Sếp Bảo Ngọc kể chuyện khởi nghiệp “trả giá bằng máu và nước mắt” ở tuổi 22
Sếp Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc - Bánh Bảo Ngọc) đã có những trải lòng về quá trình khởi nghiệp ở tuổi 22 đầy gian truân. Sếp Thuấn cũng là người đã tuyển dụng ứng viên 52 tuổi, trả mức lương 800 triệu/1 năm trong Tập 5 Cơ hội cho ai.
Muốn khởi nghiệp, hãy bắt đầu tư những điều nhỏ nhất
Là chủ một doanh nghiệp thành công trong lĩnh vực kinh doanh ngành hàng tiêu dùng, thế nhưng ít ai biết ông Lê Đức Thuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất Bảo Ngọc) cũng từng trải qua hành trình khởi nghiệp không ít gian nan. Đó là câu chuyện khởi nghiệp vào năm 22 tuổi, khi Sếp Thuấn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường.
Sai lầm lớn nhất của ông lúc bấy giờ là mời quá nhiều người tài về để cùng phát triển. Tuy nhiên với những trải nghiệm còn quá non nớt, chính ông đã không biết cách dụng nhân ra sao và để rồi nếm mùi thất bại.
"Tôi khởi nghiệp thời còn sinh viên, tôi có khát vọng và mục tiêu rất lớn. Tôi biết điểm yếu của mình và đã mời những người tài về ngay từ thời điểm khởi nghiệp. Kết quả là do tôi chưa đủ kinh nghiệm để sử dụng những người như vậy, nên tôi đã thất bại lên thất bại xuống rất nhiều lần. Nhưng tôi vẫn rất quyết tâm, tôi đã phải trả giá bằng máu và nước mắt để có được ngày hôm nay", Sếp Thuấn bộc bạch.
Ngoài ra, sếp Thuấn còn khuyên người trẻ nên có tư duy tổng thể, ước mơ thì lớn nhưng hãy bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất. "Đừng sai lầm như tôi là nghĩ lớn và làm lớn ngay từ đầu. Tôi thất bại nhiều lần và làm đi làm lại không dưới 10 lần. Tôi cho rằng hiếm có người kiên trì như tôi. Tôi như là ngã dập mặt xuống rồi đứng lên đi tiếp" - vị sếp Bảo Ngọc trải lòng.
Là vị sếp có nhiều cảm hứng, kỷ niệm với khởi nghiệp, trong một Hội thảo được tổ chức cách đây không lâu, sếp Thuấn cũng đã chia sẻ quan điểm ủng hộ việc giới trẻ dám ước mơ.
"Có được như ngày hôm nay, tôi đi theo triết lý là dám ước mơ, tôi ước mơ thế hệ con tôi sẽ làm được những điều như tỷ phú Warren Buffet của Mỹ chứ không chỉ dừng lại ở tỷ phú Việt Nam. Dám ước mơ, suy nghĩ tích cực và làm 1 học trò tốt là phương châm khởi nghiệp của tôi. Tôi nghĩ điều khiến các bạn trẻ khởi nghiệp thất bại là các bạn chỉ mới dừng lại ở dám ước mơ thôi, có thể các bạn không suy nghĩ tích cực và không làm 1 học trò tốt, các bạn nghĩ bản thân giỏi quá rồi. Bản thân tôi được như ngày hôm nay vì tôi đã làm qua rất nhiều vị trí rồi, còn các bạn chưa trải qua điều đó, chưa có đủ hành trang mà muốn ngay lập tức trở thành tỷ phú thì rất khó" - Sếp Bảo Ngọc cho biết.
Tham gia chương trình Cơ hội cho ai mùa 2, Sếp Thuấn được biết đến là người điềm đạm, nhưng thường chịu chi những mức lương cao nhất để mời nhân tài về đầu quân. Với ông, nhân tài chính là mấu chốt thành công của một doanh nghiệp, nhưng nếu dụng người không đúng cách thì thất bại cũng sẽ đến rất nhanh.
Đừng khởi nghiệp bằng cảm xúc
Nói về chủ đề đang được xã hội dành nhiều sự quan tâm hiện nay, ngoài Sếp Thuấn thì nhiều vị Sếp khác cũng đưa ra lời khuyên chân thành cho các bạn trẻ trước khi bước vào một hành trình Start-up.
Sếp Ngô Hoàng Gia Khánh (Phó Tổng Giám đốc phát triển Doanh nghiệp TIKI) cũng đưa ra quan điểm: "Ngoài cảm xúc thì các bạn trẻ nên có những bài kiểm tra rất nhanh thôi, để biết được là mình có nên đi con đường đó hay không. Đó là khách hàng có thật sự cần cái thứ mình làm hay không, liệu mình làm có tốt hơn người khác hay không, liệu người khác có sao chép được thứ mình làm hay không? Khi mình có những câu hỏi cụ thể thì mình có thể đi hỏi những chuyên gia trong ngành, thì mình có thể biết sức của bản thân đến đâu".
Một ý kiến thú vị khác đến từ sếp Lê Trí Thông (Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ): "Tôi nghĩ chọn lọc tự nhiên sẽ giúp chọn ra những người thành công. Những người còn lại, họ chọn con đường khác".
Trước những sai lầm của giới trẻ, Sếp Thông nêu quan điểm: "Không có ai khôn mà không dại! Chẳng qua là mình học. Nên nếu các bạn trẻ khởi nghiệp chỉ bằng nhiệt huyết mà thôi, thì 10-20% trong số đó vẫn học được. Và đó là con đường học đi lên. Còn những chi phí, đó là học phí xã hội cần trả".
Sếp Quyền (Thắng Lợi Group) bày tỏ quan điểm cá nhân một cách thẳng thắn trong lần đầu ngồi ghế "nóng": "Tôi bực mình những bạn trẻ khởi nghiệp cảm xúc. Khi chưa chuẩn bị kỹ mọi thứ, các bạn ấy trở thành gánh nặng của xã hội. Nói gì thì nói, chúng ta phải có kinh nghiệm, phải có độ lỳ nữa".
Đồng tình một phần với quan điểm của sếp Thông về việc người trẻ có quyền được sai lầm, tuy nhiên sếp Quyền vẫn giữ vững lập trường, cho rằng giới trẻ nên chuẩn bị kỹ lưỡng hành trang trước khi bắt tay vào khởi nghiệp. "Thật ra chỉ có những người không làm mới không sai lầm. Tôi rất khuyến khích các bạn trẻ nếu có đủ năng lực, đủ trí tuệ, có được đánh giá của thị trường, có đủ khả năng khởi nghiệp, thì nên khởi nghiệp, mạnh dạn khởi nghiệp" - vị sếp Thắng Lợi Group khẳng định.
Ngoài ra, MC Thành Trung cũng lần đầu chia sẻ về quá khứ từng khởi nghiệp thất bại, và có những lời khuyên hữu ích: "Bản thân tôi cũng đã có khởi nghiệp, cũng đã làm nhà hàng và cũng đã thất bại. Thất bại ở chỗ thiếu hiểu biết. Có một sự thật là làm ăn mà dựa vào người khác, chúng ta rất khó thành công. Quan điểm của tôi là nếu làm cái gì bản thân mình phải có chuyên môn trước. Tôi sẽ không làm bất cứ cái gì mà tôi không biết nữa. Dù cho tôi gặp được một người rất giỏi, nhưng tôi cũng sẽ không dám. Vì không biết thì rất khó để quản lý cùng.
Những bạn trẻ gia đình có điều kiện thì rất thích khởi nghiệp. Bởi tâm lý của các bạn là làm chủ thì sướng hơn, nhàn hơn. Nhưng tôi xin nói là làm chủ vất vả hơn. Những bạn không có điều kiện thì rất sợ khởi nghiệp, bởi vì sợ không có vốn. Và sợ nhất là phải gánh một khoản nợ. Thử nghĩ đi làm khoảng 3 đến 5 năm mà chỉ để trả nợ thì mất đi động lực trong công việc. Thế nên, tôi có lời khuyên cho các bạn rằng hãy làm đúng sức, đúng điều kiện gia đình mình, để nếu thành công thì tốt, nếu thất bại chúng ta vẫn có thể bắt đầu ở một con đường khác".