sendo.

Theo bản thông báo, vòng huy động vốn lần này ngoài các cổ đông cũ như SBI Group, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners, và Digital Garage, còn có các cổ đông mới như EV Growth và Kasikornbank của Thái Lan. Trước đó, Sendo đã huy động được 51 triệu USD vòng series B từ tổ chức tài chính khổng lồ của Nhật là SBI Group vào tháng 8/2018. Hiện Tập đoàn FPT vẫn đang nắm giữ vốn tại Sendo nhưng không phải cổ đông chi phối.

Theo số liệu chúng tôi có được, sau vòng gọi vốn này, nhà đầu tư nước ngoài đã nắm giữ 61,1% vốn điều lệ của Sendo.

Theo CEO kiêm Co founder Sendo Trần Hải Linh, công ty có kế hoạch sử dụng vốn huy động được để mở rộng nền tảng tích hợp cho cả người bán và khách hàng, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo và học máy (machine learning) để nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Ông Linh cho biết mặc dù công ty đã đạt được mục tiêu tổng giá trị giao dịch hàng hóa (gross merchandise value - GMV) mỗi năm 1 tỷ USD sớm hơn dự kiến, Sendo vẫn tiếp tục tập trung vào tăng trưởng GMV bền vững thông qua sự gắn bó của người tiêu dùng.

Hệ sinh thái của Sendo sẽ tích hợp các dịch vụ như sàn thương mại điện tử, quảng cáo, hậu cần và dịch vụ tài chính để đảm bảo rằng doanh thu sẽ đến từ nhiều nguồn. Đó là chiến lược của công ty và là con đường mang lại lợi nhuận cho công ty, CEO Sendo chia sẻ.

Sendo huy động được 61 triệu USD vòng series C, nhà đầu tư ngoại đã nắm 61% vốn - Ảnh 1.

Về Sendo, vào tháng 9/2012, Sendo.vn ra mắt người tiêu dùng, xuất thân là một dự án Thương mại Điện tử do Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến FPT (FPT Online) phát triển. Đến ngày 13/5/2014, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ được thành lập, trực thuộc Tập đoàn FPT, là đơn vị chủ quản Siêu Chợ Sen Đỏ. Khác với các trang thương mại điện tử khác, Sendo tập trung chủ yếu vào các thành phố cấp hai, nơi tập trung 70 triệu dân Việt Nam, thay vì chỉ tập trung vào 2 thành phố lớn là Hà Nội và HCM.

Sendo vận hành cả mô hình B2C (doanh nghiệp với người tiêu dùng) và C2C (giao dịch giữa những người tiêu dùng với nhau). Hiện nền tảng này phục vụ hơn 300.000 người bán, 10 triệu người mua và đang tập trung phát triển ở phạm vi rộng hơn ngoài các thành phố lớn. Khoảng 2/3 đơn hàng của Sendo được đặt từ các tỉnh thành ngoài 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Theo dữ liệu của iPrice, về lưu lượng truy cập web hàng tháng, Sendo xếp thứ 4 trong số các trang thương mại điện tử tại Việt Nam trong quý II/2019, sau Shopee, Tiki và Lazada.

Chia sẻ với các bạn trẻ tại Hội thảo "Hành trình từ 0 đến 1 – Những bài học trong 5 năm đầu vượt sóng" do "Cộng đồng Quản trị và Khởi nghiệp" tổ chức mới đây, Chủ tịch HĐQT CTCP FPT Trương Gia Bình cho biết giá trị của Sendo sẽ tiệm cận 1 tỷ USD nhưng ông không ủng hộ chủ trương đốt tiền. "Thuần điện tử là một canh bạc mà mới bắt đầu vào chơi thì 10 triệu USD, chơi khá hơn thì trăm triệu USD, và cuối cùng là tỷ USD. Thuần điện tử sẽ là trò chơi như vậy. Uber đã bao giờ dừng đâu? Grab đã dừng đốt tiền đâu? Các bạn bớt mơ mộng đi một chút, xuống đất hơn một chút, gắn giữa mơ mộng với đất sẽ ra một thứ tuyệt vời".

Châu Cao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên